Nhận thêm 250 triệu USD từ Bain Capital, cổ phiếu MSN được định giá bao nhiêu?

(Banker.vn) Tập đoàn Masan mới đây đã chính thức nhận khoản đầu tư 250 triệu USD bằng tiền mặt từ Bain Capital, nâng số vốn đã huy động được lên 1,5 tỷ USD trong vòng 2 năm qua.

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) đã chính thức hoàn tất thương vụ huy động vốn trị giá 250 triệu USD từ Bain Capital. Theo kế hoạch, Masan sẽ tiếp tục tích cực tìm kiếm các phương án thay thế để giảm đòn bẩy và giảm chi phí lãi vay, với mục tiêu Nợ ròng trên EBITDA dưới mức <3,5x.

Trong 2 năm gần đây, Masan đã thành công trong việc huy động tổng cộng 1,5 tỷ USD từ thị trường vốn toàn cầu. Trong quý IV/2023, công ty đã thành công trong việc phòng ngừa 100% rủi ro của các khoản nợ dài hạn bằng đồng USD bằng cách chuyển đổi 950 triệu USD tiền gốc vay sang VND với tỷ giá 23.937 và lãi suất cố định 8,93% mỗi năm.

Nhận thêm 250 triệu USD từ Bain Capital, cổ phiếu MSN được định giá bao nhiêu?
Masan chính thức hoàn tất thương vụ huy động vốn từ Bain Captial.

Đồng thời, bằng cách sử dụng hoán đổi lãi suất (Interest Rate Swaps) kết hợp với hợp đồng trao đổi ngoại tệ (FX kỳ hạn), Masan đã thực hiện thanh toán gốc 45 triệu USD vào năm 2024 với tỷ giá (FX) là 24.005; và một hợp đồng 300 triệu USD với lãi suất cố định 6,48% mỗi năm trong 5 năm với tỷ giá (1-year FX) là 23.790, nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến tiền tệ và lãi suất. Như vậy, sự tăng giá gần đây của đồng USD không ảnh hưởng quá mức đến lợi nhuận của công ty.

Thêm vào đó, vào ngày 20/4 vừa qua, ngân hàng Techcombank (TCB), công ty liên kết của Masan đã thông qua kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 15% bằng tiền mặt. Với việc sở hữu 19,9% lợi ích kinh tế tại TCB, Masan dự kiến sẽ nhận được hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt trong 06 tháng tới, từ đó giúp công ty thuận lợi trong việc giảm đòn bẩy tài chính.

Masan đã có một năm 2023 thành công với doanh thu thuần đạt 78.252 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2022 chủ yếu nhờ vào mảng kinh doanh tiêu dùng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 1,900 tỷ đồng, trong khi dòng tiền tự do của công ty tăng lên 7.454 tỷ đồng trong năm 2023, so với 887 tỷ đồng trong năm 2022.

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2024, Masan dự kiến doanh thu sẽ dao động trong khoảng 84.000 tỷ đồng - 90.000 tỷ đồng, tăng từ 7,3% - 15%. Lợi nhuận sau thuế dự kiến sẽ từ 2.250 tỷ đồng đến 4.020 tỷ đồng, tăng từ 31% - 115% so với kết quả thực hiện năm 2023. Công ty cũng dự kiến sẽ không chia cổ tức trong năm 2024.

Ngoài nhận thêm khoản tiền từ Bain Captial, Masan còn đón thêm tin vui khi công ty con của tập đoàn dự kiến sẽ niêm yết trên HOSE trong đầu năm 2025. Theo HSBC Research, thông tin về việc công ty con của Masan Group là Masan Consumer (MCH) sẽ chuyển lên niêm yết sàn HOSE vào đầu năm 2025 sẽ mang lại hiệu ứng tích cực cho cổ phiếu Masan.

HSBC đánh giá Masan Consumer có ‘thành tích’ về tỷ suất lợi nhuận cao, tăng trưởng doanh thu ổn định và vượt xa đáng kể so với các công ty cùng ngành trong lĩnh vực FMCG và thực phẩm đóng gói trong khu vực.

Bên cạnh đó, đối với mảng bán lẻ của Masan, HSBC cho rằng WinCommerce đang ở giai đoạn có nhu cầu vốn lớn để mở cửa hàng mới và sắp hòa vốn.. Do đó, việc niêm yết Masan Consumer là một lựa chọn hợp lý, thuận lợi hơn cho tập đoàn. Đồng thời, động thái này cũng là một trong các bước chuẩn bị cho chiến lược tối ưu hóa giá trị của nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất của Masan là The CrownX (nền tảng hợp nhất MCH và WCM).

Khi EBITDA WinCommerce tăng lên, nhu cầu tiền mặt thấp hơn, cùng với việc giảm lợi ích tại mảng kinh doanh tiêu dùng không cốt lõi, Masan Group sẽ giảm mạnh áp lực tài chính.

Kết phiên ngày 22/4, MCH có vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng. Nếu chuyển sàn thành công, vốn hóa MCH trên HoSE có thể vượt nhiều công ty trong nhóm VN30 như SAB (67.345 tỷ đồng), MWG 70.480 tỷ đồng),...Thậm chí, vốn hóa vượt cả công ty mẹ là Tập đoàn Masan (MSN) với 95.151 tỷ đồng.

Nhóm phân tích đánh giá, Masan Consumer có tỷ suất lợi nhuận cao, tăng trưởng doanh thu ổn định và vượt xa đáng kể so với các công ty cùng ngành trong lĩnh vực FMCG và thực phẩm đóng gói trong khu vực. Masan Consumer đã ghi nhận sự tăng trưởng phi mã kể từ năm 2018 đến nay. Năm 2023, công ty thiết lập mức lợi nhuận kỷ lục mới khi ghi nhận mức lãi sau thuế 7.195 tỷ đồng.

Một số báo cáo phân tích của các đơn vị trong nước cũng đánh giá tích cực về triển vọng của MSN. CTCK BSC kì vọng mảng tiêu dùng năm 2024 tiếp tục là mảng tăng trưởng chủ lực với việc thực thi xu hướng cao cấp hóa kết hợp chiến lược “Go Global", tối ưu hóa tồn kho và chi phí hoạt động, cùng lúc khai thác tốt hiệu quả chương trình hội viên WIN giúp tạo giá trị cho hệ sinh thái.

BSC đánh giá rủi ro liên quan đến việc tất toán các khoản nợ đến hạn và áp lực thanh toán nợ đến hạn không còn lớn đối với MSN trong năm 2024 nhờ các hoạt động của ngành tiêu dùng cốt lõi đang tiến đến điểm hiệu quả, chiến lược giảm đòn bẩy tài chính của MSN trong 2024 và kì vọng chính sách nới lỏng tiền tệ của FED sẽ được thực hiện vào nửa cuối 2024 sẽ đến các khoản vay bằng USD.

Tại WinCommerce, mô hình cửa hàng mới đang dần chứng minh hiệu quả và tiếp tục nhân rộng số lượng, đồng thời cải thiện biên lợi nhuận nhờ khai thác các dòng nhãn hàng riêng, tối ưu hóa chi phí và hưởng lợi từ chi phí khấu hao giảm.

Thắng lớn nhờ mảng tự doanh, chứng khoán Vietcap lãi 2,7 lần so với cùng kỳ

Nhờ mảng tự doanh, vietcap ghi nhận khoản lãi sau thuế tăng 2,7 lần trong quý I/2024.

ĐHCĐ năm 2024: BSC đặt mục tiêu lợi nhuận 550 tỷ đồng, dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 10%

Sáng ngày 23/04/2024 tại Hà Nội, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Một ...

Dòng tiền e ngại, VN-Index tiếp tục "giằng co" với thanh khoản thấp

Trong phiên giao dịch thứ Ba, thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì trạng thái giằng co với thanh khoản thấp.

Hoàng Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán