Giữa những ngày cả nước hướng về Điện Biên Phủ trong âm hưởng hào hùng đầy tráng ca của 70 năm trước, chúng tôi may mắn được gặp cựu chiến binh Phòng không – Không quân Phạm Đức Hùng, năm nay đã ngoài 80.
Ông Hùng là trưởng nam của cố Trung tướng Phạm Kiệt. Vị Trung tướng này chính là con người duy nhất ở một trong những thời khắc quan trọng nhất, quyết định nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ đã trao đổi trực tiếp với Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ Mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp để đề nghị xem lại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh lúc đó nhằm sớm xoá sổ cứ điểm Điện Biên Phủ.
Câu chuyện về người cha của mình được cựu chiến binh Phạm Đức Hùng kể lại với chúng tôi.
Câu chuyện đã diễn ra như thế nào?
Xin được bắt đầu câu chuyện từ một bức ảnh được chụp tại Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong tấm ảnh quý giá này, ông Phạm Kiệt là người ngồi thứ hai từ bên trái sang, giữa những cán bộ chỉ huy cao cấp của chiến dịch (từ trái sang): Trần Văn Quang, Hoàng Xuân Tuỳ, Võ Nguyên Giáp, Lê Liêm, Lê Trọng Nghĩa, Lê Thiết Hùng.
Tại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh do gia đình Trung tướng Phạm Kiệt cung cấp) |
Những ngày đó là những ngày các chiến sĩ vào chiến dịch tinh thần lên rất cao, với quyết tâm nhanh chóng lập công giết giặc, thần tốc chiến đấu để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Song đó cũng là những ngày cực kỳ căng thẳng tại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bức ảnh lịch sử này được chụp ngày 17/1/1954, nghĩa là 3 ngày sau khi kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh được phổ biến và cũng chỉ cách thời điểm dự định nổ súng tiêu diệt cứ điểm Điện Biên Phủ vài ngày.
Thời điểm này ông Phạm Kiệt là Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Bác Hồ và Trung ương Đảng đặc biệt tin tưởng ông quyết định giao thêm cho ông nhiệm vụ Đặc phái viên của Bộ Tổng tư lệnh tại mặt trận Điện Biên Phủ. Ở cương vị này trong những ngày chuẩn bị mở màn chiến dịch, ông Phạm Kiệt đã nhiều lần tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát kiểm tra các địa điểm chuẩn bị cho chiến dịch.
Thời điểm nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ khi ấy được xác định là ngày 25/1/1954. Nhưng chỉ mấy ngày trước thời điểm được dự định, nhiều tin tức quân báo từ các trận địa tiền phương cấp tập báo về sở chỉ huy, cùng việc một số chiến sĩ của ta bị địch bắt, có cơ sở để khẳng định, địch đã nắm được kế hoạch nổ súng của ta và ra phương kế đối phó.
Nhiều ngày trước đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trăn trở, nung nấu suy nghĩ và dự cảm về sự không bảo đảm chắc thắng của phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Trước tình huống đặc biệt vừa xuất hiện, Đại tướng cử ông Phạm Kiệt trực tiếp đi thanh tra việc mất chiến sĩ ở Sư đoàn 312 và 308 (là hai đơn vị chủ công của bộ đội ta đánh Điện Biên Phủ) và kiểm tra mặt trận.
Chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy cao nhất mặt trận, ông Phạm Kiệt đã tới kiểm tra góc Đông Bắc của mặt trận. Chính tại đây bằng con mắt từng trải đầy lão luyện của nhà quân sự 44 tuổi, ông Phạm Kiệt nhận ra một lỗ hổng có thể nói là “chết người” khi mà các đơn vị pháo binh của ta bố trí ở một địa điểm bằng phẳng, có thể gặp những tình thế cực kỳ nguy hiểm, mất an toàn khi địch phản công.
Bằng tất cả trách nhiệm của mình, ông Phạm Kiệt sau chuyến thị sát đặc biệt đó đã trực tiếp báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem xét lại kế hoạch đánh nhanh.
Có thể nói, giữa lúc quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lên cao nhất, như một câu thơ của Hồ Chủ tịch “Nghĩa binh tráng khí thôn Ngưu Đẩu”, việc sáng suốt và dũng cảm để có một đề xuất như thế là cả một sự tuyệt đối không dễ dàng với ông Phạm Kiệt. Đặc biệt là khi trong Đảng uỷ Mặt trận đa số ý kiến vẫn thiên về phương án “đánh nhanh thắng nhanh”.
Với tầm nhìn trên cơ sở những suy nghĩ, đánh giá và cả những đề xuất ngay tại mặt trận, chấp hành triệt để và sáng tạo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được đưa ra tại cuộc họp Đảng uỷ và chỉ huy chiến dịch sáng 26/1/1954. Tại cuộc họp này, Đại tướng đã quyết định chuyển phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Phương án tác chiến mới sau đó được Bộ Chính trị nhất trí chuyển sang phương châm tác chiến: “đánh chắc, tiến chắc”.
Sự chuyển hướng tác chiến đó không chỉ mang ý nghĩa quyết định với sự toàn thắng của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ mà còn là một câu chuyện sinh động về vận dụng nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.
Hơn 50 năm sau chiến dịch Điện Biên Phủ, trong bức thư gửi Hội Khoa học lịch sử Việt Nam ngày 19/1/1995, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những đánh giá về đề xuất của ông Phạm Kiệt, người đồng chí, đồng đội đã mất tháng 1/1975, chỉ mấy tháng trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó cũng là sự nghiệp cả cuộc đời của Trung tướng Phạm Kiệt.
Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Hội Khoa học lịch sử Việt Nam về Trung tướng Phạm Kiệt (Ảnh gia đình Trung tướng Phạm Kiệt cung cấp) |
Cho chúng tôi xem bản chụp bức thư cùng những nét sửa trực tiếp của Đại tướng, ông Phạm Đức Hùng nhắc lại lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chỉ có Kiệt mới dám nói câu đó!” khi hồi cố về thân phụ với đề xuất trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển phương án tác chiến của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Phạm Đức Hùng, con trai Trung tướng Phạm Kiệt (1910 - 1975) |
Một câu chuyện đặc biệt khác được cựu chiến binh Phạm Đức Hùng kể với chúng tôi là sau này trên cương vị lãnh đạo lâu nhất của lực lượng Công an nhân dân vũ trang và sau là lực lượng Bộ đội Biên phòng, Trung tướng Phạm Kiệt sớm nhận rõ vai trò đặc biệt của sự nghiệp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Là người trực tiếp đi cùng cha mình tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thị sát các vùng biển đảo Đông Bắc tháng 11/1968, ông Phạm Xuân Hùng nhắc lại ý kiến của Trung tướng Phạm Kiệt về tầm quan trọng của biển đảo: “Biển đảo là tai mắt, là sức mạnh, là quần chúng, là minh chứng của đất Việt”.
Câu chuyện này xin được như một nén tâm hương tưởng nhớ, tri ân những người đã có mặt, đã cống hiến, đã hy sinh để làm nên trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” tròn 70 năm trước.
Quang Lộc
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|