Người Mỹ vẫn mạnh tay tiêu dùng bất chấp giá năng lượng cao

(Banker.vn) Doanh số bán lẻ tại Mỹ tiếp tục tăng trưởng trong tháng trước, đây là dấu hiệu cho thấy người Mỹ chưa vội “thắt lưng buộc bụng”.

Doanh số bán lẻ tại Mỹ tháng 9/2023, sau khi điều chỉnh với các yếu tố mùa vụ nhưng chưa điều chỉnh với lạm phát, tăng 0,7% so với tháng liền trước.

Mức tăng trưởng này thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng 0,8% của tháng 8/2023. Dù vậy, doanh số bán lẻ tại Mỹ cũng đã tăng liên tiếp 6 tháng. Còn nếu tính đến con số điều chỉnh với lạm phát, doanh số bán lẻ tháng 9/2023 tại Mỹ tăng 0,3%.

So với cùng kỳ năm trước, chi tiêu vào bán lẻ và dịch vụ thực phẩm tháng 9/2023 tăng 3,8%, mức tăng mạnh nhất tính từ tháng 2/2023.

Doanh số bán hàng tại một số cửa hàng chuyên biệt tăng mạnh đến 3%. Doanh số bán hàng trực tuyến và ô tô đồng thời tăng mạnh, mức tăng ghi nhận 1,1% trong tháng 8/2023 và tháng 9/2023. Doanh số bán quần áo và hàng điện tử trong khi đó lại giảm 0,8% trong cùng khoảng thời gian trên.

“Khi mà tỷ lệ người dân có việc làm cao, mức lương tăng trưởng cao hơn lạm phát, kỳ vọng suy thoái kinh tế giảm đi, không ngạc nhiên khi tiêu dùng của người dân tăng trưởng và mang tính hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Comerica – ông Bill Adams nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Adams, tăng trưởng sẽ chững lại trong quý IV/2023 với áp lực đến từ việc nhiều sinh viên phải trả nợ, các cuộc đình công của người lao động trong ngành ô tô Mỹ, cũng như rủi ro từ căng thẳng Trung Đông.

Phân tích của các chuyên gia cho thấy, giá khí đốt cao đang gây ra hiệu ứng nhỏ hơn lên chi tiêu tiêu dùng người dân trong tháng 9/2023. Ngoại trừ doanh số bán xăng, doanh số bán lẻ vẫn tăng 0,7% trong tháng trước. Cũng theo ông Adams, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố dự trữ xăng tăng trong vài tuần qua, tương ứng với việc lượng xăng bán ra thị trường giảm đi.

Căng thẳng leo thang tại Trung Đông có thể khiến cho giá năng lượng tăng vọt, nó khiến cho mục tiêu đưa lạm phát về ngưỡng 2% của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) gặp thêm thách thức. Chi phí năng lượng cao sẽ đẩy tăng lạm phát toàn phần, nếu giá năng lượng giữ ở ngưỡng cao trong thời gian dài, nó cũng sẽ làm tăng cả lạm phát lõi.

Người tiêu dùng Mỹ đặc biệt nhạy cảm với thay đổi giá khí đốt, chính vì vậy, nếu giá năng lượng tăng mạnh bởi căng thẳng tại khu vực Trung Đông, niềm tin người tiêu dùng có thể chịu ảnh hưởng nặng nề. Sau đó, người Mỹ có thể sẽ hạn chế chi tiêu bởi giá khí đốt cao ảnh hưởng tiêu cực đến ngân sách của họ.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại tổ chức EY-Parthenon, ông Gregory Daco, khẳng định, nếu có bằng chứng cho thấy việc Iran có liên quan trực tiếp đến các cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023, phía Mỹ sẽ có thêm căn cứ để áp lệnh trừng phạt với Iran, vì vậy, sẽ gây ảnh hưởng hơn nữa đến sản lượng và xuất khẩu dầu.

“Việc giá dầu tăng vọt trong bối cảnh kinh tế hiện tại nhiều khả năng sẽ gây tổn hại đến nhu cầu nhiều hơn so với năm 2022 khi mà kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều bởi chính sách tài khóa. Kết hợp với yếu tố độ trễ từ các điều kiện tài chính, áp lực lên chi tiêu nội địa và đầu tư sẽ không hề nhỏ, FED thực tế sẽ không cần phải thắt chặt các điều kiện tài chính hơn nữa”, ông Daco nói.

Việc kinh tế Mỹ bất ngờ tăng trưởng mạnh tiềm ẩn thách thức với phần còn lại của thế giới bởi điều đó đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ duy trì ở ngưỡng cao trong thời gian dài hơn, đồng USD mạnh đồng thời tạo ra nhiều áp lực lên tăng trưởng kinh tế của nhiều nước khác.

Việc giá dầu tăng cao từ mùa hè đến nay đang đe dọa đẩy cao lạm phát ở thời điểm mà nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tin rằng họ đang ở điểm cuối của chu kỳ siết chặt chính sách lãi suất.

Mới đây, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Kristalina Georgieva đã cảnh báo về khả năng diễn biến kinh tế của các nước sẽ ngày một trái chiều.

Căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông leo thang đe dọa sẽ đẩy cao biến động trên thị trường năng lượng, ngoài ra cũng có thể gây ra xáo trộn trên thị trường hàng hóa giống như sau căng thẳng Nga – Ukraine vào năm ngoái.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhận định: “Căng thẳng địa chính trị hiện là những rủi ro kinh tế thực sự và chúng ta đều nhận thức được điều đó. Bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào chắc chắn sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.

Số liệu kinh tế Mỹ tốt bất ngờ, trong đó đặc biệt phải kể đến báo cáo thị trường việc làm tháng 9/2023 đầy ấn tượng đã đẩy lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ lên ngưỡng cao nhất trong 16 năm. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, FED sẽ duy trì lãi suất ở ngưỡng cao trong thời gian dài hơn.

Ngọc Diệp

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ