Nguyên nhân nhiều hãng xe Nhật Bản dừng sản xuất tại Thái Lan

(Banker.vn) Chỉ trong hơn 1 tháng, 2 hãng xe Nhật Bản liên tiếp tuyên bố cắt giảm sản lượng tại Thái Lan. Suzuki cũng có quyết định dừng sản xuất ở đất nước này.
Hỗ trợ nhà cung cấp ngoài hệ thống, Toyota đóng góp cho sự phát triển ngành ô tô Nóng: 5 nhà sản xuất ô tô, xe máy Nhật Bản bất ngờ thừa nhận gian lận kiểm tra an toàn Có dưới nửa tỷ đồng mua được ô tô giá phải chăng nào?

Mới đây, tờ Bangkok Post cho biết hãng xe Nhật Bản Honda đã ngừng lắp ráp ô tô tại nhà máy Ayutthaya ở Thái Lan. Hãng xe Nhật Bản này sẽ chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất sang nhà máy ở tỉnh Prachinburi nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực xe điện.

Nhà máy Honda sau khi bị ngập lụt hồi năm 2011
Nhà máy sản xuất Honda Ayutthaya sau khi bị ngập lụt hồi năm 2011. Ảnh: Bangkok Post.

Quyết định kể trên thể hiện nỗ lực của Honda trong việc giải quyết tình trạng dư thừa công suất và tập trung vào điện khí hóa phương tiện, xu hướng đang được ưa chuộng tại Thái Lan. Sự gia tăng của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc cũng trở thành động lực thúc đẩy thương hiệu xe Nhật Bản đưa ra quyết định này.

Các nhà máy của Honda tại Thái Lan hiện đủ khả năng sản xuất lên đến 270.000 xe mỗi năm. Tuy nhiên, trong năm 2023, sản lượng thực tế chỉ đạt khoảng 150.000 xe, giảm nhiều so với mức tối đa.

Bên cạnh đó, đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc như BYD và sự sụt giảm xuất khẩu từ Thái Lan sang Ấn Độ, Honda đã phải điều chỉnh chiến lược sản xuất của mình.

Phát ngôn viên của Honda cho biết: "Thị trường ô tô Thái Lan không tăng trưởng như chúng tôi kỳ vọng. Chúng tôi hy vọng sẽ tập trung hơn vào các mẫu xe điện khí hóa, bao gồm xe điện và hybrid, để làm cho quá trình sản xuất hiệu quả hơn".

Ông Surapong Paisitpatanapong, phó Chủ tịch FTI và phát ngôn viên của hiệp hội ngành công nghiệp xe hơi Thái lan chia sẻ: "Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang thay đổi ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu, buộc các hãng xe Nhật Bản phải đối đầu một cách cạnh tranh".

Kể từ năm 2025, dây chuyền sản xuất tại nhà máy Ayutthaya sẽ ngừng hoạt động và cơ sở này sẽ được đổi mới để chuyển sang sản xuất các linh kiện phụ tùng, phù hợp với sự điều chỉnh chiến lược sản xuất của hãng.

Nhà máy tại tỉnh Prachinburi của Honda được xây dựng sau sự cố ngập lụt tại nhà máy Ayutthaya vào năm 2011. Cơ sở này đang là một trong hai cơ sở sản xuất chính của hãng tại Thái Lan, xuất xưởng các dòng xe Civic, Accord, CR-V, HR-V và City. Chúng có phiên bản động cơ xăng và hybrid để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Đáng chú ý, Honda không phải là hãng xe Nhật Bản duy nhất có động thái cắt giảm sản lượng tại Thái Lan trong năm nay. Cuối tháng 5 năm nay, Tập Đoàn Tan Chong Quốc Tế (TCIL) – Tập đoàn mẹ của Tập đoàn Motor Image cùng với Tập đoàn Subaru Nhật Bản đã cùng chính thức đưa ra thông báo về định hướng kinh doanh mới tại Việt Nam.

Cụ thể, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, TCIL và Tập đoàn Subaru đã cùng quyết định kế hoạch chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh hiện tại, bằng việc giảm dần cho đến khi ngừng hẳn hoạt động lắp ráp xe Subaru tại Thái Lan hiện đã dần không còn phù hợp cho định hướng phát triển dài hạn.

Từ năm 2025 trở đi, các thị trường đang phân phối sản phẩm xe lắp ráp tại Thái Lan: gồm Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Campuchia sẽ chuyển sang mô hình kinh doanh xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản.

Subaru sẽ được phân phối tại Việt Nam dưới dạng nhập khẩu từ Nhật Bản trong tương lai.
Subaru sẽ được phân phối tại Việt Nam dưới dạng nhập khẩu từ Nhật Bản trong tương lai.

Trong khi đó, Suzuki cũng xác nhận sẽ dừng hoạt động sản xuất ô tô và xe tải ở nhà máy đặt tại Thái Lan vào cuối năm 2025 nhằm dồn lực cho xe điện và xe hybrid ở một địa điểm khác. Trước đó, Việt Nam Suzuki từng nhập khẩu nguyên chiếc mẫu xe Ciaz và Swift từ Thái Lan. Nhưng hiện nay, Suzuki Ciaz đã tạm thời không còn trong danh mục sản phẩm của Suzuki tại thị trường trong nước.

Trần Đình

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục