Nguyên nhân nào khiến CASA hầu hết ngân hàng sụt giảm mạnh trong quý IV/2022?

(Banker.vn) Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn tăng và đồng thời các kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản, vàng) xu hướng xuống trong thời gian qua là nguyên nhân khiến lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của hầu hết ngân hàng sụt giảm mạnh khi nhiều người chọn gửi tiền vào ngân hàng có kỳ hạn hưởng lãi cao.

Tuy đã cố gắng để cải thiện CASA trong bối cảnh áp lực chi phí tăng, biên lãi ròng (NIM) thu hẹp, song việc cải thiện tỷ lệ CASA của các ngân hàng lại đang gặp khá nhiều khó khăn sau khi bị giảm mạnh trong nửa cuối năm qua, nhất là ở quý IV/2022.

Nguyên nhân nào khiến CASA hầu hết ngân hàng sụt giảm mạnh trong quý IV/2022?
MB soán ngôi Techcombank trở thành quán quân về tỷ lệ CASA đầu ngành.

Do mặt bằng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng tăng kịch trần 6%/năm và kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm tăng lên 9-9,5%/năm. Còn kỳ hạn tiền gửi dài trên 1 năm, lãi suất tiết kiệm tiền đồng được nhiều nhà băng niêm yết trên 9,5%-10,5%/năm...

Vì thế, không chỉ những ngân hàng nhỏ mà ngay cả những ngân hàng đứng đầu về CASA cũng ghi nhận xu hướng giảm trong năm 2022. Ngay cả Techcombank và MB đều bị sụt giảm tỷ lệ CASA trong năm vừa qua, tuy nhiên sự sụt giảm mạnh tại Techcombank đã khiến nhà băng này để mất ngôi “vương” sau 2 năm liền.

Bảng xếp hạng về tỷ lệ CASA cũng có sự thay đổi đáng kể. Hiện 5 ngân hàng đứng đầu vẫn là MB, Techcombank, Vietcombank, MSB, ACB. Tuy nhiên, thứ hạng thì có sự xáo trộn. MB đã soán ngôi Techcombank trở thành quán quân về tỷ lệ CASA đầu ngành.

Cụ thể, tiền gửi không kỳ hạn tại Techcombank liên tục giảm kể từ quý II/2022, khiến tỷ lệ CASA của ngân hàng này từ mức kỷ lục 50,5% giảm về còn 37% vào cuối năm 2022.

MB cũng ghi nhận CASA sụt giảm, từ 48,7% vào cuối năm 2021 xuống còn 40,6% cuối năm 2022. Tuy nhiên, mức sụt giảm này nhẹ hơn so Techcombank, giúp MB quay lại vị trí số 1 (ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất) sau nhiều năm bị “vượt mặt”.

Còn nhớ, hồi đầu năm 2022, MSB đã gây không ít bất ngờ khi là ngân hàng tầm trung duy nhất góp mặt vào top 5, không những thế còn nhỉnh hơn Vietcombank một chút về tỷ lệ CASA khi đạt 35,8%. Thế nhưng, cú sụt giảm mạnh trong quý IV/2022 đã khiến CASA của MSB tụt xuống còn 31,2%, đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng.

Còn tỷ lệ CASA của Vietcombank duy trì tốt hơn trong năm qua, chỉ giảm nhẹ từ 35,7% xuống 33,9%. Bởi ngân hàng này đã áp dụng miễn toàn bộ dịch vụ trên ngân hàng số từ đầu năm 2022, được xem là chính sách quan trọng giúp Vietcombank có thể duy trì tỷ lệ CASA ổn định năm qua, bất chấp thị trường nhiều biến động. Xét về quy mô, số dư tiền gửi không kỳ hạn tại Vietcombank vẫn là cao nhất thị trường.

ACB tiếp tục đứng vị trí 5 với tỷ lệ CASA cuối năm 2022 đạt 22,2%, song vẫn giảm so với 25,4% cuối năm 2021. Kế đến là những ngân hàng có tỷ lệ CASA (tính đến cuối năm) cao xếp sau các nhà băng trên như: VietinBank: 20%; Sacombank: 19,2%: BIDV: 18,8%; TPBank: 18%; VPBank: 17,7%.

Tuy nhiên, nếu so với cuối năm trước thì tỷ lệ CASA của các ngân hàng này đều có sự sụt giảm. Trước đó, kết thúc năm 2021, Casa của VietinBank: 19,9%; Sacombank: 22,6%: BIDV: 19,4%; TPBank: 23,3%; VPBank: 22,3%.

Nhưng nhìn chung, so với khối ngân hàng cổ phần tư nhân thì các ngân hàng quốc doanh như: Vietcombank, VietinBank, BIDV duy trì CASA khá ổn định trong năm qua, số dư CASA cuối năm 2022 tăng so với cuối năm 2021. Kết quả này có được phần lớn nhờ việc đẩy mạnh đầu tư cho ngân hàng số và miễn phí dịch vụ.

Thêm vào đó, uy tín thương hiệu của ngân hàng có vốn sở hữu của Nhà nước cũng giúp những nhà băng này hấp dẫn người gửi tiền trong năm 2022 đầy biến động.

Đan Chi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán