Nhiều sai sót trong cấp phép khai thác khoáng sản cho 3 đại dự án giao thông

(Banker.vn) Phát hiện nhiều sai sót trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu cho 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 tại các tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai và Bình Thuận.

Cấp phép khai thác khoáng sản: Nhiều bất cập Hệ lụy từ cấp phép khai thác khoáng sản ồ ạt Hà Nội: Sẽ ưu tiên cấp phép khai thác khoáng sản để làm đường Vành đai 4

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết trong giai đoạn thi công nền đường

Lệch pha số liệu khảo sát

Sau đúng 8 tháng thanh tra, vào cuối tuần trước, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra số 1896/KL-TTCP về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại một số tỉnh khu vực phía Nam cung cấp cho dự án giao thông quan trọng quốc gia.

Cụ thể, thực hiện Quyết định thanh tra số 457/QĐ-TTCP ngày 23/11/2022 của Tổng thanh tra Chính phủ, từ ngày 5/12/2022 đến ngày 24/2/2022, đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (vật liệu san lấp) để cung cấp cho 3 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2022, gồm Dự án thành phần cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; Dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu của UBND các tỉnh: Bình Thuận, Đồng NaiĐồng Tháp.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, trên cơ sở báo cáo của Thanh tra Chính phủ, ngày 31/8/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6757/VPCP-CN gửi Thanh tra Chính phủ, các bộ: Giao thông - Vận tải (GTVT); Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư và UBND các tỉnh: Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái.

Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung kết luận, kiến nghị đối với việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại một số tỉnh phía Nam cung cấp cho dự án giao thông quan trọng quốc gia, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, không làm thất thoát tài sản nhà nước.

Các bộ GTVT, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và UBND các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp được yêu cầu thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; xử lý nghiêm các vi phạm, khắc phục các tồn tại, thiếu sót; trường hợp phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

“Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện xử lý sau thanh tra; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/11/2023”, Công văn số 6757 nêu rõ.

Cần phải nói thêm, tính đến cuối tháng 8/2023, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Ngoài 3 dự án thành phần được thanh tra theo Quyết định số 457/QĐ-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã lần lượt công bố kết luận thanh tra cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại Dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn (đi qua địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) và Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đi qua địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa.

Đặc điểm chung của 3 bản kết luận nói trên là có có lệch pha rất lớn về số liệu mỏ cát, đá trong các khu vực triển khai công trình được tư vấn thiết kế, chủ đầu tư dự trù trong hồ sơ mời thầu với điều kiện thực tế đã gây ra tình trạng căng thẳng về nguồn cung vật liệu, làm chậm tiến độ triển khai các dự án.

Tại Kết luận thanh tra số 1896/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ khẳng định, theo quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025- 2030, trữ lượng vật liệu san lấp cao hơn nhiều so với nhu cầu của 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; cầu Mỹ Thuận và đường dẫn 2 đầu cầu.

Tuy nhiên, tại thời điểm triển khai các dự án, chỉ có Dự án thành phần cầu Mỹ Thuận và đường dẫn 2 đầu cầu không gặp khó khăn về vật liệu san lấp. Hai dự án thành phần còn lại liên tục bị thiếu nguồn cung vật liệu do phần lớn trữ lượng vật liệu san lấp thuộc khu vực quy hoạch (chưa được cấp phép hoạt động) hoặc các khu vực mỏ vật liệu san lấp đang hoạt động (đã được cấp phép trước đây) có trữ lượng và công suất được phép khai thác quá thấp so với nhu cầu của dự án (công suất khai thác tại tỉnh Bình Thuận đạt 1,054 triệu m3/năm; tại tỉnh Đồng Nai chỉ đạt 60.334 m3/năm).

Trong khi đó, nhu cầu vật liệu đất đắp tại Dự án thành phần cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết là 9,2 triệu m3 trong vòng 2 năm; nhu cầu vật liệu đất đắp tại Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là 3,91 triệu m3 trong vòng 2 năm.

Nguyên nhân chính, về chủ quan, là do khâu khảo sát, đánh giá tình hình của đơn vị tư vấn chưa kỹ càng, không xác định đầy đủ tính pháp lý của khu vực dự kiến cung cấp vật liệu cho các dự án.

Tình trạng phổ biến là khi khảo sát, đơn vị tư vấn đánh giá các mỏ vật liệu đạt yêu cầu về chất lượng, nhưng sau khi công trình được khởi công, thì nhà thầu xác định không đảm bảo chất lượng để sử dụng làm vật liệu thi công, dẫn đến việc chủ đầu tư phải tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền thực hiện các thủ tục bổ sung quy hoạch khoáng sản; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, cấp phép khai thác khoáng sản và thực hiện các thủ tục đất đai để được khai thác khoáng sản theo quy định.

Tất cả các quy trình trên dù đã được áp dụng các cơ chế đặc thù của Quốc hội và Chính phủ, nhưng vẫn mất rất nhiều thời gian, khiến ngay trong giai đoạn thi công nước rút, nhà thầu vẫn phải “tắt máy” chờ vật liệu.

“Trách nhiệm chính dẫn đến việc chậm cung cấp vật liệu san lấp cho Dự án thành phần cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chủ yếu thuộc về chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án 7); đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế, dự toán; các nhà thầu trúng thầu thi công dự công trình”, Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Nhiều sai sót trong cấp phép khai thác khoáng sản cho 3 đại dự án giao thông

Rà kỹ dấu hiệu phạm tội

Không chỉ “điểm danh” đơn vị tư vấn thiết kế và đơn vị quản lý dự án, tại Kết luận thanh tra số 1896/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ cũng “điểm mặt” các vi phạm liên quan đến việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại 3 dự án thuộc trách nhiệm của chính quyền các địa phương.

Tại Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Thanh tra Chính phủ nhận thấy, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành 2 quyết định gia hạn giấy phép khai thác đá; một quyết định điều chỉnh diện tích và tăng thời hạn khai thác đá, không đúng quy định tại khoản 1, Điều 84, Luật Khoáng sản năm 2010.

Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 4421/GP-UBND ngày 8/12/2017 gia hạn giấy phép khai thác tại mỏ đá Soklu 1, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất cho Công ty TNHH Quốc Phú Sơn Lâm với thời hạn 10 năm tính từ ngày 1/11/2017, trong khi Công ty này chỉ được phép khai thác đến ngày 18/12/2017.

Tại Quyết định số 1523/QĐ-UBND ngày 11/7/2017, UBND tỉnh Đồng Nai tiến hành điều chỉnh giấy phép khai thác mỏ đá Soklu 2, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất từ Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa qua Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hoà và tăng thời hạn khai thác từ 6,2 năm, lên 12 năm 1 tháng kể từ ngày 23/3/2011, trong khi giấy phép cấp cho Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa đã hết thời hạn khai thác.

Tại Quyết định số 2269/QĐ-UBND ngày 1/9/2010, Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa được khai thác tại mỏ đá xây dựng Soklu 5 thuộc xã Quang Trung, huyện Thống Nhất với thời hạn khai thác đến ngày 31/12/2016. Tuy nhiên, đến năm 2014 và năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Giấy phép khai thác số 4018/GP-UBND ngày 22/12/2014 (thay thế cho Quyết định số 2269/QĐ-UBND) và số 177/QĐ-UBND ngày 7/7/2020 (thay thế cho Giấy phép số 4018/GP-UBND), qua đó tăng diện tích khu vực hoạt động khoáng sản từ 23 ha lên 30,5 ha và tăng thời hạn khai thác lên 11 năm 6 tháng, tính từ ngày 1/11/2014 (đến ngày 30/6/2026).

Theo Thanh tra Chính phủ, cả 3 trường hợp trên đều không được UBND tỉnh xác định khai thác để cung cấp cho công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các công trình theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 22, Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khoáng sản.

“Việc cấp phép không đúng quy định đã dẫn đến một khối lượng đá được khai thác và cung ứng ra ngoài thị trường. Mặc dù đơn vị khai thác đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các loại thuế, phí theo quy định, nhưng vi phạm cần được xem xét, làm rõ để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định. Trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các tố chức, cá nhân liên quan”, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Tại Dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu, Thanh tra Chính phủ ghi nhận việc UBND tỉnh Đồng Tháp thực hiện gia hạn khai thác cát đối với 12 giấy phép hết hạn sau ngày 1/7/2011 là không đúng quy định tại khoản 1, Điều 84, Luật Khoáng sản năm 2010; cấp mới 7 giấy phép khai thác cát thuộc khu vực khoanh định không đấu giá, nhưng chỉ xác định ưu tiên cung ứng cát cho các công trình trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình sử dụng vốn đầu tư công theo đề nghị của cơ quan chức năng, dẫn đến đơn vị khai thác cát trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã cung cấp cát ra thị trường là chưa đúng quy định tại khoản 5, Điều 12, Nghị định 15/2012/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản và điểm đ, khoản 1, Điều 22, Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Mặc dù khối lượng cát được khai thác cũng là nhằm phục vụ nhu cầu bức thiết của xã hội, sau khi được cấp phép khai thác, các nhà đầu tư đã nộp tiền cấp quyền khai thác, thực hiện khai thác cát và kê khai nộp các loại thuế theo quy định; UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo rà soát, cho phép các giấy phép đang hoạt động được khai thác đến ngày 30/6/2023, sau đó tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho rằng, các vi phạm vẫn cần được xem xét, làm rõ để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định.

Đối với những lỗi vi phạm nói trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chủ tịch UBND các tỉnh Đồng Nai và Đồng Tháp tổ chức kiếm điểm làm rõ trách nhiệm, qua đó xem xét, xử lý phù hợp theo quy định đối với các tập thế, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm.

“Qua quá trình kiểm điếm, xử lý, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm, thì chuyển cơ quan Cảnh sát Điều tra xem xét theo thẩm quyền”, Kết luận số 1896/KL-TTCP nêu rõ.

baodautu.vn

Theo: Báo Công Thương