Nguồn gốc và ý nghĩa tên gọi tháng Giêng

(Banker.vn) Tháng 1 âm lịch thường được gọi là tháng Giêng, tuy nhiên cái tên tháng Giêng bắt nguồn từ đâu là điều mà nhiều người quan tâm.
Quảng Ninh: Khai Hội xuân Yên Tử vào ngày 10 tháng Giêng Các ngày lễ đặc biệt Tháng 1 âm lịch (Tháng Giêng) Tổng hợp các lễ hội tháng 1 âm lịch (Tháng Giêng) 3 miền

Theo các nhà nghiên cứu, chữ 'Giêng' bắt nguồn từ chữ 'chính' trong tiếng Hán. Tháng 1 âm lịch được người Trung Quốc rất coi trọng vì là tháng đầu tiên của năm, họ gọi nó là “chính nguyệt” (tháng quan trọng).

Thực tế các chữ vần "inh" khi “Nôm hóa” hay bị đọc chệch thành vần "iiêng”, chẳng hạn như “tứ chiếng” (trai tứ chiếng, gái giang hồ) có nguồn gốc từ “tứ chính trấn”.

Lễ hội chùa Hương được xem là một nét đẹp đặc sắc của miền Bắc trong mùa Tết.
Lễ hội chùa Hương được xem là một nét đẹp đặc sắc của miền Bắc trong tháng Giêng. Ảnh Vietjet

Đối với người Việt Nam, tháng Giêng cũng có vai trò rất quan trọng. Đây là khoảng thời gian có sự kiện quan trọng nhất trong năm: Tết Nguyên đán, và là tháng có nhiều lễ hội nhất, gồm các hội đền, hội chùa, hội làng… Vì thế nên cha ông ta mới gọi “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Rằm tháng Giêng cũng được coi trọng hơn các rằm khác. “Cả năm được rằm tháng Bảy, cả thảy được rằm tháng Giêng”, “Cúng quanh năm không bằng cúng rằm tháng Giêng”. Một năm có 12 rằm, nhưng chỉ rằm tháng Giêng được gọi là "Tết" - Tết Nguyên tiêu.

Theo truyền thống Phật giáo, ngày rằm tháng Giêng là ngày trọng đại và vô cùng đặc sắc, mang ý nghĩa rất lớn. Vào ngày này, người dân lên chùa cúng dâng sao giải hạn với mong muốn giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành. Chính vì vậy, vào rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc...

Nghi thức Phật giáo này kết hợp thêm với tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, từ đó, không gian thờ cúng của ngày rằm tháng Giêng càng mang nhiều ý nghĩa hơn.

Bên cạnh đó, rằm tháng Giêng đánh dấu sự kết thúc tháng "ăn chơi" của người nông dân để bắt tay chuẩn bị một vụ mùa mới. Trước khi xuống đồng, người dân làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bởi vậy, lâu nay, mọi người luôn quan niệm "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng".

Vì là tháng khởi đầu của năm nên để “đầu xuôi đuôi lọt”, người Việt Nam mong muốn giữ mọi thứ trọn vẹn, đẹp đẽ nhất trong khoảng thời gian này. Người già, người lớn luôn nhắc trẻ con, thanh niên cư xử đúng mực, không làm việc xấu kẻo dông cả năm.

Trong tháng này, người ta cũng cố gắng cẩn thận để không làm rơi vỡ đồ đạc, vì sự đổ vỡ luôn mang hàm ý xui xẻo, đen đủi; kiêng cãi vã, đánh mắng nhau. Đặc biệt về mặt tài chính, mọi người thường kiêng vay tiền và trả tiền trong tháng Giêng, nhất là trước rằm, bởi sự thất thoát tiền bạc hay nợ nần đều là điều cần tránh trong dịp đầu năm.

Tháng Giêng có nhiều sự kiện quan trọng, bao gồm:

Tết Nguyên đán: Tết Nguyên đán diễn ra vào ngày 1, 2, 3 tháng Giêng. Đây là dịp Tết cổ truyền của dân tộc, mang ý nghĩa rất quan trọng. Đây cũng là dịp gia đình đoàn viên, sum vầy cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, chúc tụng nhau những điều may mắn, tốt đẹp trong năm mới.

Rằm tháng Giêng: Trong tâm niệm của nhiều người, "lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng" nên hầu như gia đình nào cũng chuẩn bị mâm cơm để cúng gia tiên, sau đó đi chùa làm lễ đều cầu sức khoẻ, may mắn cho gia đình.

Các lễ hội đầu năm: Vào tháng Giêng, nhiều lễ hội lớn trên cả nước cũng bắt đầu mở để khai xuân như: Lễ hội chùa Hương, khai ấn đền Trần, lễ hội đền Gióng, hội xuân Yên Tử…

Lê Nguyệt

Theo: Báo Công Thương