Nhận định chứng khoán 19/11/2024: Còn đó rung lắc, cân nhắc mua thăm dò

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần giảm nhẹ với tín hiệu khi lực cầu bắt đáy le lói, hỗ trợ hồi phục tại vùng đáy ngắn hạn. Dự báo phiên tới, thị trường sẽ tiếp tục rung lắc, tích lũy lực cầu trong bối cảnh khối ngoại vẫn bán ròng.

Áp lực điều chỉnh tiếp tục duy trì trong phiên đầu tuần

Lực cầu không quá vội vàng nhập cuộc trong phiên sáng khiến thị trường chứng khoán giao dịch khá chậm và dần dần trượt dốc. Tín hiệu tươi sáng chỉ thực sự le lói trong phiên chiều khi lực cầu bắt đáy nhập cuộc giúp thị trường rút chân gần 13 điểm. Trên biểu đồ kỹ thuật, chỉ số VN-Index hình thành nến Doji rút chân mạnh mở ra tín hiệu tạo đáy. Điểm tích cực tiếp theo là nhóm chứng khoán vốn khá nhạy với thị trường hồi phục đầu tiên và thu hút dòng tiền khá tốt. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/11, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.217,12 điểm, giảm 1,45 điểm (-0,12%).

Nhận định chứng khoán 19/11/2024: Còn đó rung lắc, cân nhắc mua thăm dò
Các chỉ số chính thị trường đóng cửa phiên 18/11

Thanh khoản khớp lệnh thị trường tương đương với mức bình quân 20 phiên giao dịch. Lũy kế cuối phiên giao dịch, thanh khoản trên sàn HSX đạt 609 triệu cổ phiếu (-15,02%), tương đương 15.536 tỷ đồng (-16,63%) về giá trị giao dịch.

Độ mở thị trường chưa thể lấy lại sắc xanh với 14/21 nhóm ngành điều chỉnh. Gây áp lực lớn lên thị trường và tâm lý giao dịch trong phiên hôm nay là các nhóm ngành như: BĐS KCN (-1,09%), Bán lẻ (-0,97%), Thủy sản (-0,88%), Bảo hiểm (-0,85%),... Ở chiều ngược lại, ngược dòng thành công và dẫn dắt đà hồi phục trong phiên chiều là các nhóm ngành: Chứng khoán (+1,97%), Cảng biển (+1,06%), Hàng không (+0,98%),...

Khối ngoại bán ròng -1.457 tỷ đồng trên sàn HSX, đây cũng là phiên bán ròng mạnh nhất trong vòng 10 phiên trở lại đây. Tâm điểm bán ròng khối ngoại trong phiên là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: SSI (-268 tỷ đồng), VHM (-243 tỷ đồng), MWG (-198 tỷ đồng),... Ở chiều mua ròng, nhóm nhà đầu tư ngoại nâng ròng tỷ trọng một số mã: STB (+33 tỷ đồng), TCB (+26 tỷ đồng), GAS (+20 tỷ đồng),...

VN-Index đã tạo đáy tại ngưỡng điểm hiện tại?

Mặc dù VN-Index chưa có một phiên đảo chiều hoàn chỉnh trong ngày hôm nay, nhưng các cổ phiếu đã bắt đầu phục hồi khá ấn tượng, cho thấy dòng tiền bắt đáy đang chờ đợi quanh ngưỡng 1.200 điểm. Trong trường hợp tích cực, VN-Index có thể tạo đáy tại ngưỡng này.

Nhận định chứng khoán 19/11/2024: Còn đó rung lắc, cân nhắc mua thăm dò
Thị trường trong phiên tới có xu hướng tiếp diễn rung lắc

Trên đồ thị kĩ thuật, mẫu nến "Doji" biên độ rộng cho thấy thế giằng co khá mạnh nhưng với tương quan cung cầu đã tạm thời quay trở lại trạng thái cân bằng. Việc xuất hiện mẫu nến đảo chiều, tại vùng hỗ trợ gần, trong bối cảnh một số chỉ báo xung lực đã về vùng quá bán đang cho thấy cơ hội hồi phục của VN-Index. Mặc dù vậy, khi xu hướng giảm điểm vẫn đang giữ vai trò chủ đạo trong ngắn hạn, nhịp hồi phục có thể không kéo dài lâu và chỉ số nhiều khả năng sẽ còn chứng kiến thêm các nhịp giảm phá đáy trước khi có thể tìm được vùng đáy vững chắc hơn.

Theo đánh giá của Chứng khoán Asean, thị trường trong phiên tới có xu hướng tiếp diễn rung lắc quanh vùng 1.211 điểm nhằm giảm áp lực bán và tích lũy lại lực cầu và quá trình hình thành vùng cân bằng kì vọng đem lại tín hiệu hình thàn đáy ngắn hạn khi có các xác nhận mạnh mẽ hơn từ lực cầu và dấu hiệu ‘ngớt dần’ từ sức ép bán ròng từ Khối ngoại.

Về vĩ mô, DXY đã có dấu hiệu chững lại đà tăng, giảm nhẹ sau khi chạm mốc 107, và tỷ giá bán USD/VND trong nước cũng giảm nhẹ. Do đó, trong ngắn hạn, tổ chức này cho rằng thị trường cũng có thể có các phiên hồi phục chậm rãi.

Khuyến nghị cho nhà đầu tư

Dù đóng cửa giảm điểm phiên thứ 3 liên tiếp, song lực cầu bắt đáy đã có tín hiệu nhập cuộc, cộng với việc VN-Index giữ vững mốc hỗ trợ 1,208 điểm thì khả năng cao là xu hướng giảm điểm đang có chiều hướng chững lại. Tuy vậy, tín hiệu đảo chiều tăng chưa được xác nhận nên chúng ta không nên vội vàng mua đuổi trong phiên tới. Chứng khoán Kiến Thiết khuyến nghị mua thăm dò tại mốc hỗ trợ 1.208 điểm, vị thế mua thăm dò đang có lợi thế, nhưng cần kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu xác nhận mới gia tăng thêm tỷ trọng.

Trong khi đó, Chứng khoán SHS cho rằng mức độ rủi ro ngắn hạn của thị trường vẫn ở mức cao với nhiều mã vẫn chịu áp lực bán khá đột biến. Một phần nguyên nhân do áp lực bán mạnh của khối ngoại, áp lực cắt lỗ, giảm tỉ lệ dư nợ margin của nhà đầu tư. Nhà đầu tư tỉ trọng cao vẫn nên ưu tiên quản trị rủi ro ngắn hạn. Tỉ trọng dưới mức trung bình cần quản trị rủi ro tốt nên xem xét giải ngân các mã cơ bản tốt, có quý III tăng trưởng tốt, kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt.

Công ty mẹ của Vicostone phát hành thành công lô trái phiếu thứ 4 trong chưa đầy 1 năm

Phenikaa Group phát hành thành công lô trái phiếu PKACH2431002 trị giá 200 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm, lãi suất cố định 8,2%/năm. Trái ...

Khối ngoại tăng áp lực bán ròng phiên đầu tuần, tập trung các mã nhóm bluechips

Chứng khoán giảm nhẹ phiên 18/11 do áp lực bán từ khối ngoại, với giá trị bán ròng 1.464 tỷ đồng trên toàn thị trường, ...

VN-Index giằng co, dòng tiền tìm đến nhóm chứng khoán

Kết phiên 18/11, VN-Index giảm 1,45 điểm (-0,12%) còn 1.217,12 điểm. Thanh khoản thị trường đạt 15.556 tỷ đồng trên HoSE. Nhóm chứng khoán khởi ...

Nguyên Nam

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục