Nhiều dư địa xuất khẩu hồ tiêu sang EU

(Banker.vn) EU là thị trường phân khúc cao, các sản phẩm xuất khẩu vào EU có giá trị gia tăng cao. Do đó, còn nhiều tiềm năng gia tăng xuất khẩu hồ tiêu vào thị trường này.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu hồ tiêu chính của Việt Nam Tiếp tục cảnh báo lừa đảo thương mại quốc tế trong lĩnh vực nông sản Giá tiêu hôm nay 17/5: Triển vọng tích cực cả trong nước lẫn thế giới

Theo báo cáo của Hiệp hội hồ tiêu và gia vị Việt Nam, tính đến hết tháng 6, Việt Nam đã xuất khẩu 153.000 tấn hồ tiêu các loại, đạt kim ngạch 486 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước sản lượng xuất khẩu tăng 22% nhưng kim ngạch lại giảm gần 15%, tương đương 82 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân giảm từ 800 – 1000 USD/tấn. Theo đó, giá xuất khẩu bình quân của tiêu đen là 3.484 USD/tấn giảm 879 USD/tấn; còn tiêu trắng là 5.011 USD/tấn giảm 1.070 USD/tấn.

Về thị trường, ngoài Trung Quốc hầu hết các thị trường xuất khẩu chính đều suy giảm. Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu và gia vị Việt Nam cho biết, với riêng thị trường EU, Hiệp định EVFTA được ký kết ngày 1/8/2020 đã cho phép áp dụng thuế suất 0% đối với các dòng thuế về hồ tiêu và gia vị. Mặc dù vậy, việc xuất khẩu và mở rộng thị trường vẫn chưa xứng với tiềm năng.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2021 xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường EU đạt 48.040 tấn, tăng 10,8% so với năm 2020. Thị phần tiêu Việt Nam tại thị trường EU cũng tăng từ 15,1% trong năm 2020 lên mức 18,2% vào năm 2021. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, xuất khẩu tiêu vào thị trường này giảm xuống còn 39.762 tấn, chiếm 17,1% thị phần hồ tiêu tại thị trường EU. 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hồ tiêu sang EU mới đạt 4.316 tấn, trong khi tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu đi các thị trường là 153 nghìn tấn.

Lý giải về sự sụt giảm này, bà Liên cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid, cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine khiến kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhu cầu suy giảm mạnh.

Nhiều dư địa xuất khẩu hồ tiêu sang EU
Để tận dụng cơ hội, gia tăng xuất khẩu ngành hồ tiêu cần chú trọng đến các yếu tố sản xuất bền vững

Mặc dù vậy theo bà Hoàng Thị Liên, EU vẫn là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hồ tiêu. “Bản thân EU là thị trường phân khúc cao. Sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này là sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao. Do đó, tiềm năng, cơ hội để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này vẫn còn nhiều”, bà Liên chia sẻ.

Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này, ngành hồ tiêu phải đi theo hướng sản xuất bền vững. Bà Trần Như Trang – Chuyên gia Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO) cho biết, ngày càng nhiều người tiêu dùng châu Âu yêu cầu các chứng nhận đảm bảo sản phẩm có tính bền vững.

Gầy đây, yêu cầu và quy định của thị trường EU về rào cản phi thuế quan tiếp tục gia tăng và ngày càng khắt khe. Thị trường nay cũng liên tục có những cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như gia tăng tần suất kiểm soát và siết chặt quy định MRLs đối với thực phẩm nói chung, trong đó bao gồm cả gia vị của Việt Nam.

Thực tế, kết quả phân tích và kiểm định các mẫu hạt tiêu thu thập trong 2 năm 2021 và 2022 đã phát hiện một số chất cấm vẫn xuất hiện. Đa phần các mẫu hạt tiêu bị dính các hoạt chất liên quan đến việc phòng trừ sâu bệnh và nấm hại trên cây hồ tiêu. Trong đó một số hoạt chất đã được Việt Nam loại bỏ nhưng vẫn xuất hiện trong hạt tiêu như Carbendazim và Chlorpyrifos Ethyl. Điều này rất đáng lo ngại nếu như người dân vẫn tiếp tục dùng thuốc bị cấm để chăm sóc cho hồ tiêu.

Nhìn nhận về vấn đề này, bà Hoàng Thị Liên cho rằng, với thị trường EU tất cả phải theo quy tắc, quy chuẩn, quy định về chất lượng. Các chỉ số về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chúng ta hoàn toàn phải tuân thủ. Hiện nay EU đã ban hành hơn 500 tiêu chí về MRL và tiếp tục ngày càng có nhiều tiêu chí mới ban hành. Những tiêu chí ban hành sau ngày càng khó khăn, ngặt nghèo hơn. Đồng thời diện hoạt chất được cho phép quy định tồn lưu cũng rộng hơn. Điều này ảnh hưởng đến diện tích canh tác của bà con nông dân.

Do đó, cần có sự chung tay hợp tác giữa doanh nghiệp, người dân, hiệp hội, tổ chức trung gian, cơ quan nhà nước để có thể huy động được các tác nhân trong toàn chuỗi cung ứng cùng vào cuộc. Từ đó, giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh của hồ tiêu trên thị trường thế giới.

Cũng theo bà Liên, hiện tại có thể nói so với Brazil, Việt Nam vẫn giữ được lợi thế trước mắt nhưng về lâu dài cần tiếp tục nâng cao chất lượng, khai thác các phân khúc thị trường khác nhau vì EU liên tục cập nhật và tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch, các tiêu chí tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Do vậy, bên cạnh lợi thế cạnh tranh về giá, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hướng đến việc cạnh tranh thông qua việc thỏa mãn các yêu cầu, tiêu chí nghiêm ngặt từ EU để giữ vững vị thế và đồng thời tham gia sâu hơn vào các thị trường khác.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp có thể xem xét ở góc độ tổng thể như cải thiện nhà máy và cơ sở chế biến, quy trình sản xuất; đa dạng hóa sản phẩm; cập nhật thông tin thị trường bao gồm các ưu đãi thuế quan, yêu cầu kiểm dịch và an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, các tiêu chí tăng trưởng xanh. Cần lưu ý thêm rằng trong toàn bộ chuỗi giá trị, các khâu sản xuất phải được đề phòng rủi ro, truy xuất nguồn gốc, tem nhãn của sản phẩm đều phải công khai, minh bạch.

“Hiện nay ngành gia vị Việt Nam đứng đầu thế giới về cung cấp gia vị thế giới. Và thị trường thế giới bắt buộc cần nguồn nguyên liệu của chúng ta. Chỉ có chúng ta tăng thời gian thích ứng với thị trường một cách nhanh hơn, tốt hơn, bền vững hơn, đa dạng hơn thì lợi nhuận của người dân sẽ cao hơn”, bà Liên nhấn mạnh.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương