Nguyên liệu điều không thiếu, doanh nghiệp cần thận trọng khi mua vào giá cao

(Banker.vn) Đơn hàng xuất khẩu kém sôi động, nguồn cung nguyên liệu điều dồi dào, giá điều thô nhập khẩu vẫn ở mức cao, doanh nghiệp nhập khẩu cần thận trọng khi mua vào.
Đạ Tẻh - Lâm Đồng: Liên kết xây dựng vùng nguyên liệu điều hữu cơ Thiếu nguyên liệu điều trầm trọng

Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 1,73 triệu tấn điều thô với giá bình quân 1.180 USD/tấn. Năm 2021, nhập khẩu điều thô tăng kỷ lục lên đến 3,15 triệu tấn, giá trung bình 1.390 USD/tấn.

Đến năm 2022, nhập khẩu điều thô giảm lại, chỉ còn hơn 2,07 triệu tấn nhưng giá vẫn ở mức cao 1.355 USD/tấn, có thời điểm lên đến 1.400 USD/tấn. Cộng thêm các chi phí như nhân công, vật tư, bao bì, điện... đều tăng đã đẩy giá thành điều thô lên cao.

xuất khẩu điều
Giá điều thô nhập khẩu vẫn ở mức cao

Trong khi đó, giá bán nhân điều lại giảm. Đơn cử, giá điều nhân mã W320 năm 2022 trung bình ở mức 2,7 - 2,9 USD/lbs (0,45kg), nhưng hiện nay chỉ còn 2,62 USD/lbs.

Với mức giá nhập và giá xuất như hiện nay, ngoại trừ một số doanh nghiệp chuyên về thương mại điều nhân xuất khẩu, hầu hết các doanh nghiệp chế biến thuần gần như không có lãi, phải chật vật ứng phó để tồn tại.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nguyên liệu đầu vào chiếm trên 85% chi phí sản xuất. Nếu tính theo giá điều nhân 2,6 USD/lbs (0,45kg), giá nguyên liệu phải giảm xuống ít nhất 200 USD/tấn so với giá hiện nay thì sản xuất mới hiệu quả.

Trong bối cảnh giá điều thô vẫn ở mức cao. Trong khi đầu ra xuất khẩu kém khả quan. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho hay, xuất khẩu điều của Việt Nam trong tháng 1/2023 đạt xấp xỉ 27,27 nghìn tấn, trị giá 155,8 triệu USD, giảm 41,9% về lượng và giảm 42,1% về trị giá so với tháng 12/2022, so với tháng 1/2022 giảm 31,4% về lượng và giảm 33,8% về trị giá. Tháng 1/2023, giá xuất khẩu bình quân điều của Việt Nam đạt mức 5.714 USD/tấn, giảm 0,3% so với tháng 12/2022 và giảm 3,7% so với tháng 12/2022.

Ông Tạ Quang Huyên - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Sơn 1 - chia sẻ, trong tháng đầu năm nay, tình hình đơn hàng xuất khẩu của công ty sụt giảm khoảng 17 - 18% so với cùng kỳ năm ngoái do hạt điều đang phải cạnh tranh với các loại hạt khác như hạt óc chó, hạnh nhân,...

Ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Điều Long Sơn - nhận định, một số thị trường đang có sự ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... nhưng lượng hạt điều tiêu thụ không nhiều. Trong khi đó, hai thị trường tiêu thụ nhiều hạt điều nhất là MỹEU thì vẫn rất khó khăn.

Trước đây, ngay từ đầu mỗi năm, đa số nhà nhập khẩu lớn Âu - Mỹ đã ký hợp đồng mua điều nhân dài hạn. Nhưng đầu năm 2023, các nhà nhập khẩu chỉ ký hợp đồng mua tới giữa năm, nhưng số lượng hạn chế.

Ngành điều trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức khi các ngân hàng Việt Nam vẫn siết chặt tín dụng và lãi suất vẫn tăng cao, giá điều nhân chưa cải thiện và giá điều thô vẫn chưa hợp lý khiến cho doanh nghiệp nhập khẩu không dám mạo hiểm.

Theo Vinacas, các thống kê cho thấy tổng sản lượng điều thô toàn cầu liên tục tăng trong những năm gần đây. Hiện nay, nguồn cung điều thô toàn cầu đã lên 5 triệu tấn trong khi nhu cầu chỉ khoảng 4 triệu tấn. Với tốc độ gia tăng diện tích như hiện nay ở châu Phi, Campuchia, sản lượng điều thô chẳng mấy chốc tăng lên 6 triệu tấn.

Phân tích từ các nhà thu mua lớn trên thế giới cũng cho thấy lượng điều thô tồn kho hiện vẫn còn khoảng 300.000 tấn.

Vinacas cho rằng, trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp điều Việt Nam đều có thói quen thu mua ồ ạt điều thô vào đầu vụ. Điều này gây ra tình trạng tăng mua, khiến giá điều nhân luôn ở mức cao. Ngoài ra, do áp lực tài chính, điều thô mua về phải đưa vào sản xuất ngay và bán điều nhân ra để thu hồi vốn, từ đó dẫn tới tình trạng tranh bán, khiến giá điều nhân không thể tăng lên.

Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Vinacas cho rằng, cách đầu cơ điều thô như những năm trước đã không còn phù hợp trong thời điểm hiện tại. Do đó, ngành điều cần có chiến lược bài bản cho việc xây dựng và quản trị thương hiệu để phát huy tối đa giá trị của một ngành đứng đầu thế giới. Về phía các doanh nghiệp trong nước lúc này cần phải điều chỉnh công suất sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp đánh giá đúng thị trường trước khi nhập khẩu điều thô.

Việt Nam đang sở hữu công nghệ chế biến điều hàng đầu thế giới. Đây chính là thế mạnh ngành điều Việt Nam. Trong tình hình hiện nay, ông Tạ Quang Huyên - Tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 - khuyến nghị, thay vì mua điều thô tích trong kho, các doanh nghiệp ngành điều khi nào ký được hợp đồng thì mới mua điều thô về sản xuất.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục