Nhận biết sớm triệu chứng bệnh bạch hầu

(Banker.vn) Bạch hầu là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể làm bệnh nhân tử vong trong vòng 6 - 10 ngày, với tỷ lệ tử vong lên đến 20%.
Dịch bạch hầu gây tử vong quay trở lại, cách nhận biết sớm bệnh bạch hầu Đã có 3 người tử vong do bạch hầu: Tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh
Nhận biết sớm triệu chứng bệnh bạch hầu
Ảnh minh họa

Thời gian ủ bệnh và phương thức lây truyền bạch hầu

Ổ chứa vi khuẩn nằm ở người bệnh và cả người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.

Thời gian ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn. Thời kỳ lây truyền bệnh thường không cố định, có thể kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít nhất là trên 4 tuần. Người bệnh đã có thể đào thải vi khuẩn từ thời kỳ khởi phát, hoặc cũng có thể từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Người lành mang vi khuẩn bạch hầu có thể từ vài ngày đến 3, 4 tuần; hiếm có trường hợp mang vi khuẩn mạn tính kéo dài trên 6 tháng.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây bằng việc tiếp xúc với đồ vật có dính chất bài tiết từ người bệnh.

Tùy vào vị trí vi khuẩn gây bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau.

Bệnh bạch hầu mũi trước: Bệnh nhân sổ mũi, chảy ra chất mủ nhầy đôi khi có máu, có màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.

Bệnh bạch hầu họng và amidan: Bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2, 3 ngày xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò. Những trường hợp nhiễm độc nặng bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, những bệnh nhân này có thể tử vong trong vòng 6 đến 10 ngày.

Bạch hầu thanh quản: Là thể bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc có thể gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.

Ngoài những vị trí kể trên, vi khuẩn còn có thể gây bệnh ở một số vị trí khác nhưng những trường hợp này rất hiếm và có tiến triển bệnh nhẹ.

Biến chứng khôn lường của bệnh bạch hầu

Biến chứng thường gặp nhất ở bệnh là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh. Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra ở giai đoạn toàn phát hoặc có thể chậm vài tuần sau khi người bệnh khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tỷ lệ tử vong thường rất cao. Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và sẽ hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong vì những biến chứng khác.

Liệt màn khẩu cái (màn hầu) là một biến chứng khác có thể gặp ở bệnh bạch hầu, thường xuất hiện vào tuần 3 của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn, liệt cơ chi và cơ hoành có thể xuất hiện vào tuần thứ 5 của bệnh. Viêm phổi và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả liệt cơ hoành. Ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi có thể gặp các biến chứng như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp.

Bệnh có thể xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ hoặc giai đoạn sau sinh. Tỷ lệ tử vong của bệnh đối với sản phụ là khoảng 50%, ⅓ trường hợp sống sót có thể bị sảy thai hoặc sinh non. Điều trị sớm bằng huyết thanh kháng bạch hầu có thể cải thiện tỷ lệ sống sót và mang thai, nhưng biến chứng vẫn cần được điều trị kéo dài.

Tỷ lệ tử vong của bệnh thường rơi vào khoảng 5% – 10% và có thể tăng cao lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch hầu

Bất cứ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, vẫn có một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác, như: Trẻ em và người lớn chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh; Người đi du lịch đến vùng dịch tễ; Những người sống trong điều kiện đông đúc, mất vệ sinh.

Trẻ em dưới 15 tuổi chưa có miễn dịch; Trẻ sơ sinh có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang con nên không dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, miễn dịch thụ động sẽ mất đi khi trẻ 6 tháng - 1 tuổi. Nếu không được tiêm vắc xin, trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao.

Những người suy giảm miễn dịch rất dễ mắc bệnh và có tỷ lệ tái nhiễm bệnh từ 2% – 5%.

Các phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm bệnh bạch hầu

Khi có bất cứ triệu chứng nào của bệnh bạch hầu, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Thông thường để chẩn đoán, các bác sĩ sử dụng phương pháp soi kính hiển vi. Các bác sĩ sẽ làm tiêu bản nhuộm Gram soi dưới kính hiển vi, trực khuẩn bắt màu Gram (+), hai đầu to, hoặc nhuộm Albert, trực khuẩn bắt màu xanh.

Ngoài ra, các bác sĩ còn có thể chẩn đoán bệnh dựa trên phương pháp phân lập vi khuẩn trong môi trường đặc hiệu. Nhưng nhược điểm của phương pháp này là chậm có kết quả.

Phương pháp điều trị: Hiện nay, bệnh bạch hầu đã có thể điều trị được bằng thuốc. Bệnh nên được điều trị tại các cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang bị máy móc tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên trong giai đoạn tiến triển, bệnh vẫn có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi điều trị, bệnh bạch hầu vẫn có thể gây tử vong với tỷ lệ 3% những người mắc bệnh tử vong, tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Phương pháp phòng ngừa: Bệnh có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vắc xin. Tại Việt Nam hiện nay không có vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu, chỉ có vắc xin những vắc xin phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu.

Minh Dũng

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục