VN-Index ghi nhận 1 tuần giao dịch đi ngang với biên độ thấp, trạng thái phân hóa xuất hiện trên hầu hết các nhóm ngành. Nổi bật có nhóm chứng khoán và dầu khí đạt mức tăng tích cực. Thanh khoản cũng không có sự đột biến và biến động quá nhiều, thể hiện phần nào tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vào những phiên giao dịch trước tết. Đây cũng là nguyên nhân khiến VN-Index không có động lực để có thể vươn lên các vùng điểm cao phía trên.
Tính chung cả tuần, VN-Index tăng 8,73 điểm (+0,83%) so với tuần trước lên 1.060,17 điểm. Bối cảnh đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước chuyển mua ròng 1.404 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 2.633 tỷ đồng.
Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng bên bán với 15/18 nhóm ngành bị bán ròng. Xu hướng này kéo dài trong khoảng 2 tháng gần đây. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục bán ròng mạnh nhất cổ phiếu ngân hàng với giá trị lên tới 1.134 tỷ đồng.
Theo thống kê của của FiinTrade, nhóm cổ phiếu nhà băng có một tuần giao dịch phân hóa với mức tăng toàn ngành là 1,32% với tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành giảm từ 23,23% xuống 22,36%, dẫn đầu toàn thị trường.
Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 410 tỷ đồng ở nhóm bất động sản, trước khi rút ròng cổ phiếu dịch vụ tài chính (336 tỷ đồng), bất động sản (335 tỷ đồng), …
Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán có tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành tăng lên 13,78% toàn thị trường, chỉ số giá tăng 1,88%. Nhóm cổ phiếu tăng mạnh trong tuần gồm PHS, IVS, VCI, TCI, CTS, VND, HAC, VIX, APS, HCM, tất cả đều tăng trên 2,9%.
Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm chứng khoán tăng trong tuần chỉ số giá tăng cho thấy có cầu vào nhóm này. Chỉ số dòng tiền của nhóm này tăng nhẹ và ở vùng cao 1 năm cho thấy so với thị trường chung nhóm này giao dịch mạnh hơn thị trường.
Chiều ngược lại, cổ phiếu ngành hóa chất tiếp tục dẫn đầu danh mục giải ngân với 143 tỷ đồng, giảm 44% so với tuần đầu năm. Tương tự, nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp và bán lẻ cũng được gom ròng với giá trị lần lượt là 67 tỷ đồng và 1,3 tỷ đồng.
Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện HPG của ngành thép với 403,2 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu thuộc top 7 ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index với mức đóng góp là 1,78 điểm. Giao dịch của các cá nhân trong nước đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài, khối tự doanh và tổ chức trong nước.
Theo báo cáo cập nhật mới đây, SSI Research dự báo, Tập đoàn Hòa Phát sẽ lỗ hơn 200 tỷ đồng trong quý IV/2022, giảm mạnh so với mức lãi 7.400 tỷ đồng so với cùng kỳ. Năm 2023, lợi nhuận của công ty có thể phục hồi 7% nhờ giá thép ổn định và chi phí đầu vào giảm (đặc biệt là giá than).
Đồng thuận với giao dịch cổ phiếu của HPG, CTG của Vietinbank cũng bị bán ròng với giá trị 216,7 tỷ đồng.
Tương tự, một số cổ phiếu tài chính, ngân hàng khác cũng nằm trong top bán ròng, như STB, VPB, MBB, VCI với giá trị 115 - 205 tỷ đồng. Nằm ngoài top 10 còn có VIB, ACB, SSI, VND, VCB, HCM, MSB, TCB với quy mô dưới 100 tỷ đồng.
Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như VNM (162,5 tỷ đồng), VHM (141,9 tỷ đồng), VIC (117,8 tỷ đồng), PVD (111,6 tỷ đồng), …
Chiều ngược lại, lực cầu yếu thế nên không mã nào được rót ròng trên 100 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần qua. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 79,9 tỷ đồng cổ phiếu DGC, trái ngược so với lực xả từ phía tổ chức trong nước (21,7 tỷ đồng) và khối ngoại (58,2 tỷ đồng).
Cùng chiều, một số đại diện khác của nhóm hóa chất cũng được mua ròng là DCM (50,4 tỷ đồng), DPM (15,4 tỷ đồng).
Tương tự một số cổ phiếu bất động sản cũng nằm trong danh mục mua ròng như NLG (46,8 tỷ đồng), DIG (24,6 tỷ đồng), DXS (9,5 tỷ đồng), …Danh mục giải ngân của cá nhân trong nước còn gọi tên MSN, REE, KDC, FRT, PVT, …với quy mô dưới 40 tỷ đồng.
Thanh Tùng
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|