Nhiều bất lợi, Tập đoàn Dệt may Việt Nam vẫn kỳ vọng đạt doanh thu hợp nhất 17.500 tỷ đồng

(Banker.vn) Đó là thông tin ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí ngày 20/6.
Dệt may Việt Nam ở đâu trên thị trường thế giới? Xuất khẩu giảm mạnh, doanh nghiệp dệt may đối mặt nhiều thách thức

Thị trường chưa khởi sắc

Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam thông tin: Từ đầu năm tới nay, doanh nghiệp dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn, điều này đã được dự báo từ cuối năm 2022.

Do chính sách thắt chặt tiền tệ và xung đột địa chính trị. Kinh tế tăng trưởng chậm dẫn đến xu thế tiếp tục thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng và hàng hóa dệt may luôn có mặt trong Top 5 các mặt hàng được tiết giảm. Sức mua của các thị trường chính như Mỹ, châu Âu suy giảm mạnh, các yếu tố bất lợi của thị trường trên đà tiếp diễn, ngành dệt may Việt Nam đã trải qua 4 tháng đầu năm “trầm lắng” với kim ngạch xuất khẩu giảm 20% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may.

tập đoàn Dệt may Việt Nam
Tập đoàn Dệt may Việt Nam thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh 5 tháng năm 2023

Năng lực cạnh tranh ngành dệt may Việt Nam bị suy giảm do các yếu tố tỷ giá, lãi suất, tiền lương và xu thế chuyển dịch đơn hàng. Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, các quốc gia trên thế giới đã phải có các chính sách hỗ trợ thị trường phục hồi như giảm giá đồng nội tệ (Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh), chính sách hỗ trợ trực tiếp với doanh nghiệp có đơn hàng sản xuất thông qua nguồn vốn, vận tải...

Trong khi đó, nếu xét trên lợi thế cạnh tranh tương đối, Việt Nam đang có nhiều hạn chế hơn các quốc gia xuất khẩu khác, trước hết là đồng tiền Việt Nam đang mạnh lên trong quý I vừa qua, trong khi các quốc gia xuất khẩu dệt may duy trì đồng nội tệ rẻ để kích thích xuất khẩu, kể cả Trung Quốc với tỷ giá hiện tại cũng thấp hơn 10% so với giai đoạn trước dịch, hiện ở mức thấp 7,1 CNY/USD so với năm 2018, 2019 ở mức 6,3-6,5 CNY/USD. Cùng với đó là lãi suất khoản vay tại Việt Nam cũng dao động cao hơn mức tại các quốc gia này từ 5-7%/năm.

Ngoài các yếu tố trên, chi phí tiền lương trung bình hàng tháng cho công nhân may mặc của Việt Nam đang ở ngưỡng 300 USD/người/tháng, cao hơn so với trung bình toàn cầu ở ngưỡng 200 USD/người/tháng. Nếu so sánh cụ thể hơn, thì lợi thế về tiền lương của Việt Nam cao hơn so với Bangladesh ở mức 95 USD/người/tháng, Campuchia 190 USD/người/tháng, Ấn Độ 145 USD/người/tháng...

Nỗ lực duy trì lực lượng lao động

Từ thực tế thị trường và các dự báo xu thế trong 2 năm 2023 và 2024, Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 610 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ đạt 1.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 210 tỷ đồng.

Nhờ linh hoạt ứng phó với những diễn biến bất ổn, bất định của thị trường, dự báo cập nhật nhanh tình hình thị trường dệt may thế giới và trong nước, đảm bảo ổn định lực lượng lao động, trong quý I/2023, Tập đoàn đạt doanh thu hợp nhất 4.462 tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm, lợi nhuận hợp nhất 118 tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch năm.

Công nghiệp dệt may
Doanh nghiệp dệt may còn gặp nhiều khó khăn nửa cuối năm 2023

Quí II/2023, dự kiến doanh thu đạt 4.340 tỷ đồng, đạt gần 25% kế hoạch năm, lợi nhuận đạt 58 tỷ đồng, đạt 9,5% kế hoạch năm. Tuy có mức suy giảm doanh thu, lợi nhuận so với các năm trước nhưng đây là mức giảm khả quan hơn so với các doanh nghiệp dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong thời điểm sản xuất kinh doanh khó khăn, thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp trong hệ thống vẫn duy trì việc làm cho gần 62.000 lao động, đảm bảo thu nhập bình quân ở mức 9,3 triệu đồng/người/tháng. Các đơn vị thuộc Tập đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống người lao động với hình thức phù hợp. Riêng trong tháng Công nhân năm 2023, các đơn vị trong hệ thống đã hỗ trợ, khen thưởng, tặng quà người lao động ước tính trên 30 tỷ đồng.

Những tháng còn lại của năm 2023, ngành dệt may Việt Nam được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao. Các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi trong khi đó cạnh tranh gay gắt vẫn diễn ra ở thị trường nội địa với sự tham gia của nhiều thương hiệu, doanh nghiệp nước ngoài.

Trước những thách thức này, Tập đoàn Dệt may Việt Nam tập trung vào các giải pháp chính: Đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, hỗ trợ, đưa ra định hướng để các đơn vị có thể chủ động lên kế hoạch sản xuất. Theo dõi chặt chẽ tình hình tài chính tại các đơn vị, ổn định dòng tiền, đảm bảo khả năng thanh khoản cho các doanh nghiệp.

Ưu tiên giữ vững lực lượng lao động trên cơ sở cân đối giữa việc làm và thu nhập, bảo toàn lực lượng lao động để sẵn sàng "đón" cơ hội khi thị trường phục hồi. Tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, thay đổi nhanh, khó, thời gian gấp. Ngành may linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng để đảm bảo đơn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngành sợi nghiên cứu các mặt hàng mới, thị trường mới để đón đầu xu hướng. Phát triển đồng bộ về công nghệ và kỹ thuật cho ngành dệt nhuộm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tập trung cho các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch, nguyên liệu và sản phẩm tuần hoàn...

Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiên định mục tiêu trở thành một điểm đến cung ứng trọn gói giải pháp xanh cho khách hàng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành dệt may thế giới, với quy mô hàng đầu Việt Nam và khu vực.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương