Nguy to cho cổ phiếu thép?

(Banker.vn) Nhiều cổ phiếu thép có mức tăng giá vượt trội so với thị trường chung trong đợt hồi phục 2 tháng qua. Lý do tăng giá của nhóm cổ phiếu thép được nhiều nhà đầu tư lý giải do trước đó giảm sâu về vùng định giá hấp dẫn. Sau nhịp tăng, định giá nhóm cổ phiếu này nhìn chung vẫn ở mức thấp, nhưng có thể không rẻ, nhất là khi lợi nhuận quý III/2022 có nguy cơ giảm mạnh.

Giá thép giảm mạnh

Trên thế giới, theo dữ liệu của Trading Economics, từ 11/10/2021 đến 24/8/2022, giá thép giảm 30,8%, từ 5.922 CNY/tấn xuống 4.096 CNY/tấn. Trong thời gian đó, giá thép có nhịp hồi phục 11,6% từ 3.713 CNY/tấn ngày 18/7 lên 4.142 CNY/tấn ngày 15/8/2022, rồi giảm trở lại trong những ngày gần đây, xuống quanh mức 4.096 CNY/tấn.

Trung Quốc, nước có ngành công nghiệp thép lớn nhất thế giới, ngày 22/8/2022 đã hạ lãi suất cho vay tiêu chuẩn kỳ hạn 1 năm từ mức 3,7% xuống 3,65%/năm và lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm giảm từ 4,45%/năm xuống 4,3%/năm, nhằm góp phần vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn do chịu tác động của cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản cũng như dịch bệnh Covid-19.

Nguy to cho cổ phiếu thép?
Nguy to cho cổ phiếu thép. Hình minh họa

Tuy nhiên, với định hướng tập trung phát triển lĩnh vực công nghệ và tiếp tục kiểm soát bong bóng thị trường bất động sản với quan điểm “nhà để ở, không phải đầu cơ”, phát triển bất động sản không phải là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc như 10 năm trước. Điều này gián tiếp ảnh hưởng tới nhu cầu xây dựng và giá thép trong dài hạn.

Goldman Sachs dự báo, cuộc khủng hoảng bao trùm lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sẽ khiến thị trường quặng sắt dư thừa nguồn cung đáng kể trong nửa cuối năm 2022 và đẩy giá thép xuống thấp hơn.

Bloomberg Intelligence có quan điểm tương tự về tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc đối với thị trường hàng hóa. Trong số các kim loại, thép có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất trong quý III/2022 do tình trạng “tẩy chay” trả nợ vay thế chấp (người mua nhà ở từ chối trả các khoản vay thế chấp ở các dự án nhà ở chưa hoàn thành), trong khi ngành xây dựng nói chung chiếm đến 49% nhu cầu thép của Trung Quốc.

Thêm nữa, nhu cầu tiêu thụ thấp, nhưng các nhà sản xuất thép ở Trung Quốc không thể đóng cửa các lò cao, vì các lò phản ứng lớn được sử dụng để biến quặng sắt thành thép cần hoạt động liên tục. Nếu ngừng hoạt động thì phải mất một thời gian dài, lên tới 6 tháng để khởi động lại. Chính vì vậy, nguồn cung vẫn được bổ sung trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ yếu gây sức ép giảm giá thép không chỉ thị trường trong nước mà còn trên toàn cầu.

Tại thị trường trong nước, theo SteelOnline.vn, thương hiệu thép miền Nam điều chỉnh giảm lần lượt 360.000 đồng/tấn và 510.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, về mức giá 15,12 triệu đồng/tấn và 15,73 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Hòa Phát cũng điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Bắc, giá bán còn 14,57 triệu đồng/tấn và 15,43 triệu đồng/tấn. Tại khu vực miền Nam, thép Hòa Phát cũng giảm 310.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, giá bán sau điều chỉnh lần lượt là 14,67 triệu đồng/tấn và 15,33 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thương hiệu thép Việt Ý cũng giảm 310.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240 và giảm 350.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, kéo giá bán xuống còn 14,44 triệu đồng/tấn và 15,15 triệu đồng/tấn.

Thép Việt Đức cũng thực hiện giảm 310.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240 và 400.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, kéo giá bán xuống còn 14,44 triệu đồng/tấn và 15,1 triệu đồng/tấn.

Hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu thép Kyoei cũng được giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 290.000 đồng/tấn, về mức giá 14,7 triệu đồng/tấn và 15,5 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Việt Nhật cũng tiến hành giảm lần lượt 310.000 đồng/tấn và 400.000 đồng/tấn với 2 sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Bắc, giá bán còn 14,44 triệu/tấn và 14,95 triệu đồng/tấn.

Cùng xu hướng, thép Việt Mỹ cũng thực hiện hạ giá bán sản phẩm thép cuộn CB240 và D10 CB300 tại khu vực miền Trung với mức giảm lần lượt là 310.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn, giá bán còn 14,44 triệu đồng/tấn và 14,8 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Pomina cũng hạ giá với hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Nam với cùng mức giảm 710.000 đồng/tấn, kéo giá bán xuống còn 15,28 triệu đồng/tấn và 15,48 triệu đồng/tấn.

Như vậy, đây là lần giảm thứ 14 của giá thép trong nước kể từ 11/5 và lần giảm giá thứ 3 trong tháng 8. Trong vòng hơn 3 tháng qua, giá thép liên tục giảm với mức giảm giá cao nhất lên tới hơn 5 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, loại thép và vùng miền. Hiện giá thép dao động quanh mốc 14-15 triệu đồng/tấn tùy loại thép và thương hiệu.

Lợi nhuận quý III/2022 của doanh nghiệp thép tiếp tục trượt dốc

Nhiều doanh nghiệp sản xuất và phân phối thép của Việt Nam có đặc điểm chung là dự trữ một lượng tồn kho rất lớn và chiếm trọng số trong cơ cấu tài sản. Chính vì vậy, giá thép tăng hay giảm đều tác động mạnh đến kết quả kinh doanh. Cụ thể, khi giá thép tăng, một loạt doanh nghiệp ghi nhận lãi cao nhờ nhu cầu tăng và hưởng lợi từ tồn kho giá rẻ. Ngược lại, khi giá thép lao dốc, tồn kho quay trở lại thành gánh nặng, khiến doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm giá tồn kho và lợi nhuận lao dốc.

Thống kê 7 doanh nghiệp thép đang niêm yết từ 31/12/2020 - 30/6/2022 cho thấy, tồn kho đã tăng thêm 48.698 tỷ đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, tồn kho tăng thêm 19.064 tỷ đồng.

Nguy to cho cổ phiếu thép?

Xét về tỷ trọng tồn kho trên tổng tài sản, từ 31/12/2020 đến 30/06/2022, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) tăng từ 27,5% lên 53,5%; tỷ lệ này tại CTCP Thép Nam Kim (NKG) tăng từ 30,5% lên 51,9%; tại CTCP Thép Tiến Lên (TLH) tăng từ 10% lên 69,2%...

Như vậy, các doanh nghiệp thép không những tăng tích trữ tồn kho trong hơn 2 năm qua, mà còn tăng cả tỷ trọng tồn kho trong tổng tài sản. Đáng lưu ý, kể từ đầu năm 2022 tới nay, giá thép có xu hướng giảm, nhưng việc trích lập dự phòng giảm giá tồn kho vẫn còn khá khiêm tốn.

Cụ thể, tính tới 30/6/2022, Hoa Sen trích lập 158,8 tỷ đồng tồn kho, giảm 48,1 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm có 1,3% tổng tồn kho; Thép Nam Kim giảm trích lập 318,1 tỷ đồng còn 102,2 tỷ đồng và chiếm 1,2% tổng tồn kho; Thép Tiến Lên giảm trích lập 73,3 tỷ đồng còn 49,8 tỷ đồng và chiếm 1,7% tổng tồn kho; CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) trích lập thêm 49,2 tỷ đồng, lên 167,9 tỷ đồng và chiếm 4,7% tổng tồn kho…

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, sản lượng tiêu thụ thép trong quý III/2022 sẽ giảm ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Sản lượng tiêu thụ thép ở mức thấp do đây là mùa thấp điểm xây dựng (mùa mưa), dẫn tới nhu cầu về thép không cao; hoạt động sản xuất tại các nhà máy thép cầm chừng do tồn kho lớn (lượng hàng tồn kho lớn trong bối cảnh giá thép liên tục giảm sẽ khiến giá vốn ở mức cao). Trong bối cảnh đó, bức tranh lợi nhuận quý III/2022 của nhóm doanh nghiệp thép nhiều khả năng tiếp tục trượt dốc.

Nhìn lại quý II/2022, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát giảm gần 59%, Hoa Sen giảm hơn 76%, Đầu tư Thương mại SMC giảm gần 92%, CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS) giảm 90%, Thép Tiến Lên giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2021. Thậm chí, CTCP Thép Thủ Đức - Vnsteel (TDS), CTCP Thép Pomina (POM) lâm vào tình trạng thua lỗ.

Cùng với sự hồi phục sau khi tạo đáy của thị trường chứng khoán từ ngày 21/6/2022 tới nay, nhóm cổ phiếu thép có nhịp tăng giá mạnh. Cụ thể, từ ngày 21/6 đến 24/8, nhóm 7 cổ phiếu thép tăng trung bình 22,1%, trong khi mức tăng của VN-Index là 8,9%. Trong đó, mã HSG tăng 50,9%, mã NKG tăng 40,3%, mã TLH tăng 30,3%, mã SMC tăng 26%, mã HPG tăng 13%, mã TIS tăng 8,2%.

Lý do tăng giá của nhóm cổ phiếu thép được nhiều nhà đầu tư lý giải do trước đó giảm sâu về vùng định giá hấp dẫn. Sau nhịp tăng trong 2 tháng trở lại đây, định giá nhóm cổ phiếu này nhìn chung vẫn ở mức thấp, nhưng có thể không rẻ, nhất là khi lợi nhuận quý III/2022 có nguy cơ giảm mạnh.

Theo dữ liệu của Chứng khoán SSI, tính tới ngày 24/8, định giá P/E của cổ phiếu HSG là 5,07 lần (ngày 21/6 là 1,98 lần), cổ phiếu NKG là 3,26 lần (ngày 21/6 là 1,69 lần), cổ phiếu SMC là 4,74 lần (ngày 21/6 là 1,53 lần), cổ phiếu TLH là 4,27 lần (ngày 21/6 là 1,97 lần.

Triển vọng ngành thép trong năm 2023

Trong báo cáo ngành thép, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng giá thép có thể hồi phục tốt hơn trong năm 2023, động lực chủ yếu đến từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc khi các chính sách kích thích lại thị trường bất động sản bắt đầu có hiệu quả.

Bên cạnh đó việc Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa, đẩy mạnh đầu tư công (đặc biệt chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng) cũng sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ sắt thép ổn định trở lại.

Với chính sách cắt giảm khí thải và công suất thép của Trung Quốc, nguồn cung thép được dự báo sẽ giảm dần trong những năm tới. Vì vậy, giá thép sẽ rất nhạy cảm với nhu cầu, khi triển vọng nhu cầu thép tích cực trở lại, giá thép sẽ có mức hồi phục tốt và giúp cải thiện mức biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép.

VCBS cho rằng chu kỳ giá thép hiện nay có điểm tương đồng với giai đoạn 2013 - 2016 khi nhu cầu tiêu thụ thép tại Trung Quốc sụt giảm mạnh do thị trường bất động sản Trung Quốc chững lại, từ đó giá thép đi vào giai đoạn giảm giá dài. Đây là giai đoạn các nhà sản xuất thép phải hạn chế sản xuất.

(Nguồn: VCBS)
(Nguồn: VCBS)

Ông Trần Minh Hoàng - Trưởng phòng Phân tích Nghiên cứu, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, hiện có một số chính sách đáng chú ý tác động đến ngành thép như Nghị định 101/2021/NĐ-CP được ban hành có nội dung giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của một số sản phẩm thép xây dựng, thép tấm từ 5 - 10% sau ngày 30/12/2021. Tuy nhiên, tác động của chính sách là không quá lớn khi đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc đang lên kế hoạch cắt giảm nguồn cung và chuyển hướng thành quốc gia nhập khẩu thép.

Bên cạnh đó, Ấn Độ dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với thép mạ hợp kim nhôm kẽm có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc từ 1/2/2022.

Tuy nhiên, việc EU chính thức áp quota đối với sản phẩm thép tấm của Việt Nam ảnh hưởng khá tiêu cực đối với doanh nghiệp xuất khẩu thép của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam nằm ở danh sách "các nước khác" với mức quota cho nhóm này là 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng và tăng 4% trong 2 năm tới. Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn mạ kẽm nhúng nóng, chiếm 45% hạn ngạch, vì vậy triển vọng sẽ kém tích cực hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ đặc biệt là đơn vị tập trung vào thị trường EU như Nam Kim.

Nhận định về triển vọng ngành thép, các chuyên gia kinh tế cho biết, rủi ro giảm giá thép còn hiện hữu trong nửa cuối năm 2022 khi giá thép tiếp tục duy trì mặt bằng thấp. Giá thép thanh tại Việt Nam sau khi đạt đỉnh ở mức 19.000 đồng/kg vào quý I/2022 đã liên tiếp lao dốc giảm 13 lần và chạm mốc 15.700 đồng/kg vào tháng 8/2022. Tình trạng này đến từ áp lực giảm giá theo giá thép thế giới; chi phí sản xuất thép sụt giảm; nhu cầu tiêu thụ thép trong nước có mức sụt giảm mạnh trong quý II/2022 làm các doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để đẩy bán nhanh hàng tồn kho.

VCBS ước tính, trong kịch bản cơ sở khi giá thép phế ở mức trung bình 380 USD/tấn như hiện nay, HPG có thể hạ giá bán xuống mức 540 USD/tấn, tương đương khoảng 12,5 triệu đồng/tấn. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục giảm, giá thép có thể tìm đến vùng giá thấp hơn.

VCBS kỳ vọng giá thép có thể hồi phục trong nửa cuối 2023 sau khi giảm về mặt bằng giá thấp hơn hiện tại, nguyên nhân đến từ việc các chính sách kích thích cần thời gian để thể hiện rõ tác động giúp vực dậy nhu cầu đang rất yếu của thị trường Trung Quốc.

Ở trong nước, VCBS dự báo nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép. Tuy nhiên, các dự án xây dựng sẽ được đẩy mạnh khi giá thép duy trì ở mặt bằng giá ổn định. Vì vậy, sự tăng trưởng sẽ được phản ánh sau vào thời điểm giá thép ổn định.

Cụ thể, nguồn vốn kế hoạch giải ngân trong năm 2022 và 2023 còn lại rất nhiều sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy xây dựng các dự án hạ tầng cũng như nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng

Cùng với đó, nguồn cung bất động sản trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong 2023 sau quá trình siết chặt nguồn vốn vào thị trường bất động sản năm 2022. VCBS kỳ vọng chính sách sẽ dần nới lỏng cho các chủ đầu tư vào năm 2023 giúp nguồn cung được hồi phục rõ rệt.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang khẩn cấp rà soát các vấn đề về pháp lý và hoàn thiện khung pháp luật liên quan tới lĩnh vực bất động sản để tháo gỡ những khó khăn giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định hơn.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Khuyến nghị 3 mã cổ phiếu thép tiềm năng nhất trong nửa cuối năm 2022

Chứng khoán Vietcombank – VCBS vừa đưa ra báo cáo triển vọng ngành thép trong nửa cuối năm 2022. Theo đó, VCBS đưa ra 3 ...

Chứng khoán Rồng Việt điều chỉnh thời gian mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu

Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa ra thông báo về việc điều chỉnh thời gian thực hiện quyền mua cổ phiếu phát ...

Moody’s xếp hạng tín nhiệm B1, triển vọng tích cực cho TPBank

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) vừa công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1, triển vọng tích ...

Hồng Quân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán