Nguồn cung hạn chế, xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng mạnh về giá

(Banker.vn) Giá xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng cao trong bối cảnh nguồn cung chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Giá xuất khẩu cà phê nhân Việt Nam sẽ đắt nhất thế giới trong năm 2024? Giá xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch 27/12, giá hai mặt hàng cà phê tăng lần lượt 1,75% với Arabica hợp đồng tháng 3 và 1,13% với Robusta hợp đồng tháng 3. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung tiếp tục là yếu tố quan trọng hỗ trợ giá cà phê đi lên.

Nguồn cung hạn chế, xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng mạnh về giá
Giá hai loại cà phê duy trì mức cao liên tiếp trong nhiều ngày gần đây

Trong báo cáo kết phiên 26/12, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US vẫn dừng ở 247.912 bao loại 60kg, mức thấp nhất trong hơn 24 năm qua. Quy định mới về chấp nhận hàng tồn kho đạt chuẩn gây cản trở không nhỏ đến sự hồi phục của dữ liệu này.

Đồng thời, tồn kho thấp cũng phần nào phản ánh tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, trước tin đồn nông dân hạn chế bán cà phê để chờ giá lên cao hơn.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (28/12), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động trong khoảng 67.400 - 68.200 đồng/kg, tăng 100 - 200 đồng/kg so với hôm qua.

Giá cà phê tăng cao giúp người trồng cà phê và các quốc gia sản xuất cà phê như Việt Nam rất phấn khởi. Tuy nhiên, các nhà rang xay, các cửa hàng bán cà phê sẽ gặp khó khăn khi không thể điều chỉnh giá bán trong ngắn hạn. Nhu cầu mua cà phê để trả những hợp đồng đã ký là rất lớn. Dự báo những tháng đầu năm 2024 giá tiếp tục giữ mức cao.

Nguồn cung hạn chế, xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng mạnh về giá
Giá cà phê dự báo sẽ tiếp tục neo cao từ nay đến đầu năm 2024

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, trước đây, cà phê Việt Nam có thể được trữ để bán quanh năm nhưng vụ 2022/2023 chỉ đến tháng 6 đã hết hàng, trừ hàng tồn kho. Năm 2024 có thể việc hết hàng sẽ đến từ tháng 4. Do đó, các doanh nghiệp hiện nay rất hạn chế ký các hợp đồng giao hàng xa vì lo ngại rủi ro thị trường lên giá, không thể mua hàng để giao.

Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, dù vụ mùa Việt Nam thu hoạch rộ, nhưng sức cung ứng không đủ mạnh như những năm trước. Người dân đang có xu hướng hạn chế bán cà phê để chờ giá lên, đẩy giá cà phê nội địa tăng liên tục tăng.

Nguồn cung thiếu hụt trên thế giới khiến Việt Nam trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của các quốc gia nhập khẩu cà phê. Điều này đã đẩy giá cà phê tăng cao. Ngay ở đầu niên vụ 2023-2024, giá cà phê nhân Việt Nam đã ở mức 60.000 đồng/kg. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam. Với dự báo giá cà phê ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao, mức kim ngạch xuất khẩu từ 4,5 - 5 tỷ USD vào năm 2024 là trong tầm tay.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê Việt, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với các giải pháp tổng thể, trong đó có việc đẩy mạnh sản lượng và chất lượng vùng cà phê nguyên liệu, đồng thời gia tăng được tỷ lệ chế biến sâu.

Theo Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có hơn 710.000 ha cà phê. Tuy nhiên trong đó chưa tới 1/4 diện tích đạt chứng nhận sản xuất bền vững, với các chứng nhận chuẩn quốc tế.

Theo các doanh nghiệp, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm; đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận VietGAP, 4C, Rainforest, hữu cơ… mới có thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường hiện nay.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương