Một số dấu hiệu cảnh báo tăng huyết áp Những thực phẩm tối kỵ với người mắc bệnh tiểu đường |
Nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp ở người tiểu đường
Tham vấn của giới chuyên gia cho thấy, sự kết hợp của người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và tăng huyết áp đặc biệt nguy hiểm; có thể làm tăng đáng kể nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ.
Cũng có bằng chứng cho thấy, tăng huyết áp mạn tính có thể thúc đẩy sự xuất hiện những vấn đề về nhận thức liên quan đến lão hóa, chẳng hạn như bệnh Alzheimer hoặc mất trí nhớ. Nguyên nhân là do mạch máu bơm vào não có thể bị chặn bởi các mảng chất béo tích tụ trong thành mạch.
Điều trị tăng huyết áp ở người tiểu đường được bác sĩ khuyến cáo bằng cách thay đổi lối sống |
Sở dĩ tiểu đường tăng huyết áp thường tồn tại cùng nhau, do cơ chế bệnh sinh liên quan đến những thay đổi và tương tác phức tạp giữa hệ thống thần kinh tự chủ, trương lực cơ mạch máu, hệ thống Renin-angiotensin-aldosterone (RAAS), các yếu tố môi trường và cơ địa bệnh nhân.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp ở người tiểu đường là lối sống ít vận động và lượng calo đưa vào cơ thể quá mức cho phép, dẫn đến tăng nguy cơ béo phì và phát triển tình trạng đề kháng insulin.
Theo các chuyên gia, đề kháng insulin liên quan mật thiết đến hiện tượng tăng biểu lộ các phân tử bám dính mạch máu, stress oxy hóa, phản ứng viêm và giảm nồng độ oxit nitric, từ đó khiến mạch máu xơ cứng và dẫn đến tăng huyết áp kéo dài.
Ở bệnh nhân tiểu đường tăng huyết áp, những thay đổi về cấu trúc và chức năng đã ảnh hưởng làm giảm kích thước lòng ống động mạch nhỏ và tiểu động mạch.
Hiện tượng tái cấu trúc, xơ hóa mạch máu, đặc biệt là xơ vữa động mạch, dẫn đến giảm khả năng vận động của mạch máu dẫn đến làm tăng sức cản ngoại biên và tăng huyết áp là hiển nhiên. Ở bệnh nhân tiểu đường, quá trình xơ vữa động mạch nhanh đã khiến mạch máu lão hóa sớm hơn, đặc trưng bởi sự gia tăng co thắt cơ trơn, độ cứng và sức đề kháng mạch máu.
Tất cả thay đổi sinh lý và bệnh lý của hệ giao cảm đều thúc đẩy dẫn đến tăng huyết áp. Béo phì trung tâm, đề kháng insulin, chứng ngưng thở khi ngủ và tình trạng tăng huyết áp kháng trị đều liên quan ít nhiều đến tình trạng tăng hoạt động hệ thần kinh giao cảm. Ngược lại, kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm thúc đẩy đề kháng insulin và tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2. Những biện pháp ức chế xung động giao cảm trung ương, như phẫu thuật cắt thần kinh thượng thận, có liên quan đến việc cải thiện độ nhạy cảm insulin, giúp bệnh nhân kiểm soát đường huyết và huyết áp tốt hơn.
Cách phòng tránh nguy cơ
Điều trị tăng huyết áp ở người tiểu đường được các bác sĩ khuyến cáo bằng cách thay đổi lối sống. Việc thay đổi lối sống theo hướng tích cực không chỉ huyết áp hạ xuống mà còn hỗ trợ điều hòa đường huyết. Các biện pháp thay đổi lối sống bao gồm: Giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì, đồng thời giảm vòng eo ở nam dưới 90cm và nữ dưới 80cm; chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi (lưu ý tiêu thụ trái ít ngọt như thanh long, táo, bưởi) và đạm thực vật (sản phẩm từ đậu tương). Đồng thời hạn chế chất béo bão hòa và những thực phẩm chứa nhiều cholesterol; thực hiện chế độ ăn hạn chế muối (dưới 6g/ngày, tương đương 1 thìa cà phê).
Cùng với chế độ ăn uống thì tập thể dục hàng ngày là điều bắt buộc. Hầu hết bác sĩ khuyên nên đi bộ nhanh trong 30 phút mỗi ngày, ngoài ra những bài tập thể dục nhịp điệu cũng có thể làm cho tim của khỏe mạnh hơn. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên tập thể dục cường độ trung bình tối thiểu 150 phút/tuần và/hoặc bài tập tim mạch nặng 90 phút/tuần.
Tuy nhiên, có một số người có thể giảm bệnh đái tháo đường tuýp 2 và tăng huyết áp bằng cách thay đổi lối sống, đa số những người còn lại đều cần dùng thuốc. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ chỉ định một hay nhiều loại thuốc để làm giảm các yếu tố nguy cơ.