Nhận định chứng khoán ngày 25/8/2021: Tâm lý thận trọng đang chi phối thị trường

(Banker.vn) Tâm lý thận trọng bao trùm khiến thị trường biến động trồi sụt trong phiên 24/8. Có thời điểm VN-Index hồi phục khá tốt gần 10 điểm, nhưng ngay lập tức lực bán xuất hiện đã đẩy chỉ số này trượt khỏi tham chiếu. Một điểm tích cực trong phiên hôm nay là việc khối ngoại mua ròng trở lại sau chuỗi 10 phiên bán ròng liên tiếp trên HoSE. Theo nhận định, các nhịp giằng co quanh ngưỡng tâm lý 1.300 điểm vẫn có thể tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn khi tâm lý cẩn trọng của giới đầu tư đang chiếm chủ đạo.

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 25/8/2021.

Nhịp giảm này là cơ hội để tích lũy cho chiến lược từ 3 đến 6 tháng tới

(CTCK MB – MBS)

Thị trường chứng khoán trong nước giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp nhưng đà giảm đã chững lại với lực kéo từ nhóm VN30, trong đó nổi bật là sự phục hồi của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bù đắp áp lực chốt lời từ nhóm cổ phiếu chứng khoán. Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 0,12 điểm xuống 1.298,74 điểm, trong khi đó chỉ số VN30 bật tăng 6,26 điểm lên 1.418,26 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 145 mã tăng/228 mã giảm, ở rổ VN30 có 22 mã tăng, 6 mã giảm và 2 mã giữ tham chiếu.

Thanh khoản thị trường giảm so với 2 phiên giảm trước đó, tuy vậy vẫn ở mức cao với giá trị khớp lệnh trên sàn HSX đạt 21.215 tỷ đồng. Thanh khoản giảm, mức dao động giảm và nhịp phục hồi cuối phiên dù không thành công ở chỉ số VNIndex cũng là tín hiệu tích cực nhất lúc này. Khối ngoại có phiên mua ròng nhẹ 30 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Theo MBS, sau 3 phiên giảm gần 90 điểm của chỉ số VNIndex, đà giảm chững lại và chỉ số dao động hẹp lại là tín hiệu khả quan cho sự phục hồi. Bên cạnh đó, sự phục hồi của nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt chỉ số VN30 phục hồi dù phiên ngày mai lượng hàng kỷ lục về tài khoản cũng có thể coi như tín hiệu sớm. Do vậy, nhịp giảm này là cơ hội để tích lũy cố phiếu cho chiến lược đầu tư từ 3 đến 6 tháng tới khi dòng tiền đứng ngoài đã giải ngân 3 phiên liên tiếp.

Giằng co quanh ngưỡng tâm lý 1.300 điểm

(CTCK BIDV – BSC)

Phiên giao dịch ngày 24/8, VN-Index giảm nhẹ 0,12 điểm (-0,01%) xuống 1.298,74 điểm. HNX-Index giảm 3,05 điểm (-0,91%) xuống 331,79 điểm. UPCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,36%) xuống 91,13 điểm.

Kéo chỉ số tăng phiên hôm nay gồm có: PDR (+0,51); MSN (+0,48); SAB (+0,41); VJC (+0,37); MWG (+0,31)… Ngược lại, kéo chỉ số giảm gồm những mã: VIC (-0,72); SSI (-0,38); VCI (-0,35); VCB (-0,30); HCM (-0,30)…

Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 21.215, tỷ đồng, -14,4% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 23.432 tỷ đồng. Biên độ dao động là 18,4 điểm. Thị trường có 101 mã tăng, 32 mã tham chiếu và 282 mã giảm. Giá trị mua ròng của khối ngoại: 132,39 tỷ đồng trên sàn HOSE, gồm SSI (156,2 tỷ), VHM (94,5 tỷ) và VHC (34,6 tỷ). Khối ngoại bán ròng trên sàn HNX với giá trị -122,48 tỷ đồng.

Theo BSC, thị trường có một phiên giao dịch khá giằng co quanh mốc 1.300 điểm. Dòng tiền chảy vào thị trường khi có 9/19 nhóm ngành tăng điểm so với phiên trước với mũi nhọn tăng trưởng đến từ nhóm bán lẻ và bảo hiểm. Độ rộng thị trường duy trì trạng thái tiêu cực với thanh khoản suy giảm so với phiên trước. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng trên sàn HSX và bán ròng tại HNX. Nhịp giằng co quanh ngưỡng tâm lý 1.300 điểm có thể tiếp tục trong ngắn hạn khi tâm lý cẩn trọng đang chủ đạo các hoạt động giao dịch trên thị trường.

Dư địa giảm hiện tại vẫn còn

(CTCK Sài Gòn – Hà Nội – SHS)

VN-Index điều chỉnh phiên thứ ba liên tiếp với mức giảm rất nhẹ (-0,01%) và thanh khoản suy giảm so với hai phiên giảm trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra trong phiên hôm nay đã suy giảm. Bên cạnh đó, khối ngoại quay trở lại mua ròng nhẹ với khoảng 10 tỷ đồng trên hai sàn giúp cho giao dịch trở nên cân bằng hơn.

Tuy nhiên, trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang nằm trong sóng điều chỉnh và dư địa giảm hiện tại là vẫn còn. Do đó, dự báo trong phiên giao dịch tiếp theo 25/8, VN-Index có thể tiếp tục giảm điểm với vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1.200-1.250 điểm (trendline nối các đáy từ 2020 đến nay).

Nhà đầu tư đã chốt lời danh mục trước đó có thể canh những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ trong khoảng 1.200-1.250 điểm để giải ngân trở lại. Những nhà đầu tư vẫn đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn không nên bán tháo trong những phiên giảm mà nên đợi những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Nguyễn Thanh

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán