Nhà đầu tư “lỡ sóng” ngân hàng có thể xem xét giải ngân vào nhóm BĐS và chứng khoán

(Banker.vn) Sau tuần điều chỉnh và lui về kiểm tra vùng hỗ trợ 1.150 điểm, thị trường chứng khoán trong nước đã ghi nhận tuần giao dịch từ 15-19/1 tương đối tích cực dưới sự hỗ trợ từ yếu tố vĩ mô. Cùng với đà tăng về điểm số, khối ngoại cũng là điểm sáng trong tuần qua khi họ quay lại mua ròng với tổng giá trị hơn 450 tỷ đồng.

Để có cái nhìn toàn cảnh về thị trường tuần vừa qua và xu hướng, dự báo trong thời gian tới, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty CPCK VNDIRECT nhằm giúp nhà đầu tư tham khảo và đưa ra quyết định hành động tốt nhất cho tuần giao dịch tới.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty CPCK VNDIRECT
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty CPCK VNDIRECT.

PV: Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận tuần nỗ lực hồi phục tốt dù áp lực bán tương đối mạnh, trong đó chỉ số VN-INDEX tăng mạnh nhất gần 2,2% và chinh phục thành công mốc 1.180 điểm. Cùng với đó, sự trở lại mua ròng hơn 450 tỷ đồng tính trên toàn thị trường cũng là tín hiệu tích cực. Xin ông cho biết, thị trường chứng khoán tuần qua có những diễn biến nào nổi bật và đâu là những mã cổ phiếu tác động tích cực cũng như tiêu cực nhất đến chỉ số, thưa ông?

Ông Đinh Quang Hinh: VN-INDEX chứng kiến một tuần giao dịch ấn tượng khi các doanh nghiệp niêm yết bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý IV và kỳ họp Quốc hội bất thường mang đến những thông tin hỗ trợ tích cực.

Thị trường khởi đầu tuần mới hứng khởi khi mở gap tăng 7 điểm đầu phiên, tuy vậy áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến đà tăng yếu dần và chỉ số VN-INDEX đóng cửa lùi về mức 1.154,1 điểm, tương ứng giảm 0,6 điểm. Trong đó, đà giảm của thị trường của thị trường tập trung ở nhóm cổ phiếu chứng khoán như SSI, VCI và FTS.

Tuy nhiên, thị trường đà bật tăng trở lại ngay trong phiên sau đó với mức tăng 9 điểm của chỉ số VN-INDEX nhờ lực kéo từ nhóm cổ phiếu thép, bất động sản, bán lẻ. Thanh khoản có cải thiện so với phiên hôm trước với tổng giá trị giao dịch trên HOSE quanh mốc 13.000 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch ngày thứ 4, thị trường phiên sáng diễn biến tương đối tích cực khi có lúc tăng lên 1.168 điểm, song áp lực chốt lời ngắn hạn đã khiến VN-INDEX hạ nhiệt và kết phiên quay đầu giảm nhẹ 0.6 điểm.

Thị trường đón nhận hai tin hỗ trợ mạnh trong phiên sáng ngày thứ 5 khi Quốc hội chính thức thông qua Luật Đất đai sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng tại kỳ họp bất thường của Quốc hội. Nhờ tin tức hỗ trợ, dòng tiền hướng tới nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản, kéo chỉ số VN-INDEX tăng 6,5 điểm.

Xu hướng tích cực được tiếp nối tại phiên cuối tuần giúp VN-INDEX tăng 12,4 điểm, trong đó tâm điểm vẫn ở nhóm ngành ngân hàng ghi nhận mức tăng mạnh 1,92%. Kết tuần, VN-INDEX chốt tại mốc 1.181,50 điểm, tăng 2,2% so với tuần trước; trong khi chỉ số HNX-INDEX giảm nhẹ 0,4% xuống 229,48 điểm và UPCOM-INDEX tăng 0,6% để đóng cửa tại 87,46 điểm.

Diễn biến chỉ số VN-Index
Diễn biến chỉ số VN-INDEX

Tuần này, nhóm cổ phiếu ngân hàng quốc doanh là BID (+8,4%), VCB (+4,4%) cùng hai ông lớn ngành bất động sản và bán lẻ VHM (+4,2%) và MWG (+9,9%) là nhân tố chính dẫn dắt đà hồi phục. Ngược lại, nhóm cổ phiếu SSB (-1,5%), SHB (-1,2%) và BVH (-1,3%) gây áp lực lên chỉ số chung.

Tuần qua giá trị giao dịch trên ba sàn giảm mạnh 28,7% so với tuần trước, chỉ đạt 15.868 tỷ/phiên. Đáng chú ý, tuần này khối ngoại quay trở lại mua ròng, với giá trị mua ròng đạt 454 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Theo đó, khối ngoại mua ròng với giá trị 585 tỷ đồng trên HOSE trong khi bán ròng 39 tỷ đồng trên HNX và 92 tỷ đồng trên UPCOM.

PV: Trong bối cảnh một số thông tin vĩ mô khá tích cực, cùng với đó là sự hỗ trợ của dòng tiền ngoại, ông có dự báo gì về xu hướng thị trường trong tuần giao dịch sắp tới và nhà đầu tư nên hành động ra sao, thưa ông?

Ông Đinh Quang Hinh: Thị trường vừa trải qua một tuần giao dịch tích cực hơn kỳ vọng khi các chỉ số chứng khoán bứt phá nhờ những thông tin hỗ trợ đến từ nghị trường Quốc hội. Việc Quốc hội thông qua cả 2 dự luật quan trọng và được mong chờ từ lâu là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là chất xúc tác cho đà tăng của thị trường.

Theo đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nối dài đà tăng với sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng quốc doanh như BID, CTG hay VCB. Dòng tiền cũng có sự lan tỏa tích cực hơn khi đà tăng đã xuất hiện ở những nhóm cổ phiếu khác, như Bán lẻ, thép, bất động sản. Đây là điểm sáng tích cực hơn so với tuần giao dịch trước đó. Đồng thời, khối ngoại cũng có động thái mua ròng liên tục trong những phiên gần đây.

Nhìn tổng thể, đà tăng của thị trường chưa có dấu hiệu đảo chiều. Bên cạnh đó, bức tranh kết quả kinh doanh quý IV/2023 đang dần hé lộ với gam màu tươi sáng sẽ giúp dòng tiền duy trì được sức nóng và luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu nhằm giữ nhịp tăng của thị trường.

Theo đó, nhà đầu tư đã lỡ sóng ngân hàng vừa qua có thể xem xét giải ngân dần vào các nhóm cổ phiếu đang có thông tin hỗ trợ nhưng chưa tăng mạnh, bao gồm nhóm cố phiếu bất động sản (hưởng lợi từ Luật Đất đai sửa đổi được thông qua) và nhóm cổ phiếu chứng khoán (bức tranh kết quả kinh doanh quý IV tích cực)./.

Nhiều kỳ vọng vào "cổ chứng" năm 2024

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 6 công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý IV/2023, chủ yếu tại ...

Các ngân hàng niêm yết sẽ bị ảnh hưởng ra sao nếu Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực?

Ngày 18/1, 91,28% đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Nhận định chứng khoán phiên 22/1: Kịch bản tích cực được nhiều công ty chứng khoán ủng hộ

Đánh giá thị trường tuần mới, các công ty chứng khoán có cùng góc nhìn về việc VN-Index nhiều khả năng tiếp tục tăng tốt ...

Nguyễn Hoàng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán