Nguồn cung thuốc điều trị tay chân miệng bao giờ về đến Việt Nam?

(Banker.vn) Thuốc điều trị bệnh tay chân miệng đã xác định được nguồn cung ứng đảm bảo nhu cầu điều trị bệnh đang diễn biến theo chiều hướng gia tăng.
Đã có thêm 6.000 chai thuốc Immunoglobulin điều trị bệnh tay chân miệng Việt Nam sắp có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, dự kiến trong tuần này 3.000 chai dịch truyền Globulin miễn dịch điều trị bệnh tay chân miệng sẽ về Việt Nam; cùng đó 21.000 ống thuốc tiêm chứa hoạt chất Phenobarbital đã được nhập khẩu.

Nguồn cung thuốc điều trị tay chân miệng bao giờ về đến Việt Nam?
Bệnh tay chân miệng có chiều hướng gia tăng nhanh. Ảnh minh họa

Hiện việc nhập khẩu đã sẵn sàng, chỉ phụ thuộc vào việc sắp xếp chuyến bay trong thời gian sớm nhất có thể.

Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương liên hệ với doanh nghiệp kinh doanh dược để kịp thời cung ứng thuốc trên cho nhu cầu điều trị.

Bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71. Theo thống kê, tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 34.847 trường hợp mắc tay chân miệng; 15 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (38.598/3) số mắc giảm 9,7%, tử vong tăng 12 trường hợp.

Theo Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, đối với trẻ mắc tay chân miệng ở mức độ nhẹ, chỉ có loét miệng, tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt thì trẻ có thể được điều trị và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên rất nhiều cha mẹ vẫn bối rối không biết chăm sóc cho trẻ tại nhà như thế nào để tránh tình trạng bệnh trở nặng.

Giới chuyên gia cho hay, khi trẻ mắc tay chân miệng, gia đình nên cho trẻ cách ly ở nhà trong 10-14 ngày đầu của bệnh. Đồng thời, gia đình cần báo ngay cho trường học, nhà trẻ hoặc cơ quan y tế gần nhất để có phương án vệ sinh các bề mặt, dụng cụ mà trẻ đã từng tiếp xúc, cũng như theo dõi sức khỏe của các bé đã tiếp xúc với trẻ mắc bệnh.

Nơi ở của trẻ cần thông thoáng, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, cha mẹ chườm ấm ở cổ, nách, bẹn kết hợp cho trẻ uống thuốc hạ sốt thành phần Paracetamol 10-15mg/kg cách 4-6 giờ/lần, 1 ngày không quá 4 lần.

Nếu trẻ vẫn sốt cao liên tục thì cha mẹ dùng Ibuprofen 5-10mg/kg/lần xen kẽ với Paracetamol (Ibuprofen cần uống theo chỉ định của bác sĩ). Để tránh trẻ bị nhiễm lạnh dẫn đến viêm phổi, cha mẹ cần chú ý không làm ướt quần áo của trẻ khi chườm ấm. Cho trẻ uống dung dịch Oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải (Oresol cần được pha đúng liều lượng in trên bao bì).

Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục