Nguồn lực nào đầu tư hoàn thiện hạ tầng hàng không?

(Banker.vn) Hoàn thiện hạ tầng hàng không đang là đòi hỏi bức bách cho nền kinh tế, tuy nhiên nguồn lực nào để đầu tư xây dựng vẫn là câu hỏi khó.
Tọa đàm “Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không” Lãnh đạo Chính phủ thúc sớm hoàn thiện Đề án huy động vốn hạ tầng hàng không

Vấn đề này đã được đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực hàng không bàn thảo sôi nổi tại buổi Tọa đàm “Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không” diễn ra sáng 23/6.

Hạ tầng không theo kịp nhu cầu phát triển

Theo ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn từ năm 2011 - 2019/2020, tốc độ phát triển của ngành hàng không Việt Nam rất cao, trung bình từ 16-18%/năm, được Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế đánh giá nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 5 thế giới.

Điều này đã gây áp lực lên kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Giai đoạn này, kết cấu hạ tầng hàng không Việt Nam đạt công suất 95 triệu lượt hành khách/năm. Trong khi thời điểm cao nhất, sản lượng thông qua các cảng hàng không đạt 116,5 triệu hành khách/năm. Như vậy, đã vượt khoảng 20 triệu lượt khách.

Nguồn lực nào đầu tư hoàn thiện hạ tầng hàng không?
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải

Với lưu lượng như vậy, một số cảng hàng không đã quá tải hạ tầng, tập trung chủ yếu vào các cảng hàng không đầu mối lớn như Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng.

Đồng tình với những chia sẻ của đại diện Bộ Giao thông Vận tải, ông Phạm Ngọc Sáu - nguyên Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn thông tin thêm: Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, chỉ cần khoảng 3 - 5 năm chúng ta tăng gấp đôi lượng khách. Nếu các dự án hạ tầng hàng không không triển khai được trong năm 2024 - 2025 và đưa vào khai thác năm 2027 - 2028 thì đến năm 2030 lại tiếp tục quá tải.

Về hệ lụy quá tải sân bay, nguyên Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn cũng cho rằng: Ảnh hưởng là rất lớn. Với các hãng hàng không, quá tải dẫn đến chậm, hủy chuyến hệ lụy về chi phí cho các hãng bay và môi trường không hề nhỏ. Theo tính toán, chỉ 1 phút chậm chuyến sẽ tốn kém 100 USD giá trị nhiên liệu, mà tình trạng chậm 30 phút rất phổ biến.

Chậm chuyến cũng gây ảnh hưởng tới thời gian, công việc của khách hàng.

Nguồn lực nào đầu tư hoàn thiện hạ tầng hàng không?
Ông Phạm Ngọc Sáu, nguyên Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn

Qua phản ánh của các diễn giả có thể thấy rõ, hạ tầng hàng không đang quá tải so với nhu cầu phát triển của đất nước, việc mở rộng hệ thống này là đòi hỏi bức bách. Bởi lẽ, “nghẽn” không chỉ là chuyện đi lại mà còn “nghẽn” cả nền kinh tế khi không thể kết nối, phát triển du lịch, thu hút đầu tư.

Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân- bài học từ Quảng Ninh

Hạ tầng hàng không không theo kịp nhu cầu là vấn đề khá nổi cộm nhưng làm sao đẩy nhanh đầu tư, nhất là vấn đề nguồn vốn cũng là câu hỏi khó. Bởi lẽ, hạ tầng cảng hàng không không chỉ là các sân bay mới, sân bay hiện hữu mà còn các cơ sở hạ tầng khác như nhà ga hàng hóa, nhà ga hành khách, công trình phụ trợ… và nguồn vốn đầu tư là rất lớn.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn được đánh giá là mô hình “sáng” để học hỏi và áp dụng cho phát triển hạ tầng hàng không.

Nguồn lực nào đầu tư hoàn thiện hạ tầng hàng không?
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy

Ông Cao Tường Huy - quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ: Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không đầu tiên thực hiện theo hình thức BOT. Cảng có chiều dài cất cánh 3.600m, công suất thiết kế đến năm 2030 là 2,5 triệu lượt khách và sau 2030 là 5 triệu lượt khách.

Từ khi đưa vào khai thác và sử dụng, cảng đã phát huy được vai trò. Hiện cảng đã đón được trên 5.000 chuyến bay, trong đó xấp xỉ 4.500 chuyến bay quốc tế, với lượng du khách đạt được là trên 610.000, trong đó có 80.000 khách quốc tế.

Không chỉ Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn mà hạ tầng giao thông của Quảng Ninh phát triển rất nhanh và mạnh. “Bí quyết” được lãnh đạo UBND tỉnh chỉ ra là đổi mới phương thức huy động và khơi thông các nguồn lực, đặc biệt lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Trung bình 1 đồng ngân sách bỏ ra thì chúng tôi thu hút được 8-9 đồng ngoài ngân sách. Nhờ đó, giai đoạn từ năm 2014 đến nay, chúng tôi đã huy động được trên 140 nghìn tỷ đồng đầu tư cho phát triển hạ tầng. Trong đó, hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công - tư đã huy động được 45 nghìn tỷ đồng”, ông Cao Tường Huy nói.

Đầu tư hạ tầng hàng không đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, việc bắt tay giữa Nhà nước và doanh nghiệp, theo đánh giá của các chuyên gia là khả thi, mà Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn là một điển hình.

Nguồn lực nào đầu tư hoàn thiện hạ tầng hàng không?
Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn - Cảng hàng không đầu tiên thực hiện theo hình thức BOT

Tuy nhiên, điều này là chưa đủ, theo các chuyên gia, cơ chế chính sách cho phát triển hạ tầng hàng không cũng là vấn đề cần được quan tâm, điều chỉnh.

Ông Cao Tường Huy nêu ý kiến: Muốn triển khai được các dự án hạ tầng hàng không, kêu gọi các nhà đầu tư là một chuyện, cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các cơ quan quản lý Nhà nước từ tỉnh đến Trung ương trong quá trình thực hiện các dự án.

Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cũng đồng tình và đề xuất cụ thể: Phải có cơ chế cho các nhà đầu tư có quyền tham gia đề xuất vào quy hoạch của sân bay mà chúng ta có ý định thực hiện xã hội hóa liên quan đến công năng quốc tế, nội địa, công suất...

Ông Lương Hoài Nam lý giải: Chúng ta thường có thói quen quy hoạch sân bay giai đoạn đầu rất nhỏ nhưng đấy là cách làm của đầu tư Nhà nước, đầu tư công, quy hoạch bao nhiêu thiết kế bấy nhiêu và đầu tư ngần ấy tiền. Còn đầu tư tư nhân không làm như vậy, phải quy hoạch tổng thể, dài hạn, đủ mức độ hoạt động cho khoảng vài chục năm. Sau đó phân kỳ đầu tư ra giai đoạn 1, giai đoạn 2, giai đoạn 3.

Tôi nghĩ, Bộ Giao thông Vận tải phải làm thế nào đó để nhà đầu tư được tham gia vào quy hoạch công năng, quy hoạch công suất chứ làm theo quy hoạch của mình, người ta sẽ không làm”, chuyên gia nhấn mạnh.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương