Nhận định rủi ro từ việc dự trữ dầu chiến lược của Mỹ ở mức quá thấp

(Banker.vn) Dự trữ dầu của Mỹ hiện đang thấp nhất tính từ thập niên 1980. Tình thế này đang khiến cho phía Đảng Cộng hòa cáo buộc chính quyền Biden đưa an ninh năng lượng quốc gia vào tình thế rủi ro.

Cuộc khủng hoảng năng lượng có nguyên nhân từ Trung Đông 50 năm trước đây đã khiến cho Mỹ phải xây dựng dự trữ dầu lớn nhằm bảo vệ nước Mỹ khỏi những mối đe dọa từ những quốc gia kém thân thiện.

Giờ đây, chính kho dự trữ dầu này đang khiến cho Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp khó.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bán ra ước tính khoảng 40% trong tổng số dự trữ dầu trong kho chiến lược này nhằm hạn chế đà tăng của giá dầu sau khi căng thẳng chính trị Nga – Ukraine bùng phát.

Dự trữ dầu của Mỹ hiện đang thấp nhất tính từ thập niên 1980. Tình thế này đang khiến cho phía Đảng Cộng hòa cáo buộc chính quyền Biden để cho nước Mỹ dễ chịu tổn thương từ sự gián đoạn của nguồn cung dầu ở thời điểm mà căng thẳng Trung Đông đang bùng phát. Nhiều người đang lo ngại về kịch bản nguồn cung dầu từ Trung Đông chịu gián đoạn.

“Chính quyền Joe Biden đã sai lầm khi cố gắng hạ giá khí đốt trước thềm cuộc bầu cử”, Chủ tịch Tài nguyên Thiên nhiên Hạ viện Mỹ Bruce Westerman nói với giới báo chí.

Trước đó, cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cũng đã phàn nàn với phóng viên rằng dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) của Mỹ dường như đang giảm đến mức “không còn gì’.

Trên thực tế, dự trữ này vẫn đang có ước tính 351 triệu thùng dầu, tương đương với 56 ngày nhập khẩu của Mỹ trong năm ngoái, thấp hơn khá nhiều so với mức đỉnh 727 triệu thùng trong thời kỳ chính quyền Obama. Tuy nhiên, đó là chưa tính đến 424 triệu thùng dầu mà các doanh nghiệp tư nhân dự trữ tại Mỹ tính đến đầu tháng 10/2023.

Chính quyền Biden cho đến nay đã bảo vệ lập trường quản lý dự trữ dầu, họ khẳng định quan điểm dự trữ dầu đủ nhiều để đảm bảo cho nhu cầu chiến lược của nước Mỹ đồng thời dự phòng khả năng sốc giá dầu. Thứ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm tuyên bố trước Hạ viện Mỹ: “Tôi hoàn toàn không cảm thấy lo lắng về mức độ dự trữ dầu. Mỹ vẫn có dự trữ dầu lớn nhất thế giới”.

Giờ đây, tình trạng nguồn cung năng lượng của Mỹ không tệ hại như thời kỳ năm 1973 khi mà cuộc chiến Yom Kippur nổ ra khiến cho phía Arab cấm xuất khẩu dầu sang Mỹ đẩy giá xăng dầu tăng cao, người Mỹ phải xếp hàng dài tại các trạm xăng. Sau đó, quy mô hoạt động sản xuất năng lượng của Mỹ sụt giảm còn nhu cầu năng lượng của Mỹ tăng, chính vì vậy Quốc hội Mỹ vào năm 1975 đã phải thông qua luật để xây dựng dự trữ.

Năm thập kỷ sau, nước Mỹ hiện đang là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Sản lượng dầu của Mỹ ở ngưỡng cao kỷ lục và hiện vẫn tiếp tục tăng dù nhu cầu nhiều thời điểm đi ngang.

Trong nhiều năm qua, những người có quan điểm bảo thủ đã kêu gọi loại bỏ dự trữ này, họ phàn nàn rằng các Tổng thống Mỹ đã sử dụng SPR như công cụ chính trị.

Dù vậy, việc dự trữ SPR giảm trong thời gian gần đây đã hạn chế khả năng của ông Biden trong việc phản ứng với cú sốc trên thị trường dầu trong tương lai, trong đó không loại trừ khả năng căng thẳng Trung Đông dâng cao hơn nữa.

Theo các chuyên gia phân tích trên thị trường năng lượng, ngay cả với dự trữ năng lượng đầy đủ cũng không thể bảo vệ được nước Mỹ khỏi cú sốc giá cả trong trường hợp xung đột tại Trung Đông tăng cao khiến cho nguồn cung từ vịnh Ba Tư thông qua eo Hormuz bị gián đoạn. Tuy nhiên, việc có dự trữ đầy đủ sẽ giúp cho Nhà Trắng có thêm khả năng ứng phó trong các vấn đề liên quan đến Iran, theo chuyên gia phân tích tại tổ chức BCA – ông Bob Ryan.

Ông Ryan phân tích mức độ SPR thấp khiến cho Mỹ phải phụ thuộc vào Ả Rập Xê út và nhiều nước khác để có thể có thêm được nguồn cung dầu trong trường hợp dầu từ Iran không tiếp tục được cung cấp.

Phía Đảng Cộng hòa đã lấy dự trữ xăng dầu Mỹ ra để chỉ trích các chính sách chính quyền Tổng thống Biden, trong đó đặc biệt phải kể đến việc ông Biden quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu cũng như việc trở lại bàn đàm phán về các vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân Tehran.

Trong vòng 10 tháng tính từ khi căng thẳng Nga – Ukraine bùng phát, chính quyền của ông Biden đã rút khoảng 200 triệu thùng dầu khỏi kho dự trữ chiến lược. Giá xăng trung bình tại Mỹ tăng lên ngưỡng kỷ lục 5USD/gallon vào tháng 6/2022. Việc xả dầu từ kho dự trữ chiến lược sau đó vẫn tiếp diễn đúng theo kế hoạch trong suốt mùa thu, đó là khi mà chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi nhóm các nước OPEC+ thông báo cắt giảm xuất khẩu dầu.

Tính toán của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, việc chính quyền Tổng thống Biden bán dầu từ kho dự trữ chiến lược giúp làm giảm giá xăng 40 cent/gallon. Mức giá xăng trung bình toàn quốc trong phiên ngày thứ Sáu ước tính dưới 3,63USD/thùng, giảm 28 cent so với cùng kỳ năm trước.

Vào cuối năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden công bố sẽ cố gắng mua dầu bù đắp cho dự trữ chiến lược bằng việc mua dầu từ các doanh nghiệp tư nhân, tuy nhiên hoạt động mua này đã bị trì hoãn bởi giá dầu duy trì trên ngưỡng 67 đến 72USD/thùng, cao hơn mức mà chính quyền đã tính toán trước đó.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Angelo Fernández Hernández tuyên bố với Bộ Năng lượng Mỹ rằng chính quyền hiện vẫn cam kết với chiến lược mua bù vào SPR thông qua việc mua thêm dầu, các sàn giao dịch dầu: “Tổng thống cam kết đảm bảo nguồn cung năng lượng đầy đủ cho người Mỹ”.

Tình trạng dự trữ xăng dầu chiến lược của Mỹ ra sao còn tùy thuộc vào căng thẳng tại Trung Đông keo thang đến mức độ nào. Cho đến nay, những yếu tố gây rối ren này chưa lan đến các nước sản xuất dầu. Trước đó thông tin về các diễn biến bất ổn tại Trung Đông đã kéo giá dầu lên ngưỡng 87USD/thùng từ ngưỡng gần 80USD/thùng trước đó.

Giá dầu toàn cầu cũng có thể sẽ tăng nếu căng thẳng tại Israel lan sang Iran và ngăn chặn nguồn cung 3 triệu thùng dầu của nước này. Đồng thời Tehran có thể phản ứng bằng cách chặn nguồn cung dầu từ Ả Rập Xê út và Iraq. Hai nước này trong năm ngoái cung cấp khoảng 5% tổng lượng dầu tiêu thụ tại Mỹ.

Kể cả trong kịch bản đó, nước Mỹ cũng không hết dầu, tuy nhiên chắc chắn chi phí năng lượng mà người tiêu dùng phải chi trả sẽ tăng lên chóng mặt bởi thị trường toàn cầu sẽ phải bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ nhiều nước khác.

Ngọc Diệp

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ