Nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa trên biển để buôn lậu

(Banker.vn) Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trên tuyến biển, cảng biển, đối tượng đã lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa trên các vùng biển để buôn lậu...
Phá chuyên án vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, thu giữ 34kg ma túy đá Thủ đoạn của các đối tượng buôn bán, vận chuyển nma túy ngày càng tinh vi, phức tạp

“Nóng” tội phạm cả trên biển lẫn đất liền

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nhiều diễn biến phức tạp. Theo đó, trên tuyến biên giới đất liền: Tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, không phát sinh điểm nóng, vụ việc phức tạp, nổi cộm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm qua biên giới, cửa khẩu. Tuy nhiên, dọc tuyến biên giới các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh vẫn nổi lên hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm như ma túy, pháo nổ, rượu, thuốc lá điếu, thuốc lá nguyên liệu, ngoại tệ, dầu DO, gia cầm giống, thực phẩm đông lạnh…

Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, hàng hóa được tập kết sẵn tại các kho, điểm giáp biên giới, sau đó đối tượng thuê cư dân khu vực biên giới vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hoặc trà trộn với các loại hàng hóa nhập khẩu để vận chuyển trái phép qua cửa khẩu vào Việt Nam. Nổi lên hoạt động buôn lậu, trốn thuế, mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, tiền Việt Nam, đường cát, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng điện tử, điện lạnh… qua biên giới các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.

Tuyến biên giới Việt Nam - Lào, các đối tượng lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, chính sách thương mại ở khu vực cửa khẩu để móc nối buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm qua biên giới, gian lận thương mại. Nổi lên hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, đường cát, vàng, rượu ngoại, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng… qua biên giới các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum.

Nhiều tỉnh phát hiện lượng lớn ma túy chưa rõ nguồn gốc gắn định vị, trôi dạt vào bờ biển
Nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa trên biển để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm (Ảnh: Cục Hải quan Hà Nội)

Ngoài ra, trên các tuyến biển, cảng biển, nhiều đối tượng đã lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa trên các vùng biển, cảng biển để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm như ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ, thuốc lá điếu, sản phẩm động vật hoang dã, đường cát, rượu, xăng, dầu, than, khoáng sản, đồng hợp kim, phân bón, thực phẩm đông lạnh, gia cầm giống, hàng hóa nguồn gốc nước ngoài đã qua sử dụng… trên các vùng biển, cảng biển tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang... Trong đó, nổi lên là hiện tượng số lượng rất lớn chất ma túy cocaine chưa rõ nguồn gốc trôi dạt vào bờ biển các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre.

Trên tuyến hàng không và bưu chính quốc tế, các đối tượng đã ngụy trang, cất giấu hàng cấm như ma túy lẫn trong hành lý ký gửi, xách tay hoặc hàng hóa ký gửi hoặc cất giấu hàng hóa gọn, nhẹ, có giá trị cao như rượu, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… lẫn trong hàng hóa nhập khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép qua các cảng hàng không và bưu chính quốc tế vào Việt Nam. Nổi lên là hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Châu Âu qua Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng vào Việt Nam.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng cho biết, ở trong nước, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ như quần áo, giày dép, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, bia, hàng đông lạnh, bánh, kẹo… tuy không quá phức tạp, chưa phát sinh điểm nóng nhưng diễn ra ở hầu hết các địa bàn nội địa trọng điểm tỉnh, thành phố.

Hoạt động sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm như ma túy, pháo nổ, quần, áo, giày dép, đồ chơi trẻ em, rượu, bia, bánh, kẹo, thực phẩm các loại diễn ra phức tạp trong các dịp lễ, tết ở hầu hết các địa bàn các tỉnh, thành phố.

Hoạt động lợi dụng thương mại điện tử, mua sắm trên các trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, bưu điện… để sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… có chiều hướng gia tăng trên các địa bàn tỉnh, thành phố trong cả nước. Hoạt động mua bán trái phép hóa đơn số lượng lớn có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn một số tỉnh, thành phố, với phương thức, thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện…

Nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm thu lợi bất chính

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các đối tượng có nhiều phương thức, thủ đoạn để thực hiện hành vi vi phạm. Trước hết, các đối tượng lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu không khai báo, khai sai tên hàng, chủng loại hàng, khai không đúng số lượng hàng hóa thực tế, khai sai hàm lượng chứa trong hỗn hợp chất, khai thấp trị giá lô hàng, tuyến đường của lô hàng, trà trộn vào hàng hóa xuất nhập khẩu chính ngạch những hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn;

Thứ 2, lợi dụng hoạt động khai báo hải quan điện tử, kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro hàng hóa xuất nhập khẩu; lợi dụng chính sách hàng tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh, ký gửi hàng hóa có giá trị cao, nhập khẩu gia công để thẩm lậu hàng hóa vào thị trường Việt Nam; lợi dụng chính sách cư dân biên giới để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, hợp thức hóa hàng lậu;

Thứ 3, các đối tượng còn lợi dụng sự thông thoáng về chế độ, chính sách, hoạt động thương mại điện tử, chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi, hàng hóa, hành lý hoặc lợi dụng tiếp viên hàng không…, đối tượng trong và ngoài nước móc nối hình thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa, tiền tệ qua các cảng hàng không quốc tế;

Thứ 4, lợi dụng sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok...), hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm… để kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng; thông qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh để cất giấu, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; thông qua hoạt động tạm nhập, tái xuất để vận chuyển hàng hóa có giá trị cao từ nước ngoài vào Việt Nam;

Thứ 5, lợi dụng chính sách thông thoáng của nhà nước trong việc thành lập doanh nghiệp, đối tượng đăng ký thành lập nhiều công ty khác nhau (dạng công ty “ma”) nhưng không tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như đã đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà xuất bán trái phép số lượng lớn hóa đơn giá trị gia tăng cho các tổ chức, cá nhân nhằm thu lợi bất chính số tiền lớn;

Thứ 6, lợi dụng hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp ở địa bàn nội địa để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vào địa bàn nội địa và trốn thuế trong thời gian dài;

Thứ 7, các đối tượng đã lợi dụng địa hình, thời tiết, các yếu tố phức tạp trên biển, gắn định vị, thả số lượng lớn ma túy (cocaine) có nguồn gốc từ khu vực Châu Mỹ, Châu Âu trôi dạt vào bờ biển Việt Nam;

Thứ 8, lợi dụng ngân hàng thương mại để thực hiện hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới bằng phương thức cho, tặng sổ tiết kiệm.

Khôi Nguyên

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục