Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10): Sự đóng góp của tầng lớp doanh nhân trong “Tuần lễ vàng”

(Banker.vn) “Tuần lễ vàng” (từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945) để góp vào Quỹ Độc lập đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước của mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội, nhất là tầng lớp doanh nhân.

Ý nghĩa “Tuần lễ vàng”

anh-4-4-.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các nhà tư sản Hà Nội trước Bắc Bộ Phủ, ngày 18/9/1945. Ảnh tư liệu lịch sử

Sau khi ra đời, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, đặc biệt là những khó khăn về kinh tế, tài chính: Quốc khố gần như trống rỗng, kinh tế kiệt quệ, chưa thu được thuế; Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp; ngân quỹ Chính phủ chỉ vẻn vẹn có 1,25 triệu đồng Đông Dương, nhưng trong đó có tới 580 nghìn đồng rách nát đang chờ tiêu huỷ, các khoản nợ của chính phủ bù nhìn, tay sai để lại lên đến 564 triệu đồng… Những khó khăn tài chính càng thêm chất chồng khi quân Tưởng ép chúng ta sử dụng tiền Quan kim, Quốc tệ. Tình hình đó đòi hỏi chính quyền cách mạng cần nhanh chóng có biện pháp bảo đảm tài chính.

Chỉ 2 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 4/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký sắc lệnh số 04 thành lập Quỹ Độc lập. Sắc lệnh nêu rõ: “Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia” và “Mọi việc quyên tiền và đồ vật và việc tổ chức sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Tài chính”.

Trong khuôn khổ “Quỹ Độc lập”, Chính phủ đã đề ra chương trình tổ chức “Tuần lễ vàng” từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc nói rõ về việc này. Người viết: “Muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có. Ý nghĩa “Tuần lễ vàng” là ở đó” (Báo “Cứu Quốc”, số 45, ngày 17/9/1945).

Những đóng góp trong “Tuần lễ vàng”

Ngày 18/9/1945, tại Nhà hát Lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian để gặp gỡ các nhà tư sản Hà Nội nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ đối với việc khôi phục, phát triển kinh tế đất nước.

anh-1-9-.jpg
Vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ đã hiến 117 lượng vàng cho “Tuần lễ vàng”. Ảnh tư liệu lịch sử.

Vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ, chủ hiệu buôn tơ lụa nổi tiếng Phúc Lợi ở 48 Hàng Ngang (Hà Nội) ủng hộ “Tuần lễ vàng” 117 lượng vàng. Kể cả đóng góp trong “Tuần lễ vàng”, tổng cộng vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ Việt Minh, Chính phủ cách mạng lâm thời 5.147 lượng vàng. Bà Hoàng Thị Minh Hồ sau này nhớ lại: “Vợ chồng tôi cảm kích trước bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước khi Cụ nói về trách nhiệm của người dân trước quốc gia non trẻ nên ngay trong ngày đầu tiên vợ chồng tôi đã ủng hộ 117 lượng vàng... Vợ chồng tôi có 4 bàn tay, 2 khối óc, có đóng góp hết, chúng tôi lại sẽ làm ra nhưng độc lập của dân tộc Việt Nam thì không thể nào để mất”. Ghi nhận những đóng góp cho cách mạng, Đảng và Nhà nước đã tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho ông Trịnh Văn Bô vào năm 1988 và sau đó là tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho bà Hoàng Thị Minh Hồ vào năm 1991.

Bà Vương Thị Lai, chủ hiệu buôn tơ lụa Lợi Quyền (Hà Nội) đóng góp 109 lượng vàng cho “Tuần lễ vàng”. Trân trọng sự đóng góp của bà, ngày 10/11/1945, Hội Phụ nữ đã tổ chức “Ngày phụ nữ ủng hộ Nam bộ kháng chiến” và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự, mang theo tấm huy chương bằng vàng hình ngôi sao năm cánh tặng cho bà Vương Thị Lai. Đó là tấm huy chương đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho một công dân của nước Việt Nam mới.

“Vương Thị Lai là đại biểu cho lòng hăng hái và hy sinh”, đó là lời đánh giá của Người đối với bà Vương Thị Lai. Bà Vương Thị Lai sau đó đã lặng lẽ tiếp tục đem vàng, tiền mua thóc ủng hộ quỹ cứu đói, ủng hộ bộ đội, giúp tự vệ thành kháng chiến chống Pháp trong những ngày cuối năm 1946. Bà Vương Thị Lai sau này tham gia Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, là ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới của Việt Nam và ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi, vợ ông Nguyễn Sơn Hà, chủ hãng sơn Gecko (Hà Nội) đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình (gồm vàng bạc, đá quý) cân được 10,5kg cho “Tuần lễ vàng”. Riêng ông Nguyễn Sơn Hà không ngần ngại tháo ngay chiếc nhẫn quý bằng platin cẩn kim cương bỏ vào thùng hiến tặng.

Bà Nguyễn Thị Lãm, vợ ông Nguyễn Hữu Nhâm, chủ hiệu vải Tam Kỳ (Hà Nội) đã đem 300 lượng vàng đóng góp cho “Tuần lễ vàng”.

Vợ chồng ông bà Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền, chủ cửa hàng buôn bán tơ lụa tại 54 Hàng Gai, Hà Nội; chủ một nhà máy dệt ở Gia Lâm, Hà Nội và một đồn điền lớn tại Chi Nê, Hòa Bình ủng hộ 10 vạn đồng (trị giá 4kg vàng) vào “Quỹ Độc lập” và 100 lượng vàng trong “Tuần lễ vàng”. Đặc biệt, ông bà Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền còn bỏ ra 1 triệu đồng mua bức tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi sau đó tặng lại thành phố Hà Nội.

Không chỉ góp tiền và vàng, nhà tư sản dân tộc yêu nước Đỗ Đình Thiện chính là người đặt những viên gạch đầu tiên cho nền tài chính – tiền tệ của chính quyền cách mạng non trẻ bằng việc hiến tặng nhà in và đồn điền cho chính quyền làm nhà máy in tiền. Ông Đỗ Đình Thiện sau này là Giám đốc trưởng Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo và là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiều năm liền. Bà Trịnh Thị Điền thì sau đó đã tham gia Ủy ban Hành chính Kháng chiến khu Hoàn Kiếm, Hà Nội; sau đó làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ năm 1946 đến năm 1955. Năm 1950, vợ chồng ông bà Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền được Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì và nhiều phần thưởng khác như Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân”, Huy chương “Vì sự nghiệp tài chính của Đảng”, Huy chương “Vì sự nghiệp giải phòng phụ nữ”, Kỷ niệm chương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Năm 2008, ông Đỗ Đình Thiện được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Bà Trịnh Thị Điền được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất vào năm 1991.

Trong “Tuần lễ vàng” các tầng lớp nhân dân cả nước đã quyên góp được 370kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Theo nhiều nhà nghiên cứu, giá vàng khi đó là 400 đồng/lượng thì số tiền 20 triệu đồng tương đương 50.000 lượng (khoảng 1.923 kg). Như vậy, “Tuần lễ vàng” tổng cộng thu được 2.293 kg hoặc 59.618 lượng vàng.

Lượng tiền, vàng mà nhân dân cả nước ủng hộ cho “Quỹ Độc lập” tại “Tuần lễ vàng” là tiền đề tài chính quan trọng giúp Đảng và Chính quyền cách mạng tháo gỡ tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”. Đồng thời, đây còn là cơ sở để cuối tháng 1/1946 chúng ta phát hành đồng tiền Việt Nam.

Ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công - thương Việt Nam. Trong thư, Người viết: “Được tin giới công - thương đã đoàn kết lại thành Công - Thương Cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay, Công - Thương Cứu quốc đoàn đang hoạt động làm nhiều việc ích nước lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”.

Ngày 13/10 - ngày mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công - thương Việt Nam đã được chọn để trở thành “Ngày Doanh nhân Việt Nam” hôm nay.

Nguyễn Văn Toàn

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ