Nhiều giải pháp kích cầu, bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

(Banker.vn) Để kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm, ngoài những giải pháp kích thích nhu cầu mua sắm, việc bình ổn giá thị trường rất quan trọng.
Những yếu tố nào tác động tới kích cầu tiêu dùng nội địa trong năm 2024? Lễ hội mua sắm Tết Giáp Thìn kích cầu tiêu dùng ngành gỗ cuối năm

Các giải pháp kích cầu tiêu dùng chưa đồng bộ

Chỉ còn một tháng nữa đến Tết, nhiều bà nội trợ đã lên kế hoạch chi tiêu mua sắm trong những ngày cuối năm. Vì thế, thị trường hàng hoá và quà biếu tặng ngày Tết cũng trở nên nhộn nhịp hơn.

Nắm bắt được xu hướng này, các đơn vị bán lẻ không chỉ tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá sâu, đem đến cơ hội mua sắm tiện lợi cho người tiêu dùng mà còn tăng thêm những dịch vụ đi liền với sản phẩm mang tính gắn kết.

Trên mạng xã hội, các group "mua gì cuối năm" cũng rộn ràng tăng lượt tương tác và thường xuyên chia sẻ những thông tin hữu ích, những "thần phẩm" ngày Tết, những địa điểm hàng giảm giá... Các "masterchef" (vua đầu bếp) truyền nhau những bí quyết chọn quà, cũng như những hình ảnh giỏ quà theo "trend" (xu hướng) Tết của năm khủng hoảng kinh tế.

Nhiều giải pháp kích cầu, bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn
Để kích cầu tiêu dùng, nhiều đơn vị bán lẻ đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá sâu

Theo chị Lê Thị Hoà, nhân viên cửa hàng Thực phẩm sạch trên đường Lưu Hữu Phước, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, có rất nhiều hàng thiết yếu đang giảm giá để phục vụ nhu cầu mua sắm cao điểm vào mùa Tết. Trong đó, có nhiều mặt hàng giảm giá sâu như giỏ quà Tết, kèm dịch vụ giao hàng tận cửa nhà.

Theo các chuyên gia, để kích cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp, do đó đã có tác động nhất định, tuy nhiên, thực tế, các chương trình kích cầu được đánh giá còn rời rạc, chưa có sự kết nối để tạo sức mạnh kéo tổng cầu của nền kinh tế đi lên.

Theo đại diện MM Mega Market Việt Nam, trong bối cảnh tiêu dùng tại Việt Nam ảm đạm, các giải pháp khuyến mãi giảm giá, bình ổn giá, đa dạng kênh bán hàng… của doanh nghiệp hiện tại chưa đủ sức đẩy cầu lên, nếu người dân được cấp "vốn mồi" để chi tiêu dịp Tết này sẽ tạo sức bật cho thị trường.

"Có thể gói gọn thời gian sử dụng gói hỗ trợ trong 2 tháng trước và sau Tết nhằm phát huy tối đa hiệu quả kích cầu trong mùa mua sắm lớn nhất năm" - ông Khôi gợi ý.

Thực tế, từ vài tháng trước, Chính phủ đã triển khai một loạt giải pháp để kích cầu tiêu dùng các tháng cuối năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế lẫn doanh nghiệp cho biết, cần triển khai các chính sách đồng loạt, mạnh mẽ, dứt khoát để kích thích tổng cầu.

Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA), Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) - nêu giải pháp quan trọng nhất để tăng trưởng tiêu dùng nội địa, kích thích người dân tiêu tiền trong giai đoạn này là làm sao để giá thành hàng hóa giảm.

"Cần kéo giảm chi phí đầu vào sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động khuyến mãi, xúc tiến, quảng bá sản phẩm làm cho thị trường sinh động lên. Trước mắt, chính quyền có thể phối hợp doanh nghiệp tổ chức các lễ hội, hội chợ, triển lãm, kinh tế đêm… miễn phí cho doanh nghiệp vào trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm, từ đó tạo thêm kênh cho người dân tiêu xài" - ông Hòa kiến nghị.

Chủ tịch HUBA nói thêm, việc kích thích tổng cầu giai đoạn này và cả năm 2024 cần phải đến từ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các hoạt động chi tiêu của Chính phủ. Khi kinh tế vĩ mô ổn định, người dân có việc làm và thu nhập ổn định thì sẽ tăng chi tiêu.

Quản lý, điều hành giá phù hợp, ổn định mặt bằng giá cả thị trường

Để kích cầu tiêu dùng những ngày cuối năm, đặc biệt để bình ổn giá, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 01/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan thuộc, trực thuộc bộ và Sở Tài chính các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và cả năm 2024.

Chỉ thị nêu rõ, trong năm 2023, tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp. Tiêu dùng và các hoạt động kinh tế suy giảm tại một số quốc gia. Lạm phát toàn cầu tuy có xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu biến động tăng giảm liên tục, giá lương thực ngày càng tăng.

Trong khi đó, thị trường trong nước cho thấy các tín hiệu tích cực hơn, các mặt hàng quan trọng, thiết yếu cơ bản bình ổn, đáp ứng nhu cầu của người dân; hoạt động sản xuất nông nghiệp thuận lợi nên nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào. Hàng hóa, dịch vụ trong nước cung đáp ứng cầu.

Nhiều giải pháp kích cầu, bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn
Bộ Tài chính yêu cầu đẩy mạnh công tác tổng hợp thông tin, phân tích dự báo diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt trong trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Bên cạnh đó, mặt hàng xăng dầu và LPG vẫn có diễn biến giá phức tạp, chịu nhiều tác động của thị trường thế giới. Những thuận lợi về cung cầu thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ hiện nay được xem như là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2023. Song hành với đó là công tác quản lý, điều hành giá đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Dự báo năm 2024 tiếp tục có nhiều yếu tố biến động khó lường của thị trường thế giới do tác động từ các xung đột chính trị, việc các quốc gia ngày càng có xu hướng bảo hộ thị trường trong nước, tăng cường dự trữ quốc gia sẽ ảnh hưởng đến cung, cầu hàng hóa khiến giá cả có thể diễn biến phức tạp.

Nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính; Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục thuế, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh), Cục trưởng Cục Hải quan, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Dự trữ nhà nước khu vực theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số nhiệm vụ và giải pháp.

Theo đó, các cơ quan đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình kinh tế - chính trị và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có giải pháp ứng phó phù hợp; cập nhật tình hình cung cầu, giá cả thị trường trong nước để kịp thời tham mưu các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội; tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế, công tác hoàn thuế.

Với nhóm nhiệm vụ này, Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính, các đơn vị chức năng thuộc các bộ, ngành tổ chức nắm bắt thông tin, theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, nhất là đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng tư liệu sản xuất quan trọng có giá biến động lớn.

Đồng thời, các đơn vị tham mưu kịp thời trình Bộ Tài chính các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát; chủ động tổ chức triển khai các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá; đẩy mạnh công tác tổng hợp thông tin, phân tích dự báo diễn biến giá cả thị trường.

Cục Quản lý giá chủ động xây dựng kịch bản điều hành giá năm 2024 và tham mưu, đề xuất các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp; kiểm tra theo thẩm quyền các tổ chức, cá nhân việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Các Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn. Sở Tài chính các địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường trên địa bàn trước, trong và sau tết. Trong đó, cơ quan quản lý đặc biệt lưu ý đến các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân như nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, dịch vụ du lịch, tham quan, dịch vụ vận chuyển hành khách... và các mặt hàng thiết yếu khác liên quan đến sản xuất để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp bình ổn giá.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương