Nhiều cơ hội cải thiện chất lượng dòng vốn FDI

(Banker.vn) Bên cạnh cơ hội thu hút vốn từ các tập đoàn lớn, Việt Nam còn đang đứng trước nhiều cơ hội cải thiện chất lượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam tiếp tục xu hướng tăng Dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2024 “Hai mặt” FDI và công cụ “sàng lọc” để hạn chế những bất cập

Tiếp nối thành công của năm 2023

Năm 2023 được đánh giá là một năm thành công của Việt Nam trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Đáng lưu ý, năm 2023 cũng ghi nhận mức vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài tăng 3,5% so cùng kỳ, ước đạt hơn 23,1 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay.

chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước
Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2023 tạo tiền đề thuận lợi cho thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2024

Tiếp nối những thành công của năm 2023, các chuyên gia dự báo, năm 2024 Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là điểm sáng trong thu hút dòng vốn ngoại, trong đó có nhiều cơ hội thu hút FDI chất lượng cao.

Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Năm 2023, các hoạt động ngoại giao kinh tế của Đảng, Chính phủ được tăng cường, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản và Hoa Kỳ được kỳ vọng đưa đến làn sóng thu hút đầu tư mới, chất lượng vào Việt Nam. Đây có thể sẽ là xu hướng lạc quan và là cơ sở để tin tưởng, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2023 tạo tiền đề thuận lợi cho thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2024. Bởi, Việt Nam đang có rất nhiều kinh nghiệm trong thu hút FDI. Đặc biệt trong quan hệ quốc tế, “cú huých” nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ đã tạo hiệu ứng lan tỏa tới dòng vốn FDI từ Mỹ, châu Âu vào Việt Nam. Trong khi đó, với EU, Hà Lan là nước đầu tư nhiều nhất ở Việt Nam, Đức trong năm 2023 cũng đã gia tăng đầu tư khoảng 366 triệu USD vào Việt Nam, tăng mạnh so với năm 2022.

Theo đó, nhiều chuyên gia dự báo, trong năm 2024, sẽ có thêm nhiều tập đoàn bán dẫn Mỹ và các đối tác của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Đài Loan sẽ tới Việt Nam để tìm hiểu và ký kết các hợp tác đầu tư cụ thể. Dự kiến sẽ có những doanh nghiệp bán dẫn lớn từ các quốc gia, nền kinh tế này vào Việt Nam đầu tư vào các công đoạn chính trong sản xuất chip như: Đóng gói, thiết kế chip.

“Cơ hội thu hút đầu tư FDI trong năm 2024 đang mở ra như năm 2008, thời điểm Việt Nam vừa tham gia WTO. Các yếu tố như cuộc chiến kiểm soát công nghệ lõi, công nghệ chip, công nghệ của tương lai đang mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút FDI công nghệ cao”, ông Nguyễn Văn Toàn khẳng định.

Việt Nam đang thu hút các dự án FDI về công nghiệp bán dẫn với giá trị hàng tỷ USD.
Năm 2024 dự báo là một năm đột phá của Việt Nam về thu hút FDI

Cơ hội cải thiện chất lượng dòng vốn ngoại

Bên cạnh cơ hội hấp dẫn các tập đoàn lớn trên thế giới, các chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội cải thiện chất lượng dòng vốn ngoại. Đây cũng là mục tiêu được Bộ Chính trị đưa ra tại Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Nghị quyết nêu rõ, chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, năm 2024 là thời cơ, bước ngoặt của Việt Nam để tăng cả về số lượng và chất lượng thu hút đầu tư FDI. Do vậy, Việt Nam cần giải pháp phù hợp để tiếp nhận vốn đầu tư FDI hiệu quả. Đặc biệt, Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu của các tập đoàn FDI ở phân khúc có công nghệ, giá trị cao hơn hiện nay.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Toàn, để cải thiện chất lượng dòng vốn FDI, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Sử dụng nguồn thu từ thuế tối thiểu toàn cầu trong thời gian tới để hỗ trợ thu hút đầu tư FDI; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, sản xuất của các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua phát triển hạ tầng; hoặc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất của doanh nghiệp FDI; đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo lao động; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút được nhà đầu tư FDI mới có chất lượng cao hơn.

Năm 2024 dự báo là một năm đột phá của Việt Nam về thu hút FDI, song để thu hút và hấp thụ được nguồn vốn chất lượng cao thì cần cải thiện môi trường đầu tư, làm tốt công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ, cải cách thủ tục hành chính, và cần sớm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương