Nhà đầu tư Fn và chiến thuật đầu tư ngắn hạn - bảo toàn lợi nhuận trong tháng 8

(Banker.vn) Với thị trường chứng khoán giai đoạn này, nhà đầu tư có thể mở các trạng thái mua đầu cơ ngắn hạn do thị trường hồi phục trong bối cảnh triển vọng kinh tế vĩ mô nửa cuối năm dự kiến không tốt do hậu quả của làn sóng COVID-19 thứ 4.

Dẫn nguồn tinnhanhchungkhoan,vn, thị trường chứng khoán vừa có nhịp hồi phục khá tích cực. Tính đến 5/8/2021, chỉ số VN-Index đã có chuỗi 10 phiên tăng điểm liên tục. Thanh khoản có phần cải thiện về cuối tuần, giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE phiên 5/8 đạt 17.400 tỷ đồng cho thấy nhà đầu tư đã mạnh dạn hơn trong giao dịch.

Thông tin kết quả kinh doanh quý II cũng như nửa đầu năm 2021 đang được các doanh nghiệp dồn dập công bố trong đó có nhiều doanh nghiệp báo cáo những khoản lãi cao, cộng với việc số ca nhiễm mới thống kê theo ngày của cả nước không có chiều hướng đi lên đã giúp tâm lý nhà đầu tư nhẹ nhõm hơn. Theo đó, dòng tiền đang luân chuyển khá nhanh qua các nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, thép, phân bón, cảng biển, logistic… thay vì tập trung vào nhóm “bank - chứng - thép” như giai đoạn 6 tháng đầu năm.

Nhà đầu tư Đ.M.Trí (TP. HCM) cho biết, từ ngày 26/7/2021, khi nhận thấy dịch bệnh có phần chững nhẹ và tín hiệu kỹ thuật cho thấy thị trường sẽ có nhịp hồi tích cực, anh đã quyết định mua vào 4 mã cổ phiếu SSI, VND, SHS, VCI.

Anh Trí ưu tiên chọn cổ phiếu đầu ngành vì đây luôn là các cổ phiếu hưởng lợi đầu tiên khi thị trường tăng điểm.

Cổ phiếu nào đạt mức tăng hơn 10% là anh chốt lãi, chiến thuật này đã mang lại khoản lời 15% giá trị tài khoản trong 2 tuần qua. Thực tế, giai đoạn từ ngày 26/7 /2021 - 5/8/2021, cổ phiếu SSI đã tăng 13,64%, SHS tăng 13,21%, VND tăng 22,78%, VCI tăng 17,72%.

Tương tự, nhà đầu tư T.Phong cho biết, giai đoạn này, nhà đầu tư có thể mở các trạng thái mua đầu cơ ngắn hạn do thị trường hồi phục trong bối cảnh triển vọng kinh tế vĩ mô nửa cuối năm dự kiến không tốt do hậu quả của làn sóng COVID-19 thứ 4 và chính sự khác biệt giữa thực trạng kinh tế vĩ mô với diễn biến thị trường chứng khoán khiến các rủi ro đầu tư lâu dài trên thị trường gia tăng mạnh so với nửa đầu năm.

Ngoài ra, mặt bằng giá cổ phiếu dù có điều chỉnh 10 - 20% từ đỉnh nhưng vẫn chưa đủ rẻ để mở các vị thế đầu tư lâu dài.

Về chiến lược đầu cơ ngắn hạn, nhà đầu tư này cho rằng, nên chốt lời khi cổ phiếu tăng giá từ 5 - 15% và cắt lỗ khi giảm 5 - 7%, lệnh mua bán phải nhanh, dứt khoát.

Anh Phong đã chia sẻ trong cộng đồng nhà đầu tư của mình các cơ hội trading, chẳng hạn bộ ba hàng thị giá cao là VIC, NVL, VCS đang có nhiều dấu hiệu cho thấy đã tích lũy bình ổn xong và chuẩn bị cho một sóng tăng mới.

Thực tế, việc bình tĩnh hơn trong đầu tư vẫn là tâm lý chung của thị trường lúc này. Một số nhà đầu tư lâu năm và môi giới kỳ cựu đều bày tỏ quan điểm rằng nhà đầu tư vẫn phải ưu tiên quản trị rủi ro, hạn chế vào các mã penny bị “lái giá” quá mạnh.

Danh mục đầu tư cũng chỉ nên có khoảng 4 - 5 mã cổ phiếu để tối ưu hoá đồng vốn. Nhà đầu tư không nên cho rằng doanh nghiệp A miễn nhiễm với thị trường, doanh nghiệp B tăng trưởng bất chấp đại dịch… để rồi có hành động giải ngân chủ quan.

Hầu hết khuyến nghị của giới chuyên gia đưa ra lúc này là ưu tiên các cổ phiếu có động lực mạnh nhất thị trường trong danh mục. Đó là nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý II/2021 tăng trưởng mạnh và hưởng lợi từ câu chuyện giá hàng hóa đi lên.

Phân bón hiện đang là một trong những nhóm cổ phiếu hội tụ cả 2 yếu tố này. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID-19 khiến nguồn cung phân bón giảm, trong khi nhu cầu phân bón cho nông nghiệp gia tăng đã đẩy giá phân bón tăng cao. Nhờ vậy, hầu hết các doanh nghiệp ngành này đều báo lãi tốt trong 6 tháng đầu năm.

Giá phân bón dự báo sẽ tiếp tục neo cao cho đến cuối năm trở thành điểm tích cực cho nhóm cổ phiếu ngành như DPM, DDV, LAS, BFC… tăng giá tốt.

Quân Vương

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán