Người mắc bệnh tiểu đường cần lưu ý chế độ ăn trong ngày Tết như thế nào?

(Banker.vn) Thông thường những món ăn ngày Tết nhiều thịt nhưng lại ít rau khiến chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng. Đây là vấn đề người mắc bệnh tiểu đường đặc biệt chú ý.
Người bị bệnh tiểu đường nên ăn đồ nếp bao nhiều thì đủ? Người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường: Cần chế độ ăn uống, sinh hoạt ra sao?

Tháp dinh dưỡng cho người mắc bệnh tiểu đường

Nhóm 1: Nhóm thuộc tinh bột, ngũ cốc, khoai và các chất giàu đường bột

Người mắc bệnh tiểu đường cần lưu ý chế độ ăn trong ngày Tết như thế nào?
Tháp dinh dưỡng cho người mắc bệnh tiểu đường

Đây là nhóm thực phẩm giúp cung cấp đủ năng lượng cho bệnh nhân mà không có hoặc có ít vitamin. Người bị bệnh tiểu đường có thể ăn cơm hàng ngày, ăn xôi, hay các loại gạo lứt hay khoai lang... tùy theo nhu cầu năng lượng của mình. Tuy nhiên không nên ăn khoai tây hay bánh mì, bánh gạo.. vì có thể gây tăng đường huyết.

Nhóm 2: Nhóm giàu chất xơ, rau củ

Người bị bệnh tiểu đường nên ăn thanh đạm, trong đó không thể thiếu nhóm chất xơ từ rau xanh, hoa quả. Trong rau củ, hoa quả có nhiều vitamin, acid amin, chất khoáng giúp cung cấp đầy đủ chất cho người bệnh. Ngoài ăn rau củ luộc bình thường, người bệnh có thể ăn các món rau sống bằng cách trộn làm salad...

Trong mướp đắng, tảo, rau muống, rau ngót, bí xanh rất tốt cho cơ thể.

Nhóm 3: Nhóm chứa nhiều vitamin, chất đạm

Nhóm sữa, thịt cá, trứng... giúp cung cấp chất đạm, sắt, vitamin đảm bảo dinh dưỡng cung cấp vào cơ thể đầy đủ. Người bệnh tiểu đường vẫn cần cung cấp nhóm thức ăn này để không bị thiếu chất.

Với những người bị thừa cân hay béo phì chỉ nên ăn thịt nạc như thịt ức gà, không nên ăn thịt có nhiều mỡ, không ăn da gà, vịt. Nên bổ sung ăn các loại đạm từ thực vật tốt cho cơ thể như đậu phụ, sữa đậu nành không đường.

Nhóm 4: Nhóm thực phẩm chứa dầu, mỡ, loại hạt có dầu

Nhóm thực phẩm này giúp cung cấp chất béo, tăng hấp thu vitamin. Bệnh nhân tiểu đường nên bổ sung nhóm này bằng cách sử dụng dầu thực vật trong chế biến thực phẩm như dầu đậu nành, dầu oliu. Hạn chế dùng mỡ động vật để chế biến, nội tạng động vật, óc hay các sản phẩm đóng hộp sẵn.

Các chuyên gia dinh dưỡng Bệnh viện Trung ương quân đội 108 chia sẻ: Nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường là hạn chế tối đa glucid (chất đường bột), điều này có tác dụng tránh tăng đường huyết, hạn chế các axit béo bão hòa để tránh rối loạn chuyển hóa.

Đối với những người tiểu đường có tổng mức năng lượng ở nhóm lao động nhẹ và vừa thì có thể từ 30-35kcal/kg/ngày, nhóm lao động nặng từ 35-40 kcal/kg/ngày, nhóm những người béo phì nên hạn chế từ 24-26kcal/kg/người.

Tránh tuyệt đối để hạ đường huyết

BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai - lưu ý: Các bác sĩ đã phải tiếp nhận khá nhiều người bệnh tiểu đường nhập viện cấp cứu trong những ngày Tết vì lý do uống rượu. Các loại rượu mạnh gây ức chế gan sản xuất glucose nên những người bệnh tiểu đường uống nhiều rượu có nguy cơ cao bị hạ đường huyết nặng.

Cũng có nhiều trường hợp uống rượu say, quên uống thuốc tiểu đường, trong khi lại ăn nhiều nên bị đường huyết quá cao; hay uống rượu quên ăn khiến hạ đường huyết; uống các loại rượu ngâm với động vật, rễ cây lạ gây ngộ độc, thậm chí suy thận cấp....

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, người bệnh tiểu đường chỉ nên uống 1-2 ly rượu vang khi ăn cơm Tết, cần biết từ chối, nhất là những loại rượu lạ.

Theo các chuyên gia y tế, hạ đường huyết (nồng độ glucose trong máu thấp < 4,0 mmol/L) là biến chứng khá phổ biến ở người bệnh tiểu đường, chủ yếu do nguyên nhân ăn ít, ăn chậm hay bỏ ăn hoặc vận động quá sức.

Đường huyết thấp dẫn đến hôn mê và làm nặng thêm các biến chứng tim mạch, thần kinh... nên nó là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến người bệnh tiểu đường phải nhập viện cấp cứu trong dịp Tết.

Cách phòng ngừa sớm là nên thả lỏng mục tiêu đường huyết trong những ngày Tết, không nên để đường huyết xuống dưới 5,6 mmol/L, nhất là ở những người lớn tuổi, người bị tiểu đường đã lâu hoặc đã có nhiều biến chứng.

Luôn mang theo kẹo, bánh ngọt để ăn ngay khi đường huyết xuống thấp hoặc khi có các biểu hiện của hạ đường huyết như đói, run chân tay, hồi hộp đánh trống ngực...

Ăn uống vừa đủ, đảm bảo cơ thể được khỏe mạnh, đủ năng lượng cho các hoạt động hàng ngày, không bị hạ đường huyết. Không ăn no quá và cũng không ăn ít quá để ổn định đường huyết.

Ăn đủ 3 bữa 1 ngày, nên chia nhỏ thành 4 bữa ăn, tức thêm 1 bữa phụ vào tối để đảm bảo nửa đêm không bị đói, tránh hạ đường huyết. Ăn đúng giờ. Bổ sung nước cho cơ thể đủ 40ml/1 kg cân nặng cơ thể. Không nên quá kiêng, ăn các loại thực phẩm khác nhau để đảm bảo dinh dưỡng. Không nên chỉ tập trung ăn một loại thực phẩm.

Năng lượng trong bữa ăn hàng ngày của người bệnh tiểu đường được chuyên gia dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng Quốc gia xác định cụ thể: Lượng protein nên đạt 1-1,2 g/kg/ngày đối với người lớn, tức tỷ lệ này nên đạt tương đương 15- 20% năng lượng khẩu phần. Tỷ lệ chất béo 25% tổng số năng lượng khẩu phần, không nên vượt quá 30%. Hạn chế các axit béo bão hòa, điều này giúp ổn định đường huyết, ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Tỷ lệ năng lượng do glucid cung cấp nên đạt từ 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần của người bệnh tiểu đường.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương