Những ngày gần đây, việc các ngân hàng yêu cầu xác thực sinh trắc học với các giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn cũng như người tiêu dùng.
Cụ thể, theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 1/7, tất cả các ngân hàng, trung gian thanh toán sẽ phải áp dụng một chính sách chung đối với khách hàng cá nhân khi giao dịch trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng là phải kiểm tra dấu hiệu sinh trắc học (khuôn mặt) của người thực hiện giao dịch đúng với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc trong căn cước công dân gắn chip điện tử do Bộ Công an cấp. Điều này đồng nghĩa với việc giao dịch của khách hàng - nhất là các giao dịch lớn (từ 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày) đều được bảo vệ nghiêm ngặt hơn bởi đều phải do “chính chủ” tài khoản thực hiện.
Đáng chú ý, đồng bộ với Quyết định 2345 này, nhà điều hành cũng ban hành một loạt văn bản quy phạm pháp luật, gồm Thông tư 15/2024/TT-NHNN về cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; Thông tư 17/2024/TT-NHNN về mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; Thông tư 18/2024/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng. Tất cả đều cũng có hiệu lực pháp lý từ ngày 1/7, đồng nhịp với Quyết định 2345.
Điểm mới của Thông tư 17 và Thông tư 18 là từ ngày 1/1/2025, nếu khách hàng không cung cấp dữ liệu sinh trắc học, hoặc dữ liệu qua đối chiếu không khớp, thì tài khoản hiện có của khách hàng đó sẽ bị dừng toàn bộ các giao dịch trên phương tiện điện tử.
Từ 1/7, khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng lần đầu bằng Mobile Banking hoặc giao dịch chuyển tiền có giá trị lớn hơn 10 triệu đồng. |
Giải thích về những điểm mới này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng - cho biết, điều kiện để được cung ứng dịch vụ trên môi trường internet là thông tin phải được xác thực sinh trắc học với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà Bộ Công an đang là đầu mối quản lý, vận hành.
Đây là giải pháp để Ngân hàng Nhà nước thực hiện kế hoạch 2025 của mình là quản lý thống nhất trên toàn quốc hệ thống tài khoản, thẻ, ví, đơn vị chấp nhận thanh toán... để rồi có thể đánh giá tổng thể về từng tài khoản. Trên cơ sở đó hỗ trợ các tổ chức tín dụng làm sạch dữ liệu, ngăn chặn các giao dịch có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 17h ngày 3/7 đã có 16,6 triệu tài khoản ngân hàng được kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an.
Dù Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước đã chính thức có hiệu lực được gần 1 tuần, và những ngày qua các ngân hàng cũng rốt ráo hỗ trợ khách hàng thu thập dữ liệu sinh trắc học, song vẫn có nhiều người dùng than phiền khi tiến hành xác thực sinh trắc học trên các ứng dụng ngân hàng điện tử.
Chị Nguyễn Minh (Hoàng Mai, Hà Nội), bày tỏ sự khó chịu khi ứng dụng ngân hàng chị đang dùng có nhiều bất cập, gặp trục trặc khi họ tiến hành xác thực. "Ngay cả thao tác chụp ảnh chân dung chủ tài khoản cũng không đơn giản, khó khăn mới đưa lọt khuôn mặt vào khung hình để được chấp nhận. Mặt khác, việc quét thông tin từ chíp của căn cước công dân thông qua công nghệ kết nối gần NFC liên tục gặp vấn đề" - chị Minh bày tỏ.
Các chuyên gia kinh tế, tài chính - ngân hàng cho rằng, quy định áp dụng sinh trắc học trong giao dịch online là một chủ trương tốt nhằm đảm bảo an toàn trong các giao dịch tài chính có giá trị lớn. Tuy nhiên, hiện nay thu nhập và trình độ công nghệ của người dân còn chưa đồng đều giữa các khu vực, các lứa tuổi.
Do vậy, nhiều người mong đợi, không nên quy định cứng nhắc mà nên để cho người dân tự lựa chọn nếu có nhu cầu, tránh tình trạng quá tải tại các ngân hàng và mất thời gian cho những khách hàng không có nhu cầu.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện tài chính cho rằng, hiện nay còn có một bộ phận người lao động lớn tuổi, những người về hưu hay những người có thu nhập thấp chưa có các thiết bị thực sự thông minh và kỹ năng công nghệ của họ còn thấp. Trong khi đó, thời hạn áp dụng quy định này đã đến, do vậy ông Thịnh đề xuất: “Ngân hàng Nhà nước cũng cần nghiên cứu để có thể kéo dài thời hạn, ví dụ đến hết tháng 8. Chúng tôi cũng cho rằng, quy định sinh trắc học cũng chỉ nên bắt buộc đối với những người thường xuyên chuyển tiền và chuyển những khoản lớn còn đối với những không có khoản tiền lớn như vậy thì không cần bắt buộc”.
TS Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia tài chính ngân hàng nêu quan điểm: Mục tiêu cao nhất của Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước chính là để bảo vệ tiền trong tài khoản thanh toán của người dân. Song điều đáng nói ở đây chính là thời điểm để thực hiện quyết định này không trùng khớp với thời điểm cuối việc thực hiện chuyển đổi căn cước công dân gắn chip.
“Nếu Ngân hàng Nhà nước đưa ra thời điểm thực hiện xác thực sinh trắc học trùng khớp thời điểm cuối việc thực hiện chuyển đổi căn cước công dân gắn chip sẽ giúp người dân giảm thiểu khó khăn không đáng có trong quá trình xác thực sinh trắc học” - ông Huân nói.
Tại điểm c khoản 5 Điều 17 của Thông tư 17/2024/TT-NHNN về mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, quy định chỉ được rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức). Quy định này áp dụng đối với tài khoản thanh toán của cá nhân có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. |