Nhiều tổ chức Khối SoftBank chi 1.041 tỷ đồng mua vào hơn 24 triệu cổ phiếu TPB

(Banker.vn) Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa ra thông báo một loạt giao dịch của 4 tổ chức có liên quan đến người nội bộ Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank –Mã: TPB) và đều thuộc sở hữu của SBIH Investment Vietnam nằm trong Khối đầu tư của SoftBank.

Cụ thể, các giao dịch sẽ diễn ra từ ngày 5/10 đến 3/11 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Theo đó, hai công ty liên quan tới bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, thành viên Ban Kiểm soát TPBank đã mua vào tổng cộng 15,7 triệu cổ phiếu. Cụ thể, Công ty TNHH SP và Công ty TNHH JB đều mua vào hơn 7,8 triệu cổ phiếu trên 8,2 triệu cổ phiếu đăng ký mua, nâng tỷ lệ sở hữu lên 4,08% vốn điều lệ ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt hiện là Chủ tịch của hai công ty trên. Đồng thời, bà Nguyệt cũng là chủ tịch của hai công ty khác sở hữu cổ phần của TPBank là Công ty TNHH FD và Công ty TNHH VG. Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm, FD đang sở hữu gần 41 triệu cổ phần tại TPBank (3,81%) và VG sở hữu 45 triệu cổ phần (4,2%).

Một quỹ đầu tư khác là SBI Ven Holdings PTE.LTD đã mua vào 4,2 triệu cổ phiếu TPB trong số 6 triệu cổ phiếu đăng ký mua. Qua đó nâng sở hữu lên gần 52,7 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 4,5%. Hai thành viên HĐQT TPBank, ông Suzo Shikata và Eiichiro So hiện là đại diện phần vốn góp của quỹ đầu tư này tại ngân hàng.

Ngoài ra, CTCP Quản lý Quỹ đầu tư FPT (FPT Capital) cũng mua vào 4,2 triệu cổ phiếu TPB theo ủy thác của SBI Ven Holdings PTE.LTD.

Như vậy, tổng số cổ phiếu TPB mà 4 tổ chức có liên quan đến SoftBank mua vào là 24,1 triệu đơn vị.

Ước tính với giá cổ phiếu trung bình từ 5/10 - 3/11 là 43.190 đồng/cp, 4 tổ chức này đã chi khoảng 1.041 tỷ đồng cho giao dịch trên.

Diễn biến giá cổ phiếu TPB thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Mới đây, TPBank đã lấy ý kiến cổ đông phương án trả cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35%, tăng vốn lên hơn 15.800 tỷ đồng.

Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành thêm hơn 410 triệu cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận để lại chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.

Trước đó, trong quý III/2021, TPBank đã phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, đạt 11.716 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của TPBank cũng tăng mạnh, từ 13.000 tỷ đồng cuối năm 2019 lên 26.000 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại. Tính trong 5 năm gần đây, vốn chủ sở hữu của TPBank đã tăng gấp 5 lần.

Tính đến cuối quý III, hệ số an toàn vốn (CAR) của TPBank đạt 13,43%, nợ xấu ở mức 1,02%. Đến hết ngày 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 260.328 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước và vượt hơn 4% kế hoạch cả năm. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 9.868 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng tín dụng trong 3 quý qua là 15%. Tổng huy động của ngân hàng tính đến cuối tháng 9 tăng 24,73% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt xấp xỉ 4% kế hoạch cả năm. TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 9 tháng gần 4.400 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của BVSC cho biết TPBank đã xóa được 2.000 tỷ nợ xấu trong quý III, nâng tổng mức xóa nợ 9 tháng lên 2.665 tỷ đồng, tạo cơ hội cho ngân hàng ghi nhận thu nhập từ hoàn nhập khi nền kinh tế phục hồi.

Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn ở mức khá 115,4% vào cuối quý III so với 144,8% trong quý II và 134,2% vào cuối năm 2020.

Anh Khôi

Theo Tạp Chí Kinh Tế Chứng Khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán