Nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam giảm nhẹ trong tháng 7/2023

(Banker.vn) Dù Việt Nam có nguồn cung lớn, nhưng mặt hàng này vẫn tăng nhập khẩu liên tiếp trong 5 tháng, và bước sang tháng 7/2023 đã có bước sụt giảm nhẹ.
Thịt gà nhập khẩu chiếm trên 20% sản lượng tiêu thụ 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam chi gần nửa tỷ USD nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 7/2023, Việt Nam nhập khẩu 60,82 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với trị giá 124,85 triệu USD, giảm 1,1% về lượng và giảm 11,2% về trị giá so với tháng 7/2022.

Đáng chú ý, đây là tháng giảm đầu tiên sau 5 tháng liên tiếp lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2022.

7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 356,4 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 723,03 triệu USD
7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 356,4 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 723,03 triệu USD

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 356,4 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 723,03 triệu USD, tăng 1,6% về lượng, nhưng giảm 8,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 7/2023, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 44 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ, Nga, Brazil, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam.

Trong đó, Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt từ một số thị trường như: Nga, Ba Lan, Australia, Hà Lan, Đan Mạch…

Tuy nhiên, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ một số thị trường lại sụt giảm như: Ấn Độ, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đức, Canada…

Trong 7 tháng đầu năm 2023, cơ cấu thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm thịt cho Việt Nam có sự thay đổi khi lượng nhập khẩu từ Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc có xu hướng giảm; trong khi nhập khẩu từ Nga, Hoa Kỳ, Ba Lan… lại có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 7/2023, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt trâu và thịt bò có xu hướng giảm; Trong khi nhập khẩu thịt heo và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam giảm nhẹ trong tháng 7/2023

Riêng với mặt hàng thịt heo, tháng 7/2023, Việt Nam nhập khẩu 13,18 nghìn tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 35,37 triệu USD, tăng 31,5% về lượng và tăng 63,9% về trị giá so với tháng 7/2022, đây là tháng thứ 3 liên tiếp lượng thịt heo nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2022. Giá nhập khẩu thị heo trung bình về Việt Nam đạt 2.683 USD/tấn, tăng 24,6% so với tháng 7/2022.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 54,76 nghìn tấn, trị giá 142,61 triệu USD, giảm 1,2% về lượng, nhưng tăng 20,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng 7/2023, Việt Nam nhập khẩu thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 21 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Nga, Brazil, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Canada. Trừ Canada, lượng thịt heo nhập khẩu từ các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, cơ cấu thị trường cung cấp thịt heo cho Việt Nam có sự thay đổi, khi tỷ trọng nhập khẩu từ Nga, Hoa Kỳ tăng; trong khi tỷ trọng nhập khẩu từ Brazil, Đức, Canada, Hà Lan lại giảm.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương