Nguyên nhân nào khiến tiền gửi thanh toán của dân cư sụt giảm trong quý II?

(Banker.vn) Quý II/2022 đánh dấu quý đầu tiên trong 9 tháng gần nhất tiền gửi thanh toán của dân cư tại ngân hàng bị sụt giảm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tiền gửi thanh toán của dân cư tuột mốc 1 triệu tỷ đồng

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước mới cập nhật, thời điểm cuối quý II, số dư tiền gửi thanh toán cá nhân tại hệ thống ngân hàng là 979.115 tỷ đồng, giảm hơn 61.600 tỷ so với cuối quý I/2022. Trước đó, tiền gửi thanh toán đã lần đầu tiên cán mốc 1 triệu tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, quý II/2022 đánh dấu quý đầu tiên trong 9 tháng gần nhất tiền gửi thanh toán của dân cư tại ngân hàng bị sụt giảm. Tính từ năm 2013 đến nay, chỉ có 6/37 quý ghi nhận tiền gửi thanh toán sụt giảm.

Diễn biến này gây không ít bất ngờ, nhất là trong bối cảnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt bùng nổ những năm gần đây giúp tiền gửi thanh toán tại ngân hàng không ngừng tăng mạnh. Chỉ trong 3 năm, số dư loại tiền gửi này đã nhân lên hơn 2,5 lần. Theo đó, không ít ngân hàng đã thiết lập kỷ lục về tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trong năm 2021.

Nguồn tiền gửi này có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động ngân hàng bởi có lãi suất rất thấp, gần như bằng 0. Từ đó, tỷ lệ CASA càng cao, ngân hàng càng có lợi thế tối ưu chi phí vốn, cải thiện biên lãi suất NIM và gia tăng lợi nhuận. Ngược lại, tỷ lệ CASA sụt giảm sẽ gây áp lực lên NIM của ngân hàng.

Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, tỷ lệ CASA tại nhiều ngân hàng bị sụt giảm trong quý II vừa qua. Tại Techcombank, ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ CASA toàn hệ thống cũng đã ghi nhận mức sụt giảm từ mức 50,4% cuối quý I xuống chỉ còn 47,5% vào cuối quý II/2022.

Không riêng Techcombank mà khoảng 2/3 số ngân hàng khác cũng ghi nhận sụt giảm tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong quý II vừa qua. Chẳng hạn tại MSB, tỷ lệ CASA sau khi tăng mạnh từ 35,8% lên 38,3% trong quý 1 thì đến cuối quý 2 lại giảm xuống còn 36,7%.

Hay tại ACB, tỷ lệ CASA tăng nhẹ từ 25,5% lên 25,8% trong quý I/2022 nhưng cũng sụt giảm về 25% vào cuối quý 2/2022.

Ngay cả các ngân hàng lớn vừa áp dụng chính sách miễn phí giao dịch cũng ghi nhận CASA có xu hướng đảo ngược. Như tại Vietcombank tỷ lệ CASA tăng trong quý I (từ 35,7% lên 36,3%) nhưng đến cuối quý II lại sụt giảm xuống còn 35,4%). Trong khi đó, BIDV, VietinBank cũng chỉ duy trì tỷ lệ CASA đi ngang quanh mốc 20% từ đầu năm đến nay…

Nguyên nhân do đâu?

Đối với sự sụt giảm CASA tại các ngân hàng, nhiều nhận định cho rằng khi lãi suất huy động tăng, một phần lượng tiền từ tài khoản thanh toán có thể đã được dịch chuyển vào tài khoản tiết kiệm với kỳ hạn dài hơn để hưởng lãi suất hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, lượng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp và người dân cũng không còn được dồi dào như trước.

Cũng có thể khi nhu cầu tín dụng quá cao trong quý II, trong khi nhiều ngân hàng chưa được nới room, đã khiến người dân, doanh nghiệp buộc phải tận dụng các nguồn tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi tiêu…

Theo lãnh đạo Techcombank, CASA ngân hàng giảm là do xu hướng sau khi hết đại dịch, khách hàng chuyển từ nắm giữ tiền mặt sang đầu tư, sản xuất kinh doanh, đồng thời gia tăng nhu cầu về tiêu dùng cá nhân.

Trước rủi ro lạm phát, nhiều khách hàng có thu nhập cao sẽ chuyển hướng mua bất động sản để tránh giảm giá trị đồng tiền, điều này dẫn đến số dư CASA của khách hàng cá nhân giảm.

Chuyên gia của SSI cũng cho rằng, việc sụt giảm CASA của ngành trong quý II/2022 có thể được giải thích bởi hoạt động kinh tế tiếp tục phục hồi, khi đó khoản tiền nhàn rỗi trước đây sẽ được phân bổ lại cho mục đích sản xuất kinh doanh hoặc mua nhà.

Các chuyên gia của Chứng khoán Yuanta nhận định, hầu hết các ngân hàng đều công bố tỷ lệ CASA thấp hơn trong quý 2/2022 là do tín dụng bị eo hẹp khi các ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng ban đầu. Do đó, các ngân hàng không thể giải ngân, và những người đi vay sẽ phải rút tiền gửi CASA để chi trả hoặc phân bổ vào những kênh đầu tư như bất động sản hay chứng khoán.

Thu Thủy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán