Nhiều ngân hàng rục rịch tăng lãi suất tiết kiệm

(Banker.vn) Gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ đang đẩy kỳ vọng tăng trưởng, lạm phát, lãi suất trên toàn thế giới gia tăng. Tại Việt Nam, một số ngân hàng như Techcombank, VPBank… đã điều chỉnh tăng lãi suất.

Thị trường tài chính toàn cầu đã có những phản ứng tức thì ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD. Tại Việt Nam, huy động vốn của ngân hàng có dấu hiệu chậm lại, trong khi lãi suất ngân hàng bắt đầu động thái tăng.

Gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ đang đẩy kỳ vọng tăng trưởng, lạm phát và lãi suất trên toàn thế giới gia tăng, đồng thời sẽ làm xoay chuyển dòng vốn đổ vào nhiều kênh đầu tư.

Lãi suất sẽ đi lên từ đáy

Tại Việt Nam, từ tuần qua, một số ngân hàng như Techcombank, VPBank, ACB… đã điều chỉnh tăng lãi suất. Theo đó, mức điều chỉnh phổ biến là 0,1-0,2%, có kỳ hạn tăng tới 0,8% so với cách đây một tháng.

Làn sóng tăng lãi suất chưa lan rộng, bởi thanh khoản thị trường còn khá dồi dào trong bối cảnh cầu tín dụng chưa tăng cao. Tuy nhiên, việc các ngân hàng TMCP tư nhân hàng đầu tăng lãi suất đang đặt áp lực không nhỏ lên các ngân hàng TMCP tư nhân còn lại, đồng thời cũng đưa ra cảnh báo về xu hướng tăng lãi suất đang đến dần.

Trên thực tế, dù tín dụng tăng chậm và thanh khoản hệ thống đang rất tốt (lãi suất liên ngân hàng qua đêm vẫn chỉ xoay quanh 0,3%/năm), song huy động vốn của ngân hàng đang chậm lại. Tính đến ngày 23/2/2021, trong khi tín dụng với nền kinh tế tăng 0,26%, khởi sắc khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ 0,17%), thì huy động vốn lại giảm tới 0,48%.

Mặc dù trong tháng 2/2021 có tới 11 ngân hàng giảm lãi suất, song dự kiến, lãi suất sẽ bắt đầu tăng lên trong tháng 3/2021 dưới tác động nhiều chiều như lạm phát, cầu tín dụng, tác động của thị trường thế giới…

Lạm phát ở Việt Nam chưa có dấu hiệu tăng mạnh, song chỉ số CPI tháng 2/2021 tăng 1,52% - mức tăng cao nhất của tháng 2 trong 8 năm - cũng là con số cần phải dè chừng.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trong bối cảnh Covid-19 có dấu hiệu được kiểm soát, việc tiêm vaccine đang được triển khai, CPI tháng 2 tăng mạnh, nhiều khả năng lãi suất huy động sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.

Nhiều ngân hàng TMCP cũng cho biết, tiền gửi vào ngân hàng đang tăng chậm hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trước mắt, tình trạng này chưa đáng lo ngại vì nhu cầu tín dụng đang thấp, song quý tới, khi hoạt động sản xuất - kinh doanh tăng dần, việc tăng lãi suất huy động là khó tránh.

Ngân hàng vẫn muốn hạ chi phí vốn

Thừa nhận khả năng vốn khó rẻ thêm, song theo nhiều chuyên gia, việc Mỹ bơm tiền có đẩy lạm phát và lãi suất tăng mạnh hay không vẫn là dấu hỏi. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007-2009, để chống suy thoái, Mỹ cũng bơm hàng ngàn tỷ USD, song không gây ra lạm phát, không đẩy lãi suất tăng.

Tuy nhiên, thời kỳ đó, tiền mặt hầu như được bơm hỗ trợ thanh khoản cho các nhà băng; còn hiện nay, tiền mặt sẽ được trực tiếp giải ngân cho người dân và doanh nghiệp để kích thích nhu cầu mua sắm, tiêu dùng. Như vậy, diễn biến lãi suất và lạm phát sẽ có sự khác biệt.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, việc Mỹ bơm tiền cứu trợ sẽ khiến kỳ vọng lạm phát và tăng trưởng kinh tế gia tăng. Một khi lạm phát tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm nới lỏng và tăng lãi suất cơ bản, làm giảm các dòng tiền rẻ. Đi theo Mỹ, hàng loạt nước khác cũng sẽ giảm nới lỏng định lượng, dẫn đến giảm dòng tiền rẻ như giai đoạn 2013-2015.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất tăng không hoàn toàn xấu. Thực tế, điều hành lãi suất tiền gửi phải hài hòa lợi ích của người gửi, người vay và ngân hàng; lãi suất quá thấp sẽ khiến dòng tiền chảy vào các kênh đầu cơ không có lợi cho nền kinh tế.

Mặc dù lãi suất huy động có thể nhích dần lên trong thời gian tới, song giới chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn có thể tiếp tục tiết giảm nhờ ngân hàng tối ưu hóa nguồn vốn huy động, tiết giảm chi phí bằng cách đẩy mạnh số hóa…

Linh Đan

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam (link gốc)

Theo:
    Bài cùng chuyên mục