Người bị mỡ máu cao cần thực hiện chế độ ăn thế nào?

(Banker.vn) Người bị mỡ máu cao thì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng. Chuyên gia khuyến cáo, hạn chế thực phẩm giàu chất béo bão hòa, tránh chất béo chuyển hóa.
Những thực phẩm tốt cho người bị mỡ máu cao Vì sao người mắc bệnh tiểu đường thường mỡ máu cao và cách phòng tránh

Những lưu ý đặc biệt với người bị máu nhiễm mỡ

TS. BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam – chia sẻ: Nguyên nhân khiến cholesterol tăng cao đến từ thói quen ăn uống như ăn nhiều chất béo bão hòa, uống bia rượu, hút thuốc lá, lối sống lười vận động... Tuy nhiên cũng có những trường hợp người gầy, ăn uống kiêng khem nhưng vẫn bị mỡ máu, do cholesterol được tổng hợp từ gan và có những người do yếu tố di truyền vẫn mắc bệnh mỡ máu. Vì vậy những người bị máu nhiễm mỡ cần tuyệt đối thực hiện chế độ ăn lành mạnh.

Người bị mỡ máu cao cần thực hiện chế độ ăn thế nào?
Người bị máu nhiễm mỡ cần tuyệt đối thực hiện chế độ ăn lành mạnh

Các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý, khi nói đến việc giảm mức cholesterol, không phải là cholesterol trong chế độ ăn uống mà là hai loại chất béo không lành mạnh, đó là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Đây chính là thủ phạm khiến cholesterol xấu tăng cao.

Thực phẩm nào chứa những chất béo không lành mạnh: Hầu hết chất béo động vật là chất béo bão hòa. Thực phẩm có chứa tỷ lệ chất béo bão hòa cao bao gồm các sản phẩm từ chất béo động vật như mỡ lợn, thịt và sản phẩm từ sữa chẳng hạn như phô mai, bơ, kem, các loại dầu như dầu dừa, dầu cọ.

Chất béo bão hòa cũng xuất phát từ các loại dầu thực vật và bị hydro hóa trong quá trình chế biến thức ăn, đặc biệt là các món chiên xào.

Chất béo chuyển hóa là một loại axit béo có hại được tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm chế biến sẵn, nếu con người thường xuyên tiếp nhận loại chất béo này thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bởi cấu trúc hóa học của chất béo chuyển hóa có khả năng làm tăng LDL (một loại cholesterol có hại) và làm giảm lượng HDL (một cholesterol tốt).

Bơ, sữa, thịt động vật... là những thực phẩm có chứa một lượng nhỏ chất béo chuyển hóa, tuy nhiên, những chất béo chuyển hóa tự nhiên này lại không có khả năng gây hại cho sức khỏe bằng tác hại chất béo chuyển hóa được tìm thấy trong thực phẩm chiên, xào, đồ ăn nhanh hay thực phẩm nướng thương mại.

Một số thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa như: Bánh quy ngọt; khoai tây chiên; nước trộn xà lách; bơ thực vật (margarine); dầu Shortening; bánh quy giòn.

Chế độ ăn để giảm cholesterol

Nguyên tắc có thể thực hiện để giảm cholesterol bằng chế độ ăn uống đó là: Thêm nhiều chất xơ hòa tan vào chế độ ăn; hạn chế ăn chất béo bão hòa; không ăn chất béo chuyển hóa; ăn các bữa ăn cân bằng.

Theo đó, các chuyên gia cho biết, cần hạn chế lượng đường tiêu thụ mỗi ngày.

Khi thu nhận quá nhiều đường vào cơ thể, lượng đường dư thừa sẽ được chuyển hóa thành các triglyceride, làm tăng nồng độ mỡ máu cũng như kéo theo việc tăng các yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch.

Khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, mỗi người trong một ngày không nên tiêu thụ quá lượng đường bổ sung bằng với 6 - 9 thìa cà phê.

Ăn ít carbohydrate: Cũng như đường bổ sung, lượng carbohydrate dư thừa cũng được chuyển hóa thành các triglyceride và dự trữ trong các tế bào mỡ.

Carbohydrate là một thành phần cơ bản trong thức ăn của con người. Cùng với protein, lipid, vitamin và khoáng chất, carbohydrate giúp con người duy trì sự sống, sinh trưởng và phát triển.

Ăn nhiều chất xơ hơn: Chất xơ có nhiều trong rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt, cũng như trong nhiều nguồn khác (bao gồm các loại hạt, ngũ cốc và các loại đậu).

Sử dụng nhiều chất béo không bão hòa: Như đã đề cập ở trên, chất béo không bão hòa có tác dụng làm giảm mỡ máu, bên cạnh rất nhiều các lợi ích khác cho sức khỏe đã được biết tới.

Chất béo không bão hòa có nhiều trong dầu olive, các loại hạt và quả bơ, các loại cá nhiều dầu như cá hồi, cá trích, cá mòi, cá ngừ…

Thêm nhiều các loại hạt vào chế độ ăn như: Hạnh nhân, hạt hồ đào, hạt óc chó, hạt điều, hạt dẻ cười, hạt mắc ca...

Hạn chế sử dụng rượu: Về bản chất, rượu chứa hàm lượng cao đường và năng lượng. Nêu lượng năng lượng này không được tiêu hao chúng sẽ được chuyển hóa thành các triglyceride, rồi tích tụ trong các tế bào mỡ.

Mặc dù có sự ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nhau, nhưng nhiều nghiên cứu đã cho thấy tiêu thụ rượu ở mức độ trung bình có thể làm tăng nồng độ mỡ máu lên tới 53%, kể cả khi nồng độ mỡ máu ban đầu ở mức bình thường.

Bên cạnh ăn uống, để giảm mỡ máu ở những người có mỡ máu cao, các chuyên gia lưu ý tới việc giảm cân nếu đang thừa cân hoặc béo phì. Giảm cân có thể giúp giảm triglyceride trong máu. Bên cạnh đó cần tăng cường hoạt động thể chất ở mức độ thích hợp.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương