Người dùng sàn thương mại điện tử cần cảnh giác với tin nhắn giả mạo

(Banker.vn) Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng Amazon nói riêng và các sàn thương mại điện tử khác nói chung đề cao cảnh giác trước các tin nhắn lạ.
Thương mại điện tử Việt Nam có chiều hướng bứt pháNgười tiêu dùng vẫn yếu thế trước 'ma trận' hàng giả, hàng nháiNở rộ dịch vụ ''lấy lại tiền bị lừa'' trên mạng xã hội, Cục An toàn thông tin khuyến cáo gì?

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), người dùng Amazon cho biết gần đây, họ nhận được nhiều tin nhắn thông qua Email về các vấn đề liên quan tới quá trình mua bán, yêu cầu truy cập đường link và cung cấp thông tin nhằm khắc phục sự cố.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dùng Amazon nói riêng và các sàn thương mại điện tử khác nói chung đề cao cảnh giác trước các tin nhắn lạ
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng Amazon và các sàn thương mại điện tử khác đề cao cảnh giác trước các tin nhắn lạ (Ảnh: Cục An toàn thông tin)

Các tin nhắn được gửi đến với nội dung như: “Phương pháp thanh toán gặp vấn đề, để biết thêm chi tiết yêu cầu truy cập đường dẫn…” hoặc “Tài khoản Amazon Prime đã hết hạn,...”, đều có xu hướng yêu cầu người dùng truy cập các đường dẫn được đính kèm. Sau khi truy cập, người dùng sẽ được yêu cầu cung cấp các dữ liệu cá nhân, thông tin tài chính như số thẻ tín dụng, ngày hết hạn... hoặc đóng các khoản phí.

Đây là một hình thức lừa đảo chiếm đoạt thông tin vô cùng nghiêm trọng, với các dữ liệu cá nhân đánh cắp được từ phía người dùng, các đối tượng có thể đem bán trên các group chợ đen hoặc sử dụng để chiếm quyền truy cập các tài khoản Amazon, thực hiện các giao dịch mua bán trái phép.

Thông thường, các tin nhắn này được gửi từ địa chỉ Email giả mạo. Các địa chỉ này thường chứa đựng ký tự lạ hoặc không kết thúc bằng đuôi @amazon.com. Bên cạnh đó, nội dung của các Email cũng chứa đựng lỗi sai chính tả hoặc văn phong bất thường (có thể được viết từ các công cụ dịch thuật hoặc trí tuệ nhân tạo).

Trước tình hình lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng Amazon nói riêng và các sàn thương mại điện tử khác nói chung đề cao cảnh giác trước các tin nhắn lạ. Tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn, cung cấp dữ liệu cá nhân và thông tin ngân hàng. Khi gặp sự cố trong quá trình mua hàng và vận chuyển, người dùng nên trực tiếp liên hệ với đội ngũ nhân viên hỗ trợ thông qua ứng dụng hoặc số điện thoại chính thống.

Bên cạnh đó, Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo người dùng cảnh giác với hình thức lợi dụng công cụ bảo vệ bản quyền thương hiệu để đe dọa, tống tiền.

, tập đoàn công nghệ Meta đã đưa ra lời cảnh báo về hành vi lừa đảo thông qua công cụ bảo vệ bản quyền thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội
Tập đoàn công nghệ Meta cảnh báo về hành vi lừa đảo thông qua công cụ bảo vệ bản quyền thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội (Ảnh: Cục An toàn thông tin)

Bởi mới đây, Tập đoàn công nghệ Meta đã đưa ra lời cảnh báo về hành vi lừa đảo thông qua công cụ bảo vệ bản quyền thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội Facebook.

Cụ thể, một số lượng lớn người dùng Facebook báo cáo rằng các nội dung mà họ tạo ra và đăng tải đã bị gỡ xuống vì lý do vi phạm bản quyền. Sau đó họ nhận được các tin nhắn đến từ các công ty, tập đoàn lớn , yêu cầu truy cập vào các đường link hoặc đóng các khoản phí nhất định để phục hồi các nội dung trên, nếu không sẽ bị xóa vĩnh viễn.

Các đối tượng lừa đảo sẽ chủ động tìm kiếm các video có nội dung tương tự nhau hoặc tự tạo ra các video bằng trí tuệ nhân tạo nhằm đánh dấu bản quyền người dùng.

Sau đó, các đối tượng liên hệ với nạn nhân thông qua Email hoặc các nền tảng mạng xã hội; yêu cầu nạn nhân truy cập vào các đường link để cung cấp thông tin cá nhân nhằm xác thực quyền sở hữu hoặc đóng các khoản phí để được phục hồi và tiếp tục sử dụng nội dung bị tố cáo.

Thông thường, các tin nhắn sẽ đến từ địa chỉ Email không chính thống hoặc giả mạo, chứa đựng các ký tự thừa hoặc văn phong bất thường. Bên cạnh đó, các đường dẫn được đính kèm trong tin nhắn thường chứa đựng các web lạ với giao diện sơ sài, font chữ bị lỗi và được chèn nhiều quảng cáo.

Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng, đặc biệt là những nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội đề cao cảnh giác trước các tin nhắn đe dọa tống tiền.

Khi nhận thấy các nội dung bị gỡ xuống vì lý do vi phạm bản quyền, người dùng cần liên hệ với đội ngũ nhân viên hỗ trợ của nền tảng mà mình sử dụng để xử lý vấn đề. Kiểm tra kỹ địa chỉ Email. "Tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ, không cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền cho bất kỳ đối tượng nào" - Cục An toàn thông tin lưu ý.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục