Trong họp báo vào cuối ngày 22/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Shunichi Suzuki cho biết, Chính phủ can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm ngăn chặn các động thái thị trường biến động, mặc dù ông không nói rõ về thời gian chính xác của hoạt động can thiệp này.
Ông Suzuki cũng bình luận về việc liệu Nhật Bản có đơn phương bước chân vào thị trường tiền tệ hay không, đồng thời nhấn mạnh rằng chính phủ của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang nỗ lực để có được sự thấu hiểu từ các quốc gia khác về sự can thiệp.
Ông Suzuki nói: Hoạt động mua vào đồng Yên "đã có tác dụng nhất định" và cam kết Chính phủ sẽ "giữ liên lạc chặt chẽ" với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản để "thực hiện các chính sách thích hợp" nhằm kiềm chế những biến động của thị trường ngoại hối.
Tại cuộc họp báo ở New York sau khi tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Kishida cho biết Nhật Bản sẽ "tiếp tục thực hiện các bước quyết định chống lại các động thái tiền tệ quá mức", hàm ý rằng Tokyo có thể can thiệp vào thị trường một lần nữa nếu cần thiết.
Đầu ngày, Kanda - một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính, cho biết Nhật Bản có thể can thiệp vào thị trường "bất cứ lúc nào" để ngăn đồng Yên giảm sâu hơn nữa, vài giờ sau khi đồng tiền này chạm mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD.
Các nhà đầu tư cho biết Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), theo lệnh của Bộ Tài chính, được cho là đã bán tài sản bằng đồng USD mà họ nắm giữ, chẳng hạn như trái phiếu Kho bạc Mỹ, để mua đồng Yên trên thị trường tài chính.
Theo dữ liệu chính thức, tính đến cuối tháng 8, dự trữ ngoại hối của Nhật Bản, chủ yếu bao gồm trái phiếu và tiền gửi bằng ngoại tệ, ở mức 1,29 nghìn tỷ USD.
Việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ ngày 21/9 tăng lãi suất chuẩn thêm 0,75 điểm phần trăm để chống lại lạm phát gia tăng càng củng cố quan điểm của những người tham gia thị trường rằng chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ ngày càng mở rộng. Trước khi Kanda đưa ra bình luận, đồng USD tăng trên ngưỡng 145 Yên trong phiên giao dịch hôm thứ Năm tại Tokyo, mức cao nhất kể từ năm 1998.
Hoạt động thu mua đồng Yên được thực hiện sau khi các nhà chức trách Nhật Bản cho biết tất cả các lựa chọn đã được đưa ra để đối phó với việc đồng Yên giảm giá nhanh.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ về việc liệu Nhật Bản có thể tiếp tục can thiệp bán USD hay không vì sẽ khó nhận được cái gật đầu từ Mỹ - quốc gia rõ ràng lo ngại sự trượt giá của đồng USD có thể đẩy chi phí nhập khẩu lên.
Ngay trước khi Kanda tuyên bố rằng Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ, đồng USD đã giảm mạnh so với đồng Yên. Tuy nhiên, một số nhà giao dịch cho biết tác động của việc can thiệp có thể bị hạn chế do BOJ nới lỏng tiền tệ quyết liệt.
Đồng Yên giảm giá thường là một lợi ích cho xuất khẩu vì các sản phẩm của Nhật Bản trở nên rẻ hơn ở nước ngoài, làm tăng giá trị doanh thu ở nước ngoài tính theo đồng Yên, nhưng lại đẩy giá nhập khẩu lên. Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu với hơn 90% nhu cầu năng lượng.
Dữ liệu của chính phủ hồi đầu tuần cho thấy, giá tiêu dùng lõi của Nhật Bản đã tăng 2,8% so với một năm trước đó vào tháng 8 lên mức cao nhất gần 8 năm, tăng tháng thứ 12 liên tiếp, dấu hiệu mới nhất của lạm phát do chi phí đẩy mà không có tăng trưởng tiền lương.
Lần cuối cùng Chính phủ Nhật Bản tiến hành can thiệp là bán ra Yên chứ không phải mua Yên là vào tháng 10 và tháng 11 năm 2011, sau khi đồng tiền này đạt mức cao nhất sau chiến tranh là 75,32 so với đồng USD. Vào tháng 3 năm đó, một trận động đất kinh hoàng đã xảy ra ở phía đông bắc Nhật Bản. Sau khi ông Shinzo Abe trở thành thủ tướng Nhật Bản vào tháng 12/2012, đồng Yên có xu hướng giảm trong bối cảnh thực thi chính sách kinh tế gọi là "Abenomics", bao gồm nới lỏng tiền tệ mạnh, chi tiêu tài khóa lớn và chiến lược tăng trưởng.
Một quan chức của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Washington hiểu sự can thiệp của Nhật Bản vào thị trường ngoại hối trong bối cảnh đồng Yên đột ngột giảm giá so với USD.
Tuy nhiên, quan chức này phủ nhận việc Mỹ tham gia vào cuộc can thiệp.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki từ chối bình luận về việc liệu Tokyo có phối hợp với các quốc gia khác về động thái này hay không.
Một quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào của ECB.
Vân Anh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|