Nhiều triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản

(Banker.vn) Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn cho vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, với các lợi thế nhờ quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc liên tiếp đạt kỷ lục mới Tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Nam Phi

Thông tin tại Tọa đàm khoa học với chủ đề “Quan hệ, triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản ứng với mỗi thời kỳ phát triển của Việt Nam”, PGS, TS. Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh những thành tựu nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia nói chung và giữa Học viện với các cơ quan giáo dục, đào tạo và tư vấn chính sách của Nhật Bản nói riêng, đặc biệt trong lĩnh vực chia sẻ kinh nghiệm chính sách và phát triển của Nhật Bản, góp phần tiếp tục làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Nhật Bản là đối tác đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương nhất với Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua tương đối cân bằng, bền vững và tăng trưởng ổn định. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 24,2 tỷ USD và nhập khẩu từ Nhật Bản 23,4 tỷ USD. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4, là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Quan hệ, triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản ứng với mỗi thời kỳ phát triển của Việt Nam”
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Quan hệ, triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản ứng với mỗi thời kỳ phát triển của Việt Nam”

Những năm gần đây, Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn cho vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, với các lợi thế nhờ quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng, tình hình chính trị - xã hội ổn định, trình độ nhân lực ngày càng cao.

Ông Sugano Yuichi - Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam - cho biết: Từ năm 2020, JICA bắt đầu triển khai chương trình “JICA CHAIR” dành cho các trường đại học và cơ sở nghiên cứu hàng đầu tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm và bài học từ quá trình phát triển và hiện đại hóa của Nhật Bản.

Ông Yuichicho biết, JICA đã phối hợp cùng nhiều đối tác của Việt Nam, trong đó có Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục những mối quan hệ này để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.

Cùng với đó, chia sẻ về vai trò của Nhật Bản trong phát triển kinh tế tại Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Thọ nêu rõ, trong 30 năm qua, qua các kênh ODA, FDI và chế độ thực tập sinh kỹ năng, công nghệ và tri thức quản lý đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế của Việt Nam.

Nhật Bản cũng tích cực trong việc hỗ trợ và tư vấn về chính sách cải cách và phát triển, thể hiện qua Dự án Ishikawa bắt đầu năm 1995. Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng kinh tế Việt Nam. "Nhật Bản chiếm vị trí áp đảo trong luồng vốn ODA song phương từ nước ngoài vào Việt Nam" - Giáo sư Trần Văn Thọ cho biết và thông tin thêm, lũy kế vốn ODA Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam trong giai đoạn từ 1993 đến tháng 3/2022 lên tới 2.900 tỷ yen, cao hơn nhiều so với con số cung cấp cho Thái Lan (2.164 tỷ yen) hay Philippines (2.329 tỷ yen) từ thập niên 1960 đến 2012.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Trần Văn Thọ, Việt Nam chưa phát huy tốt được nguồn lực từ Nhật Bản, và có thể phát triển hơn nữa thông qua tăng cường nguồn lực trong nước, đồng thời phối hợp hiệu quả hai nguồn lực.

Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào ngày 21/9/1973. Kể từ đó, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng,… từ cấp lãnh đạo trung ương tới các cấp cơ sở, các địa phương.

Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2009 và nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” vào năm 2014.

Nhật Khôi

Theo: Báo Công Thương