Nguyên nhân nào khiến dòng vốn ngoại đảo chiều?

(Banker.vn) Theo thống kê, từ đầu tháng 4/2023, khối ngoại đã bán ròng với tổng giá trị lên đến hơn 8.700 tỷ đồng trên HoSE. Tính riêng từ đầu tháng 8 đến nay, khối này đã bán ròng gần 1.700 tỷ đồng...

Dòng vốn ngoại đảo chiều có một phần nguyên nhân đến từ việc các quỹ ETF bị rút vốn mạnh thời gian qua, đặc biệt là Fubon ETF. Quỹ ngoại đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đã bất ngờ bị rút vốn 3 tháng liên tiếp với giá trị tăng dần. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, quỹ đã bị rút ròng 28,5 triệu USD (~680 tỷ đồng). Kể từ khi rót vốn vào thị trường Việt Nam từ tháng 3/2021, Fubon ETF chưa bao giờ trải qua giai đoạn bị rút vốn mạnh như hiện nay.

Nguyên nhân nào khiến dòng vốn ngoại đảo chiều?
Ảnh minh họa

Tương tự, 2 ETF nội lớn nhất thị trường là DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF với NAV lần lượt 19.800 tỷ đồng và 8.000 tỷ đồng, cũng đều bị rút vốn mạnh kể từ đầu tháng 8. Quỹ mô phỏng chỉ số VNDiamond bị rút ròng 380 tỷ từ đầu tháng 8 và 630 tỷ đồng luỹ kế từ đầu năm, trong khi con số này với quỹ mô phỏng VN30 lần lượt là 670 tỷ đồng và 770 tỷ đồng.

Việc bộ đôi ETF của DCVFM bị rút vốn mạnh thời gian gần đây phần nào đó đến từ việc nhà đầu tư Thái Lan giảm sở hữu qua kênh chứng chỉ lưu ký (DR). Lượng DR dựa trên chứng chỉ quỹ FUEVFVND của DCVFM VNDiamond ETF đã giảm gần 7 triệu đơn vị từ đầu tháng 8 và hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng hơn 2 tháng.

Tương tự, lượng DR dựa trên chứng chỉ quỹ E1VFVN30 của DCVFM VN30 ETF cũng giảm gần 7 triệu đơn vị từ đầu tháng 8 và hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 tháng, kể từ giữa tháng 10 năm ngoái.

Như vậy, 3 quỹ ETF hàng đầu thị trường với tổng quy mô danh mục lên đến gần 50.000 tỷ (~2 tỷ USD) đã bị rút ròng hơn 1.700 tỷ đồng từ đầu tháng 8. Nói cách khác, chỉ trong khoảng 3 tuần trở lại đây, hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam đã bị 3 quỹ này bán ra.

Các chuyên gia đánh giá, tỷ giá "nóng" lên là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến dòng vốn qua các quỹ ETF. Tỷ giá tăng nhanh khiến các khoản đầu tư bằng VND nếu quy đổi thành USD "vô tình" bị lỗ và điều này có thể ảnh hưởng đến dòng tiền ngoại đổ vào chứng khoán Việt Nam qua các quỹ đầu tư.

Theo nhận định của các chuyên gia, tỷ giá sẽ gặp khá nhiều áp lực trong giai đoạn cuối năm do chênh lệch lãi suất VND và USD. Nhiều dự báo cho rằng, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngừng tăng lãi suất những tháng cuối năm, song xu hướng thắt chặt vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt rõ ràng khi chỉ số lạm phát của Mỹ tăng nhẹ trở lại.

"Đây là mức chênh lệch lớn và khó có khả năng thu hẹp trong tương lai gần, cộng thêm nhu cầu USD cũng thường gia tăng vào cuối năm theo yếu tố mùa vụ khiến cho tỷ giá VND/USD có thể sẽ tăng tiếp trong thời gian tới", ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS nhận định.

Bên cạnh đó, định giá thị trường cũng là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn đổ vào chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF. Nhịp tăng kéo dài từ gần 4 tháng qua đã đẩy P/E của VN-Index lên mức 13,x - tương đương với trung bình 5 năm và cao hơn nhiều so với vùng đáy trước đó. Rất nhiều cổ phiếu cũng đã tăng mạnh khiến định giá không còn quá hấp dẫn và trở thành rào cản thu hút dòng tiền.

Thị trường chứng khoán ngày 24/8/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Thanh khoản "èo uột", thị trường khó phục hồi; Khối ngoại tiếp đà bán ròng tương đối nhẹ phiên 23/8; BCG Land được cấp mã ...

Chứng khoán VIX muốn điều chỉnh tăng 70% kế hoạch lợi nhuận 2023

Công ty CP Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) thông qua kế hoạch lấy ý kiến cổ đông và điều chỉnh nâng kế hoạch kinh doanh ...

Các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ngày 24/8/2023

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả tổng hợp các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán