Nhiều nước châu Á sẽ không nâng lãi suất trong năm nay

(Banker.vn) Các nền kinh tế đã từng tăng trưởng nhanh chóng ở châu Á đang phải “vật lộn” với nhu cầu trong nước yếu, yếu tố đang kìm hãm lạm phát, từ đó làm tăng khả năng ngân hàng trung ương nhiều nước ở châu lục này sẽ không tăng lãi suất trong năm nay.

Đối với giới đầu tư và hoạch định chính sách ở các thị trường mới nổi châu Á, lạm phát cao và đôi khi bất ổn lâu nay luôn đi kèm với tăng trưởng mạnh.

Nhưng điều này đã thay đổi, khi tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 chậm chạp và một làn sóng lây nhiễm mới đang kìm hãm đà phục hồi kinh tế ở nhiều nước như Thái Lan, Indonesia (In-đô-nê-xi-a), Philippines (Phi-líp-pin) và Ấn Độ.

Cũng như những nơi khác trên thế giới, giá hàng hóa cao chắc chắn đang gây ảnh hưởng đến châu Á khi nó làm gia tăng giá nguyên liệu thô. Hàn Quốc đang chuẩn bị nâng lãi suất trong năm nay, giữa lúc nền kinh tế và thị trường nhà ở của nước này đang “nóng” lên.

Thế nhưng, các chuyên gia phân tích cho rằng nhu cầu yếu đang kìm hãm lạm phát và khiến ngân hàng trung ương nhiều nước không phải chịu áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tháng này, Ngân hàng Trung ương Thái Lan vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục và dự báo lạm phát chỉ ở mức 1,2% trong năm nay, khi quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch này đang phải chống chọi với làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ ba.

Lạm phát ở Philippines đã đạt 4,5% trong tháng Năm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng ngân hàng trung ương nước này vẫn duy trì lãi suất thấp kỷ lục và dự báo lạm phát sẽ quay về trong khoảng mục tiêu 2-4% trong nửa cuối năm nay.

Trong khi đó, lạm phát ở Indonesia đã tăng từ 1,42% trong tháng Tư lên 1,68% trong tháng Năm, mức cao nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, nhưng vẫn dưới khoảng mục tiêu 2-4% của ngân hàng trung ương nước này.

Ngay cả ở Ấn Độ, nơi lạm phát bán lẻ đã tăng lên đến 6,3% trong tháng Năm, nhiều nguồn tin cho biết có thể ngân hàng trung ương nước này sẽ không phản ứng bằng cách thắt chặt chính sách, nhằm “giảm xóc” cho tăng trưởng kinh tế từ đợt lây nhiễm COVID-19 lần thứ hai.

Tình hình ở châu Á khác với các thị trường mới nổi ở các khu vực khác như Mỹ Latinh, nơi lạm phát và nguy cơ vốn “tháo chạy” đã khiến nhiều nước phải tăng lãi suất hay bắt đầu bàn đến việc thắt chặt chính sách.

Dù sự thắt chặt chính sách ở Mỹ vẫn là một nguy cơ đối với các ngân hàng trung ương ở châu Á, nhưng bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực vào năm 1998 và sự kiện “taper tantrum” của năm 2013 (Taper tantrum là sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn) đã khiến châu Á vững vàng hơn trước nguy cơ vốn tháo chạy ồ ạt do động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Ông Khoon Goh, người phụ trách nghiên cứu châu Á của Ngân hàng ANZ ở Singapore (Xin-ga-po), cho biết dự trữ ngoại hối của châu Á, không tính Trung Quốc, đã tăng lên mới cao kỷ lục mới, nên ngân hàng trung ương nhiều nước châu Á chắc chắn sẽ có nhiều công cụ “giảm xóc” hơn để đối mặt với bất ổn.

Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng nhu cầu trong nước yếu đã làm nhập khẩu giảm xuống, trong khi xuất khẩu vẫn gia tăng, từ đó thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai và khiến nhiều nước như Indonesia ít bị tổn thương hơn trước nguy cơ vốn tháo chạy.

Dù những "vết thương" từ đại dịch COVID-19 có thể sẽ bắt đầu lành lại vào năm sau, nhưng triển vọng lạm phát ở mức "ôn hòa" có thể đồng nghĩa với việc chính sách của Fed có khả năng sẽ tác động nhiều đến chính sách tiền tệ ở châu Á hơn là lạm phát. Chính vì thế, thử thách thực sự đối với ngân hàng trung ương các nước châu Á có thể đến vào năm tới, khi Fed có khả năng sẽ đưa ra tín hiệu rõ ràng hơn về triển vọng nâng lãi suất.

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam 

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán