Nhiều doanh nghiệp niêm yết về đích chỉ trong 9 tháng

(Banker.vn) Đến cuối quý III/2022, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã hoàn thành, thậm chí vượt xa mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Nhóm hóa chất, phân bón có tốc độ tăng trưởng vượt trội về giá trị xuất khẩu

Số liệu của Bộ Công Thương về nhóm ngành hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất trong 10 tháng đầu năm cho thấy, ngành công nghiệp chế biến mang về 270 tỷ USD, đóng góp tới 86% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn này. Trong đó, nhóm hóa chất, phân bón có tốc độ tăng trưởng vượt trội về giá trị xuất khẩu, cụ thể, xuất khẩu phân bón các loại tăng 153% so với cùng kỳ; xuất khẩu hóa chất tăng 40,8%...

Bức tranh tài chính nhiều doanh nghiệp niêm yết cán đích trong 9 tháng

Bức tranh xuất khẩu tích cực đã phản ánh vào kết quả kinh doanh quý III cũng như 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp trong ngành. Cụ thể, quý III/2022, Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) ghi nhận doanh thu hơn 3.695 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.513 tỷ đồng, lần lượt tăng 75% và hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng, Công ty đạt doanh thu 11.333 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.917 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 86% và tăng 342% so với cùng kỳ. Năm 2022, DGC đặt kế hoạch doanh hợp nhất 12.117 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng. Như vậy, DGC đã hoàn thành 94% kế hoạch doanh thu và vượt 40% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2022 (tương ứng 1.417 tỷ đồng).

Tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) còn tích cực hơn nhiều. Cụ thể, trong quý III/2022, Vinachem ghi nhận doanh thu hợp nhất ước đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ 2021 và lợi nhuận toàn tập đoàn ước tính gần 1.200 tỷ đồng, giảm mạnh so với quý I và quý II. Giá trị sản xuất theo giá thực tế trong quý cũng ước đạt hơn 15.500 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ 2021.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu toàn tập đoàn khoảng hơn 45.000 tỷ đồng, tương đương 86,5% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 5.400 tỷ đồng, gần gấp 3 lần kế hoạch năm 2022. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 1.535 tỷ đồng, bằng 93% kế hoạch năm.

Theo thông tin từ Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, HOSE: DPM) cho biết quý III, doanh thu thuần đạt 3.885 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tăng trưởng tốt là nhờ sản lượng tiêu thụ và giá bán phân bón tăng cao, giúp biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện, theo đó tăng từ 36,9% lên 38,3% trong quý vừa qua. Đặc biệt, Đạm Phú Mỹ cũng nhận về doanh thu tài chính khả quan, là tiền cổ tức lợi nhuận được chia và lãi tiền gửi, tiền cho vay. Kết quả, doanh nghiệp phân bón này báo lãi sau thuế 1.000 tỷ đồng trong quý III, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu đạt 14.730 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.460 tỷ đồng, lần lượt tăng 92% và 180% so với cùng kỳ. Tính ra, doanh nghiệp đã vượt 28% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Ngoài một số doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất, trong số doanh nghiệp đã về đích kế hoạch lợi nhuận năm ghi nhận tại thời điểm này còn có một số doanh nghiệp ngành dầu khí. Ba quý đầu năm, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) ghi nhận doanh thu 126.700 tỷ đồng, cao gấp 1,9 lần cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 12.899 tỷ đồng, cao gấp 3,2 lần so với cùng kỳ.

Năm nay, BSR đặt mục tiêu doanh thu đạt 91.678 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.295 tỷ đồng. Như vậy, BSR đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm đến gần 10 lần.

Giá xăng dầu tăng cao, khoảng chênh lệch giá giữa giá nguyên liệu và thành phẩm nới rộng, cộng với nhu cầu xăng dầu phục hồi mạnh khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch đã giúp BSR hưởng lợi. Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc BSR cho biết, Nhà máy lọc dầu Dung Quất (đơn vị do BSR quản lý, vận hành) đạt công suất vận hành trung bình 105%, sản xuất được khoảng 5,18 triệu tấn xăng dầu, đạt 106% kế hoạch 9 tháng và đạt 80% kế hoạch cả năm. Tổng sản lượng tiêu thụ của nhà máy đạt hơn 5 triệu tấn, đạt 106% kế hoạch 9 tháng và đạt 78% kế hoạch năm.

Doanh nghiệp cùng ngành với BSR là Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL, UPCoM: OIL) ghi nhận kết quả kinh doanh 9 tháng tăng trưởng mạnh, với doanh thu đạt 79.617 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 431 tỷ đồng. Dù mới thực hiện được 93,5% kế hoạch doanh thu cả năm, nhưng PV OIL đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 40%.

Tận dụng tối đa những cơ hội để đưa hoạt động kinh doanh trở lại với đường đua

Kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của Covid-19. Các doanh nghiệp đã tận dụng tối đa những cơ hội để đưa hoạt động kinh doanh trở lại với đường đua. Ông Nguyễn Hoàng Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty CP City Auto (City Ford, mã CTF) cho biết, dù mới kết thúc 9 tháng đầu năm nhưng Công ty đã hoàn thành 90% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm. Công ty tự tin sẽ vượt kế hoạch đề ra.

Bức tranh tài chính nhiều doanh nghiệp niêm yết cán đích trong 9 tháng
9 tháng đầu năm City Ford đã hoàn thành 90% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm. Hình minh họa.

CTF đã chủ động, linh hoạt để thích nghi với bối cảnh thị trường. Chẳng hạn, việc các ngân hàng thương mại cạn room tín dụng giai đoạn cuối quý II, đầu quý III đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh chung của ngành ô tô (do khách hàng không tiếp cận được vốn vay mua xe), Công ty đã làm việc với các ngân hàng đối tác chiến lược để tìm giải pháp tháo gỡ, đưa ra các chính sách tối ưu cho doanh nghiệp và khách hàng. Nhân sự của Công ty cũng được nâng cao cả về chất và lượng, nhờ đó, hoạt động kinh doanh tốt hơn trong bối cảnh thị trường ô tô có nhiều khởi sắc.

“Thị trường ô tô có tốc độ tăng trưởng trung bình 15 - 20%/năm. City Ford cũng trong xu hướng tăng trưởng đó. Hiện nay, nhu cầu mua xe của khách thì lớn mà nguồn cung thì ít nên dư địa kinh doanh còn rộng”, ông Tiến cho hay.

Một doanh nghiệp khác trong ngành ô tô là Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã HAX) đã vượt xa kế hoạch kinh doanh năm. Cụ thể, trong 9 tháng, Công ty đạt doanh thu 5.177 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 241 tỷ đồng, tăng 445% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Haxaco đã vượt 13% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Haxaco cho biết, kết quả này là nhờ chính sách bán hàng linh hoạt. Công ty đã bám sát các ngân hàng đang hợp tác để khách hàng nhận được sự hỗ trợ tài chính một cách nhanh nhất. Số lượng xe cung ứng trong quý III được cải thiện, giúp giải quyết phần lớn đơn hàng cho khách đặt cọc. Bên cạnh đó, showroom Haxaco Cần Thơ đi vào hoạt động từ tháng 7/2022 đã bắt đầu đóng góp vào kết quả chung của Công ty.

Nhiều doanh nghiệp đã hưởng lợi mạnh mẽ nhờ nền kinh tế. Tại Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT), lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu 21.708 tỷ đồng tăng trưởng 55% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 80% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế đạt 369 tỷ đồng cao gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 51% kế hoạch năm.

Trong quý IV/2022, FRT nhận định thị trường chung bước vào giai đoạn khó khăn, sức mua có thể giảm nhưng Công ty sẽ cố gắng tối đa để hoàn thành kế hoạch năm.

Với những doanh nghiệp đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm, quý IV là giai đoạn tập trung chuẩn bị cho các kế hoạch kinh doanh của năm mới. Lãnh đạo BSR cho hay, năm 2023, Công ty sẽ tiếp tục vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất an toàn, ổn định, liên tục ở công suất cao và cơ cấu sản phẩm tối ưu phù hợp với nhu cầu và tình hình thị trường để tối đa hoá hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Còn tại Haxaco, ông Đỗ Tiến Dũng cho hay, Công ty tự tin đặt nhiều kế hoạch kinh doanh trong năm 2023, trong đó điểm nhấn là đơn vị tiên phong tại miền Bắc phân phối xe điện Mercedes-Benz. Ngoài mảng phân phối xe, Công ty sẽ tập trung vào mảng cho thuê xe, mảng tài chính và đầu tư mở rộng quỹ đất. Mục tiêu chi trả cổ tức của Haxaco trong năm sau là 20 - 30% vốn điều lệ.

Kinh tế 2023 được dự báo sẽ có nhiều thách thức, doanh nghiệp cũng chuẩn bị sẵn tâm thế để đối mặt và vượt qua.

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán