Người dân ngày càng ít gửi tiền vào ngân hàng, dòng tiền đã đi đâu?

(Banker.vn) Tiền gửi của người dân tại ngân hàng có xu hướng tăng chậm lại trong các năm gần đây, nhất là từ năm 2020 khi dịch COVID-19 xuất hiện. Xu hướng này diễn ra trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp.

Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật dữ liệu về tình hình tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), tính đến tháng 4 năm nay.

Theo dữ liệu tại tháng 4, tổng quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 4,97 triệu tỷ đồng, tăng 2,05% so với cuối năm 2020. Đây được xem là một chỉ số bất ngờ bởi dữ liệu thống kê cùng kỳ từ năm 2012 đến nay cho thấy tiền gửi của các tổ chức kinh tế chủ yếu ở trạng thái tăng trưởng âm, thường chỉ có tăng trưởng dương vào nửa cuối các năm.

Với tiền gửi của dân cư, tính đến tháng 4, quy mô tiền gửi của dân cư tại các TCTD ở mức trên 5,26 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,34% so với cuối năm 2020. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố.

Ngày 11/11/2011, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 35 quy định việc công bố và cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 1/4/2012.

Trước đó, thời kỳ những năm 2013 và 2014 khi lãi suất huy động còn ở mức khá cao 7-9%/năm, tăng trưởng tiền gửi của dân cư cùng kỳ so sánh từng lên tới 13,55% và 9,83%. Tuy nhiên, cùng kỳ hai năm gần đây, tiền gửi dân cư lần lượt còn tăng 3,37% tại tháng 4/2020 và thấp nhất là tăng 2,34% tại tháng 4/2021.

Tiền gửi của người dân tại ngân hàng có xu hướng tăng chậm lại trong các năm gần đây, nhất là từ năm 2020 khi dịch COVID-19 xuất hiện. Xu hướng này diễn ra trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp.

Thống kê cho thấy, mặt bằng lãi suất đã giảm từ 1,5% đến 2,5%; lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại một số ngân hàng chỉ còn 3,3%/năm, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, lãi suất tiết kiệm xuống thấp kỷ lục trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém, cũng đã ảnh hưởng nhất định đến sức hút tiền gửi dân cư vào ngân hàng.

Ngược lại, dòng tiền trong dân cư có xu hướng ngày càng linh hoạt, năng động hơn giữa các kênh đầu tư (trong đó có chứng khoán) thay vì có tính ổn định hơn khi lựa chọn gửi ngân hàng.

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 140.193 tài khoản chứng khoán trong tháng 6, tăng thêm 26.519 so với tháng trước và là con số kỷ lục từ trước tới nay, trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm tới 140.054 tài khoản trong khi các tổ chức mở mới 139 tài khoản.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 620.683 tài khoản chứng khoán, cao hơn tới 58% so với tổng số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản). Đáng chú ý, con số này thậm chí còn lớn hơn tổng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 và năm 2019 cộng lại. Tính tới cuối tháng 6, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 3,39 triệu, tương đương khoảng 3,5% dân số.

Việc nhà đầu tư trong nước ồ ạt mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây được đánh giá xuất phát từ nhiều yếu tố như lãi suất huy động đang ở mức thấp; kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại sau Nghị định 81...

Linh Đan

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán