Người Hàn dự chi 30 triệu USD thâu tóm chuỗi nhà thuốc 26 năm tuổi Trung Sơn Pharma |
Đầu tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Dược phẩm Hàn Quốc Dongwha Pharm đã thông báo ký thỏa thuận mua lại 51% cổ phần (tương đương 12,15 triệu cổ phần) của chuỗi nhà thuốc Trung Sơn Pharma, tổng trị giá giao dịch là 30 triệu USD (khoảng 705 tỷ đồng).
Thương vụ giao dịch này dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10/2023 với mục đích đa dạng hóa hoạt động của Dongwha thông qua các khoản đầu tư hơn nữa vào thị trường bán lẻ dược phẩm ở Việt Nam.
Trung Sơn cũng kỳ vọng rằng, sau khi hợp tác với Dongwha, chuỗi nhà thuốc sẽ có thể mở rộng quy mô lên tới 460 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2026.
Được biết, Dongwha có thế mạnh về mảng thực phẩm chức năng, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Sau khi đồng hành cùng Dongwha, rất có khả năng Trung Sơn sẽ tập trung đẩy mạnh những sản phẩm này.
Thực tế cho thấy, Dongwha cũng đã có ý định này từ trước đó bởi Dongwha từng chia sẻ kế hoạch thâm nhập thị trường dược tại Việt Nam với danh mục thuốc không kê đơn như Whal Myung Su, Each Paste và Pancold.
Bên cạnh đó, các tập đoàn dược của Hàn Quốc cũng biết tận dụng thế mạnh của mình trong lĩnh vực làm đẹp. Ngày nay, nhu cầu chăm sóc sắc đẹp của người dân tăng cao nên các sản phẩm vitamin, hồng sâm và mỹ phẩm cũng cần được bàn đến.
Dongwha cũng nhận định, “thương vụ mua lại này là một bước quan trọng hướng tới việc mở rộng chiến lược của chúng tôi sang thị trường dược phẩm và làm đẹp Đông Nam Á.”
Theo tìm hiểu, chuỗi nhà thuốc Trung Sơn Pharma được thành lập từ năm 1997, đơn vị chủ quản là Công ty TNHH TrungsonCare, do bà Trương Hoàng Thanh Trúc đứng ra đại diện pháp luật.
So với chuỗi nhà thuốc Long Châu, An Khang, Trung Sơn Pharma có số lượng cửa hàng ít hơn, khoảng 140 nhà thuốc tập trung chủ yếu ở khu vực TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long. Xuất phát điểm với 10 nhà thuốc, Trung Sơn đã có 23 nhà thuốc vào năm 2018 và xuất sắc cán mốc 140 nhà thuốc ở thời điểm hiện tại.
Ngoài chuỗi nhà thuốc, Trung Sơn còn sở hữu một thẩm mỹ viện mang tên Trung Sơn Cosmetic và một trang thương mại điện tử TrungSonCare.com. Hiện tại, có khoảng hơn 1.000 dược sĩ đang làm việc tại các nhà thuốc.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, Trung Sơn Pharma mới thực sự có những bước phát triển vượt bậc. Theo Business Korea, năm 2022, Trung Sơn Pharma ghi nhận doanh thu của 140 cửa hàng đạt 56,5 triệu USD, tương đương hơn 1.340 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 46% kể từ năm 2019.
Mỗi năm, trung bình một cửa hàng Trung Sơn sẽ mang về 9,6 tỷ đồng doanh thu cho cả chuỗi. Với con số này, Trung Sơn thực sự là “đối thủ đáng gờm” của Long Châu (9.596 tỷ đồng, 937 cửa hàng) và “vượt mặt” An Khang với khoảng cách rất xa (1.500 tỷ đồng, 500 hiệu thuốc).
Tuy số lượng cửa hàng mở ra chưa thực sự rộng khắp và có những đối thủ “nặng đô” khác nhưng nhìn chung, Trung Sơn vẫn có rất nhiều tiềm năng để khai thác, đó cũng là lý do mà Dongwha quyết định rót hơn 700 tỷ đồng vào chuỗi nhà thuốc này.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 20 tỷ USD, chiếm 6% GDP, dự báo tăng đến 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD năm 2030.
Trong đó, riêng về thị trường dược phẩm, Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD năm 2015 lên đến gần 7 tỷ USD năm 2022. Dự báo đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ lên đến trên 13 tỷ USD, tiền thuốc bình quân đầu người năm 2022 đạt khoảng 75 USD.
Agriseco dự phóng, trong năm 2023, triển vọng lợi nhuận ngành dược trong năm nay ở mức ổn định bởi ngành dược được biết đến là ngành mang tính phòng thủ trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, ngành dược còn nhiều tiềm năng phát triển trong trung và dài hạn khi quy mô dân số Việt Nam ở mức lớn và đang trong quá tính già hóa với tốc độ nhanh. Thu nhập bình quân đầu người tăng cũng giúp người dân chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm y tế, chăm sóc sức khỏe.
Ngọc Bích
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|