Nguyên nhân xe máy bị chảy xăng và cách khắc phục hiệu quả

(Banker.vn) Phương tiện di chuyển, phục vụ công việc chủ yếu hiện nay của con người là xe máy. Chiếc xe sử dụng theo thời gian sẽ gặp phải một số bệnh và hay hỏng hóc là chuyện đương nhiên. Bạn thấy xe bị chảy xăng nhỏ giọt, gây hao xăng và có mùi xăng khó chịu khi để trong nhà không? Cùng tìm hiểu nguyên nhân xe bị chảy xăng sau đây và cách khắc phục.

Điểm mặt loạt xe máy 50cc nhà Honda giá cực tốt, phù hợp học sinh cấp 3

Lựa chọn mua xe máy Honda SH Mode hay VinFast Vento trong tầm giá 60 triệu?

Hiện tượng xe bị chảy xăng là gì?

Một ngày không đẹp trời lắm, bạn thấy xe máy của mình có hiện tượng xăng chảy nhỏ giọt, rỉ ra ngoài tại đường ống dẫn xăng. Dấu hiệu nhận biết rõ nhất là khi dựng xe thì xăng sẽ nhỏ giọt tại ống xả tạo nên những mảng xăng loang lổ trên sàn nhà, tạo ra mùi xăng khó chịu.

Nếu chiếc xe của bạn có hiện tượng này cần tiến hành kiểm tra bình xăng con, phao xăng hoặc pontu...để kịp thời khắc phục và bảo dưỡng những bộ phận cần thiết tránh để lâu sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng vận hành của xe.

Nguyên nhân xe máy bị chảy xăng và cách khắc phục hiệu quả
Nguyên nhân xe máy bị chảy xăng và cách khắc phục hiệu quả

Nguyên nhân và cách khắc phục xe bị chảy xăng

- Pontu và cối xe bị mòn

Nguyên nhân đầu tiên khiến xe bị chảy xăng là pontu và cối bị mòn. Vậy nên, việc đầu tiên cần làm là kiểm tra pontu và cối xe. Nếu thấy pontu và cối bị mòn thì chắc chắn phải thay mới toàn bộ.

Pontu và cối không quá đắt và nó được bán ở tất cả các cửa hàng phụ tùng xe máy nên bạn hoàn toàn có thể mua, thay thế nhanh chóng để khắc phục tình trạng xe chảy xăng.

- Bình xăng con bị đóng cặn

Một trong những nguyên nhân có thể khiến xe bị chảy xăng chính là bình xăng con bị đóng cặn vì sử dụng lâu ngày mà không được vệ sinh.

Theo thời gian, những cặn sét ở bình xăng chính sẽ đi xuống bình xăng con theo dòng chảy của xăng, dẫn đến hở pontu, pontu không kín sẽ khiến xe bị chảy xăng. Cách khắc phục xe bị chảy xăng trong trường hợp này là cần lọc bỏ những cặn sét đóng ở bình xăng con bằng cách thải một ít xăng dư để đẩy bụi cặn ra ngoài.

- Phao xăng bị kẹt

Kẹt phao xăng cũng là nguyên nhân khiến xe máy bị chảy xăng, có 2 lý do khiến phao xăng bị kẹt là phao bị lắc hoặc siết quá chặt gây kẹt phao dẫn đến chảy xăng ra ngoài.

Ngoài ra, khi bạn thay bình xăng con mới, lắp vào chưa có xăng và lúc xăng bắt đầu chảy vào sẽ khiến cho phao bị nổi đột ngột, không khớp với nhau. Điều này sẽ làm cho pontu không kín dẫn đến xăng chảy ra ngoài. Lúc này bạn chỉ cần gõ nhẹ lên chén xăng là có thể giải quyết vấn đề này ngay.

Ngoài ra, phao xăng bị lỗi hoặc bị xăng chảy vào phao cũng dẫn đến tình trạng xe bị chảy xăng. Lúc này, bạn cần phải thay phao mới cho xe nhé, giá phao xăng trong khoảng từ 30 đến 50 nghìn đồng tuỳ thuộc vào bình xăng con của xe.

- Sử dụng xăng kém chất lượng

Sử dụng xăng kém chất lượng cũng là nguyên nhân dẫn đến đầu cao su của pontu teo lại hoặc biến dạng khiến cho hệ thống bị hở dẫn đến tình trạng chảy xăng, hoặc pontu bị phù chặn dòng chảy của đường xăng.

Để khắc phục vấn đề này cần phải thay pontu mới đồng thời loại bỏ hết lượng xăng kém chất lượng. Cuối cùng, bạn kiểm tra lại bình xăng con là ổn nhé.

Chế hoà khí xe máy bị chảy xăng phải làm sao?

Nếu phát hiện chế hoà khí xe máy bị chảy xăng, bạn cần dựng đứng xe lên bằng chân chống giữa rồi lấy vật cứng gõ vào chén xăng của chế hoà khí. Hành động này nhằm để đẩy những hạt cát hoặc đất bám ở bình xăng con ra ngoài.

Sau khi làm xong mà xăng vẫn còn chảy, hãy khoá xăng lại, bật công tắc và nổ máy. Để máy nổ đến khi hết lượng xăng ở chén xăng xe sẽ tự tắt máy.

Khi xe đã tắt máy, mở khoá xăng, điều này sẽ giúp những hạt cát bụi bẩn bám ở pontu sẽ theo dòng chảy của xăng ra ngoài, pontu sẽ được khép kín khắc phục tình trạng chế hoà khí xe bị chảy xăng.

Như vậy chúng ta đã cùng tìm hiểu xong vấn đề xe bị chảy xăng, qua bài viết này bạn sẽ không còn bỡ ngỡ khi thấy xe của mình bị chảy xăng nhưng không biết nên làm gì. Hy vọng những thông tin nhỏ ở bài viết sẽ giúp bạn hiểu thêm về bệnh của xe cũng như có biện pháp khắc phục hiệu quả.

Nguyên Thảo

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục