Nhiều dự án bất động sản lớn ở Hà Nội và TP.HCM 'đắp chiếu' do vướng mắc pháp lý

(Banker.vn) Theo số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, 65% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản đến từ vướng mắc chính sách, pháp lý.
Nhiều dự án BĐS “đắp chiếu” do vướng mắc pháp lý
Nhiều dự án BĐS “đắp chiếu” do vướng mắc pháp lý

Cũng theo Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, nhiều dự án bất động sản quy mô hàng nghìn tỷ đồng dù đã giải phóng 90% mặt bằng, thậm chí đã tiến hành xây dung, tuy nhiên vẫn phải dừng thi công vì những vấn đề pháp lý.

Có thể kể đến, hai dự án là High Intela và West Intela (quận 8, TP.HCM) của Công ty LDG, nằm ở vị trí đắc địa ngay mặt tiền đại lộ Võ Văn Kiệt, dù đã hoàn thành phần hầm móng, các trụ cũng đã đúc chờ sẵn để xây phần thân nhưng phải tạm ngừng xây dựng. Sau nhiều năm không có dấu hiệu được thi công trở lại, cỏ mọc um tùm xung quanh dự án, khu nhà mẫu được đầu tư cả chục tỷ đồng cũng đã xuống cấp.

Theo tìm hiểu, cả hai dự án được chấp thuận đầu tư từ năm 2015, thẩm định thiết kế cơ sở từ tháng 3/2017, cấp phép xây dựng phần ngầm từ tháng 8/2018.

Theo quy định, sau khi hoàn thành phần ngầm, chủ đầu tư xin phép để xây dựng tiếp phần thân, đồng thời Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các thủ tục để Hội đồng Thẩm định giá đất Thành phố đánh giá, tính giá trị tiền sử dụng đất để doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, kể từ năm 2019, khi tầng hầm được xây dựng xong, doanh nghiệp vẫn chưa được xác định giá trị tiền sử dụng đất để được nộp tiền.

Công ty LDG cho rằng, nguồn gốc đất của dự án là do công ty bỏ tiền ra mua đất sạch, thành lập dự án được phê duyệt và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định. Sau hàng loạt cuộc họp giữa các sở, ngành và đại diện chủ đầu tư, cả hai dự án hơn 1.500 tỷ đồng này vẫn chưa hẹn ngày tái khởi động.

Một dự án khác cũng nằm trong cảnh bị “đắp chiếu” do những vướng mắc về mặt pháp lý, đó là dự án khu dân cư Bình Khánh (The Water Bay) từng được khởi công rầm rộ, cũng năm ở vị trí đất vàng thế nhưng nhiều năm nay vẫn bị bỏ hoang.

Được biết chủ đầu tư dự án này là Công ty Thế kỷ 21 (Century 21), dự án được triển khai trên khu đất 30,2 ha, khởi công năm 2019 với quy mô xây dựng 5.000 căn hộ cao cấp, 3.000 căn officetel, 250 căn shophouse và hoàn thành từng phần, dự kiến bàn giao cho khách hàng vào năm 2021.

Theo quan sát, các phân khu khác mới xây xong phần móng, với hàng nghìn trụ bê tông tua tủa khung sắt hoen gỉ vì mưa nắng. Ngay cả nhóm công trình hoàn thiện đến nay cũng đang để trống, khung cảnh hoang tàn, cỏ mọc kín lối…

Tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM, có không ít dự án chung cư dù xây xong phần móng, đã đóng tiền sử dụng đất, nhưng không được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai do vướng mắc pháp lý. Từ đó, gây nên hệ quả lãng phí hàng nghìn tỷ đồng, trong khi chủ đầu tư cũng không huy động được nguồn vốn từ khách hàng để triển khai công trình.

Một ví dụ điển hình đó là dự án Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp đường Bến Nghé (Shizen Home, quận 7) của Công ty TNHH Gotec Việt Nam. Dự án này đã hoàn thiện phần móng, đóng nắp hầm và thi công đến tầng 1 nhưng giờ đang tạm ngừng.

Theo chủ đầu tư, dự án đã đóng xong tiền sử dụng đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và theo Luật Kinh doanh bất động sản thì đã đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai. Thế nhưng, sau 3 lần nộp hồ sơ đề nghị cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại đã bị Sở Xây dựng từ chối với lý do đang xin ý kiến của UBND TP.HCM về việc rà soát chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất thực hiện dự án từ Công ty CP Cảng rau quả cho Gotec Việt Nam.

Đại diện công ty cho biết, việc chậm trễ này đã gây thiệt hại trước mắt hơn 1.000 tỷ đồng về doanh thu và chi phí. Nếu vướng mắc này không sớm được giải quyết, doanh nghiệp sẽ không còn khả năng duy trì hoạt động, mức độ thiệt hại sẽ lớn hơn do các đối tác ngừng hợp đồng, yêu cầu thanh toán tiền phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Được biết, Shizen Home là 1 trong 7 dự án được UBND TP.HCM xếp lịch họp đợt đầu tiên để tháo gỡ những vướng mắc vào ngày 20/2/2023, tuy nhiên đến nay chưa có động thái mới.

Theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đến nay, trong số 156 dự án mà các doanh nghiệp “cầu cứu” UBND TP.HCM gỡ vướng pháp lý từ đầu năm 2022, mới có 4 dự án được UBND Thành phố có chủ trương tháo gỡ khó khăn với cùng một vấn đề là cho bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Số liệu từ Savills Việt Nam cho thấy, những vướng mắc pháp lý đang là nguyên nhân chính khiến hơn 700 dự án tại Hà Nội và TP.HCM bị “treo”. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường bất động sản Việt Nam mất đi sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Nghị định 08 - 'lối thoát hiểm' cho doanh nghiệp bất động sản

Tháo gỡ 'điểm nghẽn' về pháp lý, căn hộ condotel và officetel sẽ được cấp sổ hồng

Vì đâu các dự án điện rác vẫn 'giậm chân tại chỗ'?

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán