Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử

(Banker.vn) Ước tính thương mại điện tử Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% và xuất khẩu trực tuyến đang dần trở thành một xu hướng.
Vượt qua thách thức, xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam bứt tốc mạnh mẽ Năm 2022: Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam xuất khẩu trực tuyến trên Amazon tăng hơn 45%

Xuất khẩu trực tuyến đang dần trở thành một xu hướng

Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2023, bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cùng với nhiều yếu tố bất lợi trong nước đã tác động tiêu cực tới sự phát triển của kinh tế và thương mại Việt Nam, đặc biệt là những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang năm 2023. Tuy nhiên, tiếp tục hai làn sóng tăng trưởng trước đó, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) ước tính thương mại điện tử Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD.

Cụ thể, VECOM đã chỉ ra, hai dấu ấn quan trọng nhất của thương mại điện tử hiện nay có thể kể đến là: Người tiêu dùng mua nhiều hơn, giá trị mua hàng càng ngày càng cao lên; Đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn.

Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử
Lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến cũng đang dần trở thành một xu hướng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp

Đánh giá về quá trình thích ứng chuyển đổi số của các doanh nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, thương nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại điện tử đã tích cực chuyển đổi số. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử. Xuất nhập khẩu trực tuyến cũng được đánh giá là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Nghiên cứu hành vi khách hàng, đại diện khu vực phía Bắc tại NielsenIQ Việt Nam:

Tỷ lệ người dùng internet tại Việt Nam tăng nhanh từ 60% năm 2018 lên 74% năm 2023; 60,7% người tiêu dùng internet mua sắm hàng tuần tại Việt Nam; 30% người tiêu dùng chi tiêu nhiều nhất đóng góp 70% giá trị cho nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam.

Dự đoán về sự tăng trưởng của nền kinh tế số, bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Nghiên cứu hành vi khách hàng, đại diện khu vực phía Bắc tại NielsenIQ Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, nền kinh tế kỹ thuật số được dự đoán tăng trưởng nhanh chóng và có thể coi là một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam.

Cho rằng thương mại điện tử còn nhiều tiềm năng, bà Hà cho hay, xu hướng của người tiêu dùng có ảnh hưởng tới nền kinh tế số, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu sẽ là cơ hội cho thương mại điện tử bởi mua sắm online là một trong những biện pháp giúp người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu trong thời kì suy thoái kinh tế. Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, đề cập tới những khó khăn, ông Nguyễn Ngọc Dũng thông tin, do tác động hậu COVID-19 và những hệ lụy kéo theo, lĩnh vực xuất nhập khẩu những năm qua cũng chịu nhiều tác động lớn, đặc biệt khi việc di chuyển kết nối giao thương bị hạn chế càng tác động tiêu cực hơn tới quy mô và tốc độ tăng trưởng của ngành.

Xu hướng Omni shopper (người mua sắm đa kênh)

Đề cập về giải pháp, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho hay, trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã năng động ứng dụng các giải pháp kinh doanh online thông qua thương mại điện tử, mở rộng kênh tiếp cận với khách hàng trong và ngoài nước với mức chi phí thấp và hiệu quả cao. Lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến cũng đang dần trở thành một xu hướng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong ngành thời gian vừa qua.

Nhận định thêm, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp và các nhà bán lẻ cùng thống nhất rằng, kinh doanh trực tuyến sẽ không giới hạn và thay đổi rất nhanh, do đó các doanh nghiệp muốn tồn tại không chỉ phải cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, giá cả và thời gian giao nhận hàng hóa, mà còn phải nắm chắc tâm lý khách hàng, sử dụng linh hoạt các chiêu thức tiếp thị hiệu quả nhằm thu hút khách hàng hướng đến những sản phẩm có thế mạnh.

Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử
21% doanh nghiệp cho biết việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và thương mại điện tử đem lại hiệu quả thực tế ở mức rất cao.

Cụ thể, nhà sáng lập nền tảng Droppii Nguyễn Hữu Sơn nêu quan điểm, yếu tố giá cả sẽ chỉ là thứ yếu khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm và doanh nghiệp uy tín. Họ sẵn sàng tẩy chay hàng hóa kém chất lượng cũng như không hài lòng với dịch vụ giao nhận.

Vì lẽ đó, doanh nghiệp tiếp thị bán hàng trực tuyến luôn phải xác định mức độ ưu tiên cho hoạt động định vị thương hiệu, ổn định chất lượng hàng hóa cũng như giá cả với nhiều kịch bản, phương thức tiếp thị quảng cáo trực tuyến phù hợp.

Bà Đặng Thuý Hà khuyến nghị, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa và xây dựng chiến lược nền tảng đúng đắn. Theo đó, các nhà bán lẻ thương mại điện tử, ứng dụng giao đồ ăn và bán hàng qua mạng xã hội là những nền tảng có tỉ lệ chuyển đổi mua hàng cao nhất.

Doanh nghiệp cũng cần lựa chọn nền tảng thương mại điện tử thích hợp để xây dựng trang web kinh doanh. Trong đó, cần xác định rõ 5 yếu tố trước khi xây dựng một trang web thương mại điện tử riêng: Quy mô, ngân sách, yêu cầu, có thể làm gì với nền tảng, các tính năng của nền tảng.

Để thiết lập một nền tảng thương mại điện tử thích hợp, doanh nghiệp cần đảm bảo nhà cung cấp hiểu hoạt động kinh doanh trực tuyến và nắm bắt được các kịch bản kinh doanh. Từ đó, tạo ra các trải nghiệm thú vị trong cửa hàng trực tuyến như có thể làm trong cửa hàng truyền thông. Đồng thời, cần xem xét liệu hành trình của khách hàng có được thực hiện hay không và cần xác định doanh thu lớn không phải là mục tiêu; tập trung nhiều hơn vào việc nhận thức và vận hành.

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử đã cho thấy, xu hướng Omni shopper (người mua sắm đa kênh) đang trở nên thịnh hành. Theo báo cáo của Repota 2023, Omni shopper vẫn tiếp tục duy trì vị trí quan trọng trong lĩnh vực mua sắm. Các kênh mua sắm phổ biến nhất hiện nay được người Việt tin tưởng lựa chọn là website thương mại điện tử với 78%, mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo... là 42% và 47% qua ứng dụng mua sắm trên điện thoại di động.

Bên cạnh đó, theo khảo sát từ HubSpot 2023, 80% marketer cho biết người dùng có xu hướng mua hàng trực tiếp qua mạng xã hội thay vì website hoặc bên thứ 3.

Các yếu tố quan trọng khiến người tiêu dùng quan tâm khi mua sắm online bao gồm giá cả, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và độ tin cậy của website thương mại điện tử. Bên cạnh đó, một số người dùng thích mua hàng từ website nước ngoài do giá cả rẻ hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn, thương hiệu nước ngoài và yêu cầu đặc biệt khi mua hàng online.

Mặc dù một số người lo ngại về vấn đề an toàn và bảo mật trên mạng, tỷ lệ người dùng tiếp tục mua sắm trực tuyến trên các kênh vẫn còn rất cao. Do đó, không có nghi ngờ gì về tầm ảnh hưởng của người mua sắm đa kênh trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành thương mại điện tử. Điều này cũng cho thấy, cánh cửa về thương mại điện tử xuyên biên giới luôn rộng mở đối với các doanh nghiệp.

Giám đốc Nghiên cứu hành vi khách hàng, đại diện khu vực phía Bắc tại NielsenIQ Việt Nam chỉ ra: Livestream là một kênh bán hàng tiềm năng, 86% những ưu đãi/khuyến mãi độc quyền chỉ có ở livestream; 85% tương tác với người bán hàng để có thêm nhiều thông tin (chất liệu, chức năng...); 81% quan sát được sản phẩm kĩ và cẩn thận hơn; 78% xem bán hàng qua livestream vì thấy giải trí, thú vị, cuốn hút...

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục