Xây dựng chiến lược mới “trợ lực” phát triển ngành công nghiệp ô tô Ứng dụng công nghệ xanh, phát triển bền vững ngành công nghiệp ô tô |
Ngày 24/5, tại Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (IUH) đã diễn ra Lễ khởi động Dự án PIUS - Đào tạo kỹ sư và kỹ thuật viên cho ngành công nghiệp ô tô.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thiết thực về phát triển ô tô điện ở Việt Nam và thắt chặt mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản.
Đại biểu dự Lễ khởi động Dự án PIUS - Đào tạo kỹ sư và kỹ thuật viên cho ngành công nghiệp ô tô - (Ảnh: Thanh Minh) |
Dự án PIUS (phổ cập, thực chứng, thương mại hóa Chương trình đào tạo kỹ sư và kỹ thuật viên ngành công nghiệp ô tô), do Tập đoàn Murakami Shokai và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Nhật Bản và Việt Nam bảo trợ nhằm xây dựng chương trình đào tạo ô tô điện tại Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh.
Trong khuôn khổ dự án PIUS, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh là đơn vị trọng điểm triển khai xây dựng ngành đào tạo công nghệ ô tô điện tại Khoa Công nghệ Động lực.
Bên cạnh đó, 3 trường đại học thuộc Bộ Công Thương (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Sao đỏ và Trường Đại học Việt - Hung) sẽ cùng tham gia trong quá trình thực hiện các buổi học thử nghiệm và việc vận hành giáo trình.
Ông Tajima Hisashi - Cố vấn hình thành dự án - Văn phòng JICA Việt Nam - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - (Ảnh: Thanh Minh) |
Về phía Nhật Bản, Trường Kosen Ichinoseki cùng Tập đoàn Murakami Shokai và các chuyên gia sẽ thực hiện chương trình đào tạo giảng viên. Đây được coi như là một phần của chương trình hợp tác công tư của JICA để chứng minh các công nghệ của các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đáp ứng hiệu quả với các thách thức phát triển riêng biệt.
Ông Tajima Hisashi - Cố vấn hình thành dự án - Văn phòng JICA Việt Nam - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Dự án này sử dụng mô hình xe điện nhỏ được gọi là Pius do Tập đoàn Murakami cùng với Trường Cao đẳng kỹ thuật Ichinoseki phát triển trong giảng dạy. Đồng thời, Tập đoàn Murakami sẽ hỗ trợ ứng dụng mô hình này vào chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục, trong đó có Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh.
“Thay vì chỉ nghe giảng, sinh viên có thêm nhiều kỹ năng thực tế thông qua việc tự mình tháo rời và lắp ráp mô hình PIUS, trải nghiệm này tích hợp tất cả các yếu tố cần thiết tại nơi sản xuất, chẳng hạn như mô hình 5S, Kaizen, chủ nghĩa 3 “thực” và quản lý an toàn” - ông Tajima Hisashi nói.
Ông Shigeto Kikuchi - Giám đốc Dự án Pius thuộc Tập đoàn Murakami - (Ảnh: Thanh Minh). |
Ông Shigeto Kikuchi - Giám đốc Dự án Pius thuộc Tập đoàn Murakami (Nhật Bản) cũng cho biết: Mục đích hướng đến của dự án là cung cấp dụng cụ giảng dạy và giáo trình cần thiết cho việc đào tạo giảng viên hướng dẫn được hoạch định. Trong đó mô hình của chương trình đào tạo nhân lực tại Việt Nam sử dụng Kit ô tô điện kiểu tháo rời và lắp ráp (sau đây gọi tắt là Kit) được kiểm chứng.
Song song đó, dự án sẽ bồi dưỡng sự hiểu biết của các bên liên quan phía Việt Nam liên quan đến chương trình đào tạo nhân lực sử dụng Kit và cách thức của cơ chế mà dự án có thể tiếp tục thực hiện được xem xét.
“Tính hữu ích của mô hình Việt Nam của chương trình đào tạo nhân lực sử dụng Kit được xác nhận tại miền Bắc và cơ chế hướng đến việc vận hành giáo trình sẽ được Bộ Công Thương xem xét” - ông Kikuchi Shigeto nói.
Bà Nguyễn Vân Nga - Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương - (Ảnh: Thanh Minh). |
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Vân Nga - Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương nhấn mạnh: Bộ Công Thương đánh giá rất cao tầm quan trọng của Dự án PIUS. Đồng thời tin tưởng dự án thành công sẽ góp phần giúp Nhà trường trở thành đơn vị đào tạo chủ lực của Bộ Công Thương ở ngành công nghệ ô tô điện. Từ đó, đưa những kinh nghiệm này làn tỏa đến các cơ sở đào tạo khác tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ cho các dòng xe ô tô điện theo nguyên tắc áp dụng các mức ưu đãi khác nhau cho mỗi dòng xe điện hóa trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường. Đây sẽ là những “trợ lực” mới cho ngành công nghiệp ô tô điện của Việt Nam.
Đại biểu thực hiện nghi thức Khởi động dự án PIUS - Đào tạo kỹ sư và kỹ thuật viên ngành công nghiệp ô tô tại Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - (Ảnh: Thanh Minh). |
Ông Hiroshi Takeda - Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), văn phòng tại Nhật Bản nhấn mạnh, "Dự án này nhằm mục đích giáo dục không chỉ sinh viên đại học mà còn nhiều người lớn đang đi làm. Chúng tôi hy vọng rằng, tài liệu giảng dạy mang tên PIUS, đã được sử dụng ở Nhật Bản sẽ nâng cao động lực của sinh viên và người đi làm. Đồng thời và hướng dẫn hiệu quả hơn sẽ được hiện thực hóa tại Việt Nam”.
Tại sự kiện, PGS.TS. Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời cảm ơn các đối tác đóng góp, tham gia và phối hợp để xây dựng, thực hiện dự án này. Đồng thời tin tưởng cho những hoạt động của dự án khi triển khai sẽ hỗ trợ đào tạo đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình đào tạo và thực chứng chương trình đào tạo trong quá trình đào tạo sinh viên.
Phòng đào tạo dự án PIUS - Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - (Ảnh: Thanh Minh). |
Sự triển khai thành công của Dự án PIUS không chỉ giúp đội ngũ giảng viên Nhà trường tiếp cận, làm chủ được yếu tố cốt lõi nhất của công nghệ này, mà còn giúp xây dựng đội ngũ nhân lực trình độ cao phục vụ cho sự phát triển ngành công nghệ mới mẻ này tại Việt Nam. “Dự án PIUS là một bước tiến mới và sẽ có nhiều kỳ vọng phát triển về ngành ô tô điện ở Việt Nam trong tương lai” - PGS.TS. Đàm Sao Mai nhấn mạnh.
Dự án PIUS được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 2018 - 2019 thực hiện khảo sát, tìm kiếm đối tác triển khai và thử nghiệm mô hình. Sau thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giai đoạn 2 bắt đầu tái khởi động vào năm 2023 để chuẩn bị triển khai kế hoạch dự án và dự kiến sẽ được thực hiện trong 3 năm. |