Người mắc bệnh đau mắt đỏ kiêng gì?

(Banker.vn) Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng, ngoài việc đảm bảo vệ sinh thì nhiều người cũng quan tâm đau mắt đỏ kiêng gì?
Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ Số bệnh nhân đau mắt đỏ tăng lên nhưng nhiều nơi lại thiếu thuốc

Thực tế, người bị đau mắt đỏ thường không cần phải kiêng quá nhiều món ăn, thay vào đó là nên nghỉ ngơi kèm theo ăn uống hợp lý, khoa học và đầy đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, cần chú ý không nên ăn những món mà người bệnh đã từng bị dị ứng trước đó.

Ngoài ra, vẫn có những loại thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến thời gian và hiệu quả chữa trị đau mắt đỏ, như: Thực phẩm có vị nóng, chẳng hạn như các gia vị hành tỏi, hẹ, ớt, hoặc thịt chó, thịt dê. Nguyên nhân là vì chúng sẽ khiến tình trạng mắt đỏ càng tồi tệ hơn bởi cảm giác nóng và rát.

Người mắc bệnh đau mắt đỏ kiêng gì?
Người đau mắt đỏ nên kiêng những đồ ăn cay nóng. Ảnh minh họa

Đồng thời, tránh xa các loại hải sản ví dụ như cá chép, cá mè, tôm, cua và ốc. Mùi tanh trong các loại thực phẩm trên có thể là bình thường ở một người khỏe mạnh, tuy nhiên đối với bệnh nhân bị đau mắt đỏ chúng sẽ làm cho họ càng khó chịu hơn. Thêm vào đó, đồ ăn tanh sẽ khiến tình trạng nhiễm trùng viêm kết mạc càng trầm trọng và kéo dài thời gian phục hồi các triệu chứng đau mắt đỏ.

Bên cạnh đó là rau muống, sở dĩ vì trong rau muống có đặc tính khiến mắt sản sinh nhiều ghèn, làm tình trạng bệnh của mắc càng phức tạp hơn cũng như gây khó khăn trong việc giữ gìn vệ sinh đôi mắt của bệnh nhân.

Những loại nước ngọt, thức uống có ga với lượng đường cao, nhiều chất tạo màu, chất bảo quản không tốt cho sức khỏe vì vậy luôn được khuyến cáo nên hạn chế dùng hàng ngày. Còn đối với người đau mắt đỏ, sử dụng đồ uống có ga, nhiều đường có thể làm chỉ số đường huyết đột ngột tăng cao dễ gây ra hiện tượng hoa mắt chóng mặt.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo người dân thực hiện tốt 5 biện pháp:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

5. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương