Nhiều tin tốt, vì sao thị trường chứng khoán vẫn “ảm đạm”?

(Banker.vn) Đối với những thị trường đầu tư như chứng khoán hay bất động sản, yếu tố thanh khoản và dòng tiền là quan trọng nhất. Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, “khi thanh khoản trong hệ thống được nới lỏng, điển hình như room tín dụng và NHNN bắt đầu có những dấu hiệu bơm tiền, nhà đầu tư hoàn toàn có thể nghĩ tới một chu kỳ bơm tiền mới của thị trường trong những năm tới. Đây cũng chính là cơ sở cho việc thị trường chứng khoán xuất hiện những nhịp đi lên bền vững và ổn định hơn trong trung và dài hạn”.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại một tuần gần như đi ngang trong bối cảnh có nhiều sự kiện tác động kể cả trong và ngoài nước từ việc các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất cho vay, chỉnh sửa Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp hay việc FED tăng lãi suất chậm lại và tỷ giá lao dốc, Ngân hàng nhà nước phát tín hiệu mua lại ngoại tệ...tuy nhiên giao dịch vẫn đang khá phân hoá tại ngưỡng kháng cự. Nhà đầu tư nên tận dụng gia tăng tỷ trọng và phân bổ như thế nào cho triển vọng trung và dài hạn?

Nhiều tin tốt, vì sao thị trường chứng khoán vẫn “ảm đạm”?

Tại chương trình Khớp Lệnh, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích CTCP Chứng khoán Nhất Việt đánh giá rằng, áp lực từ những vấn đề lớn như tỷ giá, lạm phát, trái phiếu hay lãi suất đã giảm bớt. Điển hình như tỷ giá bắt đầu hạ nhiệt, thanh khoản có sự cải thiện trên hệ thống Ngân hàng khi NHNN bắt đầu bơm nhiều tiền hơn qua kênh OMO. Đây là một trong những công cụ rất mạnh hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Việc mua USD trở lại và niêm yết ở mức 23.450 USD/VND cho thấy NHNN đã bắt đầu mua vào dù số lượng mua chưa nhiều.

Sang năm 2023, ông Hoàng dự báo động thái mua vào của NHNN sẽ quyết liệt hơn. Khi giá bán USD của NHTM và giá bán ra trên thị trường tự do tiệm cận mức đặt mua của NHNN, dòng tiền bơm vào lưu thông sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, nhờ đó thanh khoản được ổn định và dồi dào hơn.

Đối với những thị trường đầu tư như chứng khoán hay bất động sản, yếu tố thanh khoản và dòng tiền là quan trọng nhất. “Khi thanh khoản trong hệ thống được nới lỏng, điển hình như room tín dụng, và NHNN bắt đầu có những dấu hiệu bơm tiền, nhà đầu tư hoàn toàn có thể nghĩ tới một chu kỳ bơm tiền mới của thị trường trong những năm tới. Đây cũng chính là cơ sở cho việc thị trường chứng khoán xuất hiện những nhịp đi lên bền vững và ổn định hơn trong trung và dài hạn”, chuyên gia chứng khoán Nhất Việt chia sẻ.

Tuy nhiên, trái với những thông tin tích cực, phản ứng gần đây của nhà đầu tư trên thị trường lại tỏ ra khá thận trọng khiến VN-Index dường như đi ngang, thậm chí điều chỉnh khá mạnh nhiều phiên trở lại đây. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Hoàng cho biết định giá của thị trường rơi về mức thấp nhất khoảng 9 lần giữa tháng 11, hiện định giá VN-Index đã quay về 11 lần, tương ứng mức tăng 25%.

Ông Hoàng nhận định rằng, nhịp tăng hình chữ V từ 22% đến 25% sau khi thị trường tạo đáy là mức tăng khá mạnh. Do vậy, thời gian tới, ông Hoàng đánh giá khả năng cao thị trường sẽ có những nhịp điều chỉnh để tạo nền và mặt bằng giá mới cho đà tăng trong trung và dài hạn.

Đồng thời, dòng tiền đang cho thấy dấu hiệu tích cực hơn. Câu chuyện thị trường sẽ điều chỉnh trong tuần này, tuần sau hay một tháng nữa sẽ rất khó đoán định. Theo quan điểm của ông Hoàng, nhịp chỉnh tương đối lần này của VN-Index sẽ tạo nên mặt bằng giá mới để hấp thụ hết lượng cung trên thị trường. Tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng cũng là điều dễ hiểu.

Tương tự dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân, nhóm nhà đầu tư ngoại giảm mức độ mua ròng khá rõ rệt thời gian gần đây. Trong 2 tháng vừa qua, khối ngoại đã mua ròng rất mạnh với số tiền lên đến hơn 20.000 tỷ đồng. Đà mua ròng mạnh tập trung giai đoạn đầu, với giá trị giao dịch mua ròng trung bình khoảng 4-500 tỷ đồng/phiên. Thời điểm tiếp theo, giá trị giao dịch ròng tăng đột biến lên mức 1.000-1.500 tỷ đồng, thậm chí nhiều phiên lên đến hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo quan sát của ông Hoàng, cách thức mua ròng giai đoạn này trải rộng ra trên toàn thị trường và trải dài trên rất nhiều mã, không chỉ tập trung vào một vài "deal" lớn. Ông Hoàng cho rằng, khối ngoại đang giải ngân dựa theo góc nhìn về định giá thị trường (P/E) . Trong nhịp mua đầu tiên hồi đầu tháng 11, trước bối cảnh những thông tin hỗ trợ thị trường về mặt vĩ mô vẫn là “bức tranh màu xám”, nhóm này đã có động thái bắt đầu giải ngân và “đánh cược” với thị trường.

Giai đoạn tiếp theo, bức tranh vĩ mô dần rõ ràng hơn trong khi định giá của thị trường rất rẻ, dòng tiền giải ngân của khối ngoại tập trung giải ngân mạnh và ồ ạt với cường độ lớn bất chấp thị trường phiên giảm/tăng, trần hay sàn đều đẩy mạnh mua ròng liên tục. Thời điểm đó P/E rơi về 9 – 9,5 lần. Hiện tại, P/E quay về khoảng 11 lần nên mức độ mua ròng đã giảm đi khá nhiều.

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán