Nhà băng nào dẫn đầu cuộc đua bán bảo hiểm tại Việt Nam?

(Banker.vn) Làn sóng hợp tác giữa ngân hàng và các công ty bảo hiểm đã diễn ra từ lâu, thuật ngữ "bancassurance" cũng âm thầm xuất hiện thêm trong danh mục nghiệp vụ của ngân hàng, và đến nay đã trở thành nguồn thu nhập thường xuyên mang giá trị rất lớn, góp phần vào sự phát triển lớn mạnh của các nhà băng.
Nhà băng nào dẫn đầu cuộc đua bán bảo hiểm tại Việt Nam?
MBBank sở hữu hai công ty bảo hiểm tiếng tăm là Tổng công ty Bảo hiểm Quân Đội (MIC) và MB Ageas Life - công ty bảo hiểm nhân thọ thuộc top đầu Việt Nam.

Sau khi kết thúc mùa báo cáo tài chính quý năm 2022, cuộc đua bán chéo bảo hiểm đã có kết quả chung cuộc. Theo đó, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) là đơn vị dẫn đầu về doanh thu kinh doanh và dịch vụ hợp tác bảo hiểm trong năm 2022 với 10.184 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước, chiếm đến 71,5% tổng doanh thu từ mảng dịch vụ.

Trong hệ sinh thái của mình, MBBank sở hữu hai công ty bảo hiểm tiếng tăm là Tổng công ty Bảo hiểm Quân Đội (MIC) và MB Ageas Life - công ty bảo hiểm nhân thọ thuộc top đầu Việt Nam. Đây là hai "con gà đẻ trứng vàng" của MBBank, là động lực đưa nhà băng này lên vị trí top 1 về doanh thu bảo hiểm toàn ngành.

Tuy nhiên, điểm kém sáng của MBBank là lãi thuần nhận về từ mảng kinh doanh bảo hiểm lại có chiều hướng sụt giảm trong năm vừa qua, bởi mức tăng của chi phí liên quan vượt trội hơn doanh thu, tăng đến 34% so với năm 2021 lên 5.940 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng vì đó cũng chịu ảnh hưởng, kết quả giảm 5% cùng kỳ, về mức 4.135 tỷ đồng.

Xếp vị trí thứ hai, xét theo giá trị tuyệt đối là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Năm 2022, VPBank ghi nhận 3.353 tỷ đồng thu từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, tăng 42% so với cùng kỳ, là nhân tố đóng góp 32% tổng doanh thu hoạt động dịch vụ.

Mặc dù doanh thu bảo hiểm thấp hơn đáng kể so với MBBank, thế nhưng tỷ suất lợi nhuận mảng này của VPBank lại đạt hiệu quả nhất, nhờ việc tối ưu chi phí dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng chỉ việc bỏ ra 57 tỷ đồng, thậm chí năm 2021 còn không mất đồng nào cho chi phí này. Từ đó, lãi thuần của VPBank chứng kiến tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng trong năm 2022, đạt 6.437 tỷ đồng, cao hơn 59% so với kết quả thực hiện năm trước đó.

Nhà băng nào dẫn đầu cuộc đua bán bảo hiểm tại Việt Nam?
MB Ageas Life được ví như "con gà đẻ trứng vàng" của MBBank.

Trên thị trường bảo hiểm, VPBank là đối tác thân cận nhất của Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ AIA, là kênh phân phối bảo hiểm độc quyền của AIA với thời hạn hợp đồng lên tới 19 năm.

Bắt đầu từ năm ngoái, VPBank còn chuyển đổi mô hình bán hàng từ giới thiệu khách hàng sang mô hình bán trực tiếp. Đặc biệt, VPBank cũng hoàn tất thương vụ thâu tóm Công ty Bảo hiểm OPES, chính thức sáp nhập với ngân hàng mẹ sau 4 năm duy trì ở ngưỡng sở hữu 11%.

Với những thành tích thể hiện trong báo cáo cuối năm 2022, việc vận hành và triển khai mô hình mới, cũng như việc hợp nhất kết quả kinh doanh của OPES là bước tiến đầy triển vọng của VPBank trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Năm 2022, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) là nhà băng có doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm cao thứ 3 trong hệ thống, đạt hơn 1.750 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước. Techcombank không tách bạch riêng khoản thu nhập từ bảo hiểm, chỉ công bố thu nhập từ hoạt động dịch vụ nhận được năm 2022 là 8.527 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước.

Trong quá khứ, từ khi làn sóng hợp tác giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm nở rộ, Techcombank đã luôn chiếm một chỗ đứng trang trọng trên thị trường bancassurance Việt Nam, thuộc lớp ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực còn khá mới mẻ này.

Năm 2006, cú bắt tay giữa Techcombank và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Bảo Việt đánh dấu bước phát triển quan trọng của bancassurance tại Việt Nam. Giới quan sát cho rằng, sự ra đời của hai sản phẩm "Tài khoản tiết kiệm giáo dục" và "Bảo hiểm tín dụng cho nhà mới và ô tô xịn" được xem là bước ngoặt có ý nghĩa đối với hướng phát triển dịch vụ của ngành ngân hàng và bảo hiểm trong nước.

Tiếp đó, năm 2013, Techcombank đã liên kết với Manulife dưới hình thức phi độc quyền. Sang năm 2017, Techcombank chính thức ký hợp đồng độc quyền với Manulife kéo dài 15 năm - đây là mối quan hệ hợp tác đầu tiên được phát triển nâng tầm từ phi độc quyền sang độc quyền tại Việt Nam sau 4 năm hợp tác, cho phép Manulife Việt Nam cung cấp các giải pháp bảo hiểm nhân thọ tới tất cả khách hàng của Techcombank.

Đến nay, bên cạnh Techcombank, Manulife Việt Nam cũng đang là nhà cung cấp bảo hiểm độc quyền tại hai ngân hàng khác là VietinBank và SCB.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản về tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động trên thị trường bảo hiểm.

Công văn nêu rõ qua phản ảnh của báo chí, thời gian qua vẫn có tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn.

Về việc này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp tục yêu cầu Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm.

Tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm, bao gồm cả các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm. Không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn, hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết trái với quy định pháp luật liên quan.

Tổ chức công bố đường dây nóng (số điện thoại, email) để tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân và doanh nghiệp về các sản phẩm bảo hiểm biến tướng nêu trên.

Phân công cán bộ trực 24/7 và kịp thời kiểm tra xác minh thông tin để có biện pháp thanh tra, phối hợp với cơ quan công an và thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, phối hợp với cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng nhân viên ép buộc khách hàng mua bảo hiểm.

Tiến hành rà soát và báo cáo đánh giá rủi ro tình hình thị trường bảo hiểm Việt Nam, có đánh giá về thực trạng số lượng, hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, tái bảo hiểm so với quy mô thị trường và đặc biệt là việc tuân thủ các quy định trong hoạt động huy động, đầu tư vốn (nếu có) của các doanh nghiệp bảo hiểm tại một số lĩnh vực có hệ số rủi ro cao.

Cùng với đó, bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm khẩn trương thực hiện và kịp thời báo cáo lãnh đạo bộ kết quả triển khai.

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán