Nhận định chứng khoán tuần từ 12-16/4/2021: Giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen

(Banker.vn) Phiên giao dịch cuối tuần đóng cửa với diễn biến trái chiều giữa các chỉ số. Theo đó, áp lực chốt lời có phần lấn át khiến VN-Index có phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp, tuy nhiên mức độ điều chỉnh là không quá mạnh. Trong khi đó, giao dịch khối ngoại lại khá tích cực trong phiên hôm nay khi họ mua ròng tới hơn 2.300 tỷ đồng trên toàn thị trường, lực mua tập trung chủ yếu vào VHM, VRE, HPG…

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến cho tuần giao dịch từ 12-16/4/2021.

VNIndex có thể sẽ tiếp tục vận động giằng co

(CTCK BIDV – BSC)

Chốt phiên giao dịch ngày 9/4, VN-Index -3,23 điểm, đóng cửa 1.231,66; HNX-Index +0,04 điểm, đóng cửa 293,79 điểm.

Trong phiên hôm nay, FPT (+0,54); VPB (+0,33); NVL (+0,32); STB (+0,25); LPB (+0,19) và đóng vai trò trụ đỡ cho chỉ số. Trái lại, các mã gây áp lực lên chỉ số gồm có: VCB (-2,41); VHM (-0,69); BID (-0,53); VIC (-0,45); TCB (-0,32).

Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 14.137 tỷ đồng, +7,08% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 18.208 tỷ đồng.

Chỉ số VNIndex có sự sụt giảm ngay từ đầu phiên và duy trì sắc đỏ trong suốt thời gian giao dịch. Trên thị trường, dòng tiền đầu tư không có chênh lệch nhiều so với phiên trước khi vẫn có 8/19 nhóm ngành tăng điểm.

Trong khi đó, khối ngoại mua ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX. Ngoài ra, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái cân bằng với thanh khoản gia tăng so với phiên trước.

Theo nhận định hiện tại, VNIndex có thể sẽ tiếp tục vận động giằng co trong những phiên giao dịch của tuần tới.

Các đợt điều chỉnh sẽ tạo cơ hội để gia tăng tỷ trọng

(CTCK SSI - SSI)

Sau khi vượt qua được mốc 1.200 điểm thì mục tiêu tiếp theo trên chỉ số VN-Index sẽ nằm tại vùng 1.350 - 1.400 điểm. Do đó, các đợt điều chỉnh nếu có sẽ tạo cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ở vùng giá hợp lý hơn.

Tiếp tục sóng tăng thứ 5

(CTCK MB - MBS)

Thị trường có một phiên giảm nhẹ bất chấp sức ép đến từ áp lực giảm của nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, Vingroup. Mức giảm ít cho thấy sự hấp thụ tốt lượng cung chốt lời, người mua tiếp tục chấp nhận mua ở vùng giá này khi kỳ vọng vào xu hướng đi lên của thị trường trong thời gian tới. Bên cạnh đó, khối ngoại mua ròng mạnh cũng là một yếu tố hỗ trợ cho thị trường và chính là điểm nhấn trong phiên hôm nay. Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 3,23 điểm còn 1.231,66 điểm, trong đó chỉ số VN30 tăng 1,45 điểm lên 1.253,26 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 213 mã tăng/206 mã giảm, ở rổ VN30 có 12 mã tăng, 15 mã giảm và 3 mã giữ tham chiếu.

Thanh khoản thị trường vẫn giữ ở mức cao với tổng giá trị khớp lệnh đạt gần 14.138 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại diễn ra tích cực khi họ mua ròng trở lại với tổng giá trị hơn 2.307 tỷ đồng.

Thị trường chốt phiên cuối tuần giảm điểm nhưng vẫn là tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Xét về mặt dòng tiền thì nhịp hồi cuối phiên và việc thị trường có thể hấp thụ lớn hơn lượng hàng T+3 về tài khoản là mặt tích cực. Việc thị trường có điều chỉnh cũng là điều dễ hiểu sau chuỗi tăng vừa qua, kết quả kinh doanh quý 1 cũng như các thông tin từ mùa đại hội cổ đông sẽ là động lực giúp thị trường sẽ tiếp tục trong sóng tăng thứ 5 về mặt kỹ thuật.

Thị trường sẽ lấy lại vị thế tích cực

(CTCK Rồng Việt – VDSC)

Áp lực điều chỉnh phiên cuối tuần qua kết quả của động thái hụt hơi trong phiên trước, tuy nhiên độ điều chỉnh của VN-Index chỉ dừng lại ở mức thấp và diễn biến giao dịch vẫn sôi động tại một số nhóm cổ phiếu.

Điều này cho thấy, dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu rút khỏi thị trường, đang luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu và giúp cân bằng thị trường trước áp lực chốt lời ngắn hạn.

VDSC dự kiến thị trường sẽ dần ổn định trở lại và lấy lại vị thế tích cực trong thời gian tới.

Khả năng có biến động mạnh có thể xảy ra

(CTCK SHS - SHS)

VN - Index có tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp và thanh khoản tiếp tục ở mức cao cho thấy dòng tiền vẫn còn xoay vòng trong thị trường, chưa có dấu hiệu rút ra thực sự. Thị trường giao dịch 5 phiên với biên độ trong khoảng 1.230 - 1.245 điểm và kết tuần vẫn giữ được ngưỡng 1.230 điểm nên tình hình hiện tại vẫn đang nghiêng về trung tính, chưa rõ thị trường sẽ bứt phá theo hướng nào.

Trên góc độ sóng Elliott, VN-Index đã đi gần hết sóng tăng 5 với mục tiêu 1.250 điểm và thời gian hoàn thành sóng trong nửa đầu tháng 4/2021. Nên tuần giao dịch tiếp theo sẽ là thời điểm quan trọng để xác nhận thị trường sẽ nối dài sóng 5 lên các ngưỡng cao hơn hay sẽ điều chỉnh.

Theo nguyên tắc sóng Elliott, pha tăng của thị trường gồm có 5 bước sóng được gọi là sóng đẩy; trong đó, sóng 1, 3 và 5 là sóng tăng, sóng 2 và 4 là sóng giảm.

Tuần tới cũng là tuần đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 4/2021, nên khả năng có biến động mạnh có thể xảy ra, nhà đầu tư cần chú ý điều này, SHS khuyến nghị.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Nguyễn Thanh

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục