Người mắc bệnh tiểu đường ăn gì để tránh bị biến chứng?

(Banker.vn) Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tiểu đường biến chứng.
Nên ăn thực phẩm gì để phòng bệnh tiểu đường? Người bị bệnh tiểu đường ăn trứng có làm hạ đường huyết?

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) nếu không kiểm soát tốt đường huyết sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Suy thận, suy tim, tổn thương võng mạc, nhiễm toan ceton, cắt bỏ bàn chân… Để sống hòa bình với bệnh tiểu đường, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý thay đổi hay ngưng thuốc điều trị, ăn uống không kiêng cữ.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Bùi Minh Đức - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tiểu đường biến chứng. Một chế độ ăn đảm bảo cung cấp dinh dưỡng, đủ về số lượng và chất lượng có thể giúp cân bằng đường huyết và đảm bảo tình trạng cân bằng, an toàn khi bị bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường
Có chế độ ăn uống phù hợp là một giải pháp tốt kiểm soát biến chứng của bệnh tiểu đường

Theo đó, các nhóm chất quan trọng cần có trong khẩu phần ăn gồm: Nhóm bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, vitamin... Để tránh biến chứng tiểu đường, người bệnh không nên ăn nhiều đồ ngọt, cơm nên chia thành nhiều bữa nhỏ để ăn. Lưu ý nên ăn 3 bữa chính và ăn đủ, không ăn quá nhiều và đồng thời nên ăn thêm các bữa phụ. Điều này sẽ giúp tránh hạ đường huyết và tăng đường huyết sau bữa chính.

Để tránh biến chứng tiểu đường, người bệnh nên tránh ăn những thức ăn có nhiều chất béo như thịt, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng...

Người bệnh cũng được khuyến cáo nên ăn nhiều các loại hoa quả ít ngọt như: Bưởi, ổi, thanh long... Hạn chế ăn các loại quả làm tăng đường huyết và lâu dần dẫn đến biến chứng tiểu đường ở chân nói riêng và biến chứng tiểu đường nói chung như na, mít, vải, nhãn, dưa hấu...

Đối với đồ uống, nếu muốn ngăn ngừa tiểu đường biến chứng thì người bệnh cần hạn chế sử dụng đồ uống có cồn như bia rượu, các loại nước ngọt có ga...

Thông thường, việc kiểm soát lượng đường tốt sẽ giúp hạn chế tiểu đường biến chứng, người bệnh nên giữ ở mức đo tiểu đường lúc đói là từ 4 - 7.2mmol/ L, đường sau ăn không quá 10 mmol/L.

Việc ăn uống đều đặn, đúng giờ (đặc biệt với bệnh nhân tiêm insulin) rất quan trọng đối với ngăn ngừa biến chứng tiểu đường.

Bên cạnh việc có chế độ ăn uống phù hợp, người bị mắc bệnh tiểu đường cũng được khuyến cáo thường xuyên kiểm soát các biến chứng để phát hiện sớm và có phác đồ điều trị kịp thời.

Theo đó, người bị bệnh tiểu đường cần định kỳ làm xét nghiệm HbA1C. Xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định liệu điều trị có mang lại hiệu quả hay không bằng cách kiểm tra lượng đường trong máu ba tháng một lần. Khác với xét nghiệm máu thường xuyên, HbA1C cung cấp các thông số chi tiết về mức đường huyết trong vài tháng qua.

Đo huyết áp mỗi lần đi khám bác sĩ, duy trì chế độ ăn và dùng thuốc hợp lý để duy trì huyết áp. Huyết áp cao thường không có triệu chứng và có thể khiến người bệnh có nguy cơ cao bị bệnh tim và đột quỵ.

Kiểm tra hàm lượng chất béo. Nếu người bệnh bị béo phì và có lối sống ít vận động cần kiểm tra hàm lượng cholesterol và triglycerid máu ít nhất 1 lần mỗi năm.

Ngoài ra người bệnh còn được khuyến cáo đi kiểm tra sức khỏe mắt và thị lực, chức năng thận, tổn thương thần kinh và khám răng...ít nhất mỗi năm lần.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương